03:10 22/03/2012

Thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo ở ĐBSCL: Cần quan tâm đến lợi ích của nông dân

Chủ trương thu mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho người nông dân tiêu thụ hàng hóa và có lãi đang được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) triển khai thực hiện. Tuy nhiên, do khâu tổ chức thực hiện, việc thu mua này mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp...

Chủ trương thu mua 1 triệu tấn gạo tạm trữ của Thủ tướng Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho người nông dân tiêu thụ hàng hóa và có lãi đang được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) triển khai thực hiện. Theo đó, từ ngày 15/3 đến hết ngày 30/4/2012 là thời gian chính thức thực hiện thu mua. Tuy nhiên, do khâu tổ chức thực hiện, việc thu mua này mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp còn người nông dân vẫn chịu thiệt

Thị trường lúa gạo bắt đầu nóng

Từ ngày 15/3, các doanh nghiệp bắt đầu triển khai chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ đông xuân theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, giá lúa gạo nội địa đã tăng 200-300 đồng/kg so với vài ngày trước.

Công ty Lương thực Đồng Tháp ( Tổng công ty Lương thực miền Nam ) đang tích cực triển khai mua 80.000 tấn gạo cho nông dân, với giá thu mua đảm bảo người trồng lúa có lãi hơn 40%. Ảnh: Nông dân vận chuyển gạo bán cho Công ty tại Chợ Trung tâm chế biến Nông sản Thanh Bình ( huyện Thanh Bình ). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN

Theo đó các doanh nghiệp thành viên của VFA thực hiện thu mua lúa gạo theo giá thị trường nhưng không thấp hơn mức 5.000 đồng/kg (lúa khô đạt tiêu chuẩn). Đây là mức giá tối thiểu đảm bảo lợi nhuận cho nông dân trong vụ đông xuân này từ 30% trở lên theo yêu cầu của Chính phủ, với tính toán giá thành sản xuất lúa vụ này là 3.400 đồng/kg.

Thực ra từ sau khi có thông tin tạm trữ, thị trường lúa gạo ở vùng lúa hàng hóa ĐBSCL đã có sự chuyển biến. Ban đầu ở một số vùng thu hoạch lúa sớm nông dân giữ hàng lại không vội bán, chờ giá lên thêm. Đến thời điểm này, các doanh nghiệp trong vùng đẩy mạnh thu mua, thương lái cũng ráo riết tỏa về khắp vùng lúa đang thu hoạch. Thị trường lúa gạo bắt đầu nóng lên.

Hiện nay giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL đang tăng: Tại Tiền Giang, Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp… giá lúa đồng loạt tăng 100 - 300 đồng/kg so với cuối tuần trước. Hiện lúa IR50404 tươi tại ruộng đã nhích lên 4.300 - 4.500 đồng/kg, lúa khô 5.300 - 5.400 đồng/kg. Giá các loại lúa hạt dài từ 4.600 - 4.800 đồng/kg (lúa tươi), lúa khô 5.700 - 5.800 đồng/kg. Lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu có giá 6.500 - 6.800 đồng/kg… Trong khi đó, các loại gạo nguyên liệu cũng nhích lên từ 100 - 200 đồng/kg. Ngày 15/3, tại chợ gạo Cái Răng (Cần Thơ), gạo IR50404 được thu mua từ 6.750 - 6.850 đồng/kg, gạo hạt dài 7.100 - 7.350 đồng/kg…

Doanh nghiệp thực hiện khẩn trương

Hiện nay, các doanh nghiệp ở ĐBSCL đang khẩn trương thu mua lúa gạo tạm trữ theo chủ trương của Chính phủ. Tại Bạc Liêu, ông Trần Văn Tâm - Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty Lương thực Bạc Liêu, cho biết các tổ thu mua lúa của Công ty đã tỏa xuống các địa phương; 8 kho chứa lúa, gạo của công ty với sức chứa hơn 30.000 tấn đã tiếp nhận những mã hàng đầu tiên.

Tại Sóc Trăng, ông Lâm Định Cuốc - Giám đốc công ty lương thực tỉnh này cho biết đã bố trí mỗi kho từ 3-7 người làm nhiệm vụ thu mua và tổ chức mua từ 2.000-5.000 tấn/kho.

Đóng bao gạo xuất khẩu tại Chợ Trung tâm Nông sản Thanh Bình, huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp ). Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Một động thái khác tích cực hơn, khi cánh hàng xáo đã ra quân mạnh hơn, luồn sâu vào các tiểu vùng trọng điểm lúa để mua lúa đông xuân đang thu hoạch. Ông Trần Văn Nhân - một hàng xáo ở miệt Thới Bình (Cà Mau), cho biết: Xóm hàng xáo của ông đã đưa thêm từ 1-3 ghe và thuê nhân công đi mua lúa trong dân.

Để phối hợp với doanh nghiệp, tạo điều kiện các doanh nghiệp thu mua lúa gạo của nông dân. Ngày 14/3, Thống đốc NHNN Việt Nam có văn bản gửi Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Liên Việt và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL về việc cho vay thu mua tạm trữ thóc, gạo.

Theo đó, Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại thực hiện cân đối nguồn vốn để cho vay mua tạm trữ thóc, gạo vụ đông xuân năm 2011-2012. Việc cho vay thực hiện theo quy định hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng.

Các NHTM cho vay thu mua tạm trữ thóc, gạo với mức lãi suất cho vay tối đa 14%/năm. Ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay trong thời gian thu mua, tạm trữ. Hồ sơ, thủ tục cấp bù lãi suất đối với các khoản cho vay mua tạm trữ thóc, gạo của các thương nhân thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thời gian triển khai cho vay và giải ngân thu mua lúa gạo tạm trữ từ ngày 15/3/2012 đến hết ngày 30/4/2012. Thời gian cho vay tạm trữ được hỗ trợ lãi suất tối đa là 3 tháng, kể từ ngày 15/3/2012 đến hết ngày 15/6/2012.

Nông dân vẫn thiệt

Thu mua tạm trữ lúa gạo là chủ trương đúng của Chỉnh phủ nhằm tạo điều kiện cho người sản xuất lúa có lãi. Tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, việc tổ chức thu mua tạm trữ lúa gạo vẫn mắc căn bệnh triền miên, từ năm này qua năm khác, do điệp khúc được mùa - rớt giá. Về nguyên tắc, các doanh nghiệp đã xuất khẩu gạo cả mấy chục năm nay, đáng lẽ phải chủ động được nguồn nguyên liệu, có kho tàng để chủ động thu mua tạm trữ cho bà con vào những thời điểm như thế này. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp không có hợp đồng với bà con nông dân, nên mỗi khi vào vụ thu hoạch rộ, sản lượng lúa nhiều, bà con lại không có chỗ chứa, như vụ đông xuân năm 2012, ĐBSCL có đến 11 triệu tấn lúa (tương đương với trên 7 triệu tấn gạo).

Theo TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long: “Việc thu mua tạm trữ là đúng, vì với tình trạng như hiện nay, giá lúa xuống thấp quá, nông dân đang rất thiệt thòi. Từ trước đến nay, mỗi khi đề xuất thu mua tạm trữ, thường các doanh nghiệp hay nêu lý do như là không có kho tàng, bến bãi để chứa, nên không mua được ồ ạt lúa gạo cho dân... Họ cứ nói như thế, các cơ quan chức năng cũng đành nghe và chịu. Bởi vậy, nên chăng khi cho doanh nghiệp mua tạm trữ, Nhà nước cũng phải ra điều kiện, yêu cầu họ mua dứt điểm ngay, vì tháng 3 này người dân đang thu hoạch rộ, nếu để sang tháng 4, 5 mới mua, thì chính sách đó sẽ không có hiệu quả, trong khi đến tháng 6, 7, chúng ta đã lại có lúa hè thu ”.

Từ những hiện tượng nêu trên, TS Bảnh cho rằng:” Cần phải có sự giám sát trong việc thu mua tạm trữ lúa gạo, mà trách nhiệm ở đây chính là thuộc về Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương. Bởi các doanh nghiệp khi đề xuất được mua tạm trữ, tức là đề nghị được hỗ trợ về lãi suất và khi được Chính phủ chấp thuận hỗ trợ cho mua tạm trữ, họ thường mua cầm chừng. Cho đến khi dân bán hết lúa với giá thấp, tiền hỗ trợ của nhà nước mới đưa xuống, thì chỉ có doanh nghiệp hưởng lợi mà thôi”.

Hồng Minh