11:22 20/11/2014

Thủ lĩnh ly khai thách Tổng thống Ukraine đấu tay đôi

Thủ lĩnh nước CHND Lugansk tự xưng ở miền Đông Ukraine đã thách Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đấu tay đôi để quyết định về cuộc xung đột đang diễn ra giữa lực lượng chính phủ và phe ly khai.

Thủ lĩnh nước CHND Lugansk tự xưng ở miền Đông Ukraine đã thách Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đấu tay đôi để quyết định về cuộc xung đột đang diễn ra giữa lực lượng chính phủ và phe ly khai.


Ukraine từ chối đàm phán trực tiếp với phe ly khai miền Đông.


Hãng TASS ngày 19/11 của Nga dẫn bức thư của ông Igor Plotnitsky gửi đối thủ: “Hãy đối mặt với nhau trong một cuộc đấu tay đôi. Ai chiến thắng sẽ có quyền đưa ra luật mà nước của người thua cuộc phải tuân theo”. Ông Plotnitsky cho biết ông sẽ làm đại diện cho phe ly khai ở cả Lugansk và Donetsk để thách đấu với ông Poroshenko nhằm chấm dứt chiến tranh.


Ông Plotnitsky tuyên bố: “Hãy để ông Petro Poroshenko đổ máu của chính ông ta một lần và chứng minh với người dân đã bầu ông ta rằng ông ta là một lãnh đạo thực thụ, rằng ông ta đủ khả năng bảo vệ họ bằng chính mạng sống của mình”. Tuy nhiên, cuộc đấu tay đôi theo ý ông Plotnisky không phải chỉ bằng nắm đấm mà bằng bất kỳ hình thức nào và trong bất kỳ bối cảnh nào mà ông Poroshenko chọn.


Theo đề xuất, cả hai bên sẽ có quyền mang theo 10 quan sát viên và 10 phóng viên báo chí để được đánh giá công bằng. Thậm chí, ông Plotnisky còn đề xuất truyền hình trực tiếp cuộc đấu. Khi được hỏi về cơ hội thắng cuộc, ông Plotnitsky tỏ ra tự tin rằng không có khả năng thua đối với ông.


Theo thủ lĩnh Lugansk, nếu Tổng thống Petro Poroshenko chấp nhận lời thách đấu và thua cuộc, hành động đầu tiên của ông sẽ là lập lại hòa bình với Kiev, thiết lập quan hệ kinh tế lâu dài giữa hai bên, rút mọi nhóm vũ trang khỏi biên giới hành chính của Lugansk và Donetsk.


Hiện Tổng thống Ukraine chưa phản ứng với lời thách đấu. Ông đang tham dự một cuộc đàm phán với Mỹ về việc cung cấp vũ khí cho quân đội Ukraine trong cuộc chiến với phe ly khai Lugansk và Donetsk. Cuộc đàm phán diễn ra sau khi ông Anthony Blinken, người được Tổng thống Mỹ đề cử giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao, cho biết Mỹ nên xem lại chính sách không cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine.

Cùng ngày 19/11, chính phủ Ukraine đã từ chối gặp các thủ lĩnh ly khai để đàm phán trực tiếp chấm dứt chiến tranh theo lời kêu gọi của Nga. Thủ tướng Ukraine Arseny Yatseniuk coi lời kêu gọi của Nga là tìm cách đẩy Ukraine tới chỗ công nhận phe ly khai. Ông này tuyên bố Ukraine sẽ không đàm phán trực tiếp với phe ly khai.


Trước đó, đại diện chính phủ Ukraine và phe ly khai từng đàm phán tại Minsk, Belarus dưới sự bảo trợ của Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu (OSCE). Tuy nhiên, đại diện của chính phủ lại là một cựu tổng thống để tránh bị coi là chính thức công nhận phe ly khai. Thỏa thuận hòa bình hai bên ký kết trong cuộc đàm phán này đang bị lung lay khi các bên cáo buộc lẫn nhau nã súng vào đối phương.


Trái lại, Ngoạitrưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng Ukraine và những nước hậu thuẫn Ukraine đang tìm cách loại bỏ phe ly khai ra khỏi tiến trình hòa bình và buộc Nga chấp nhận coi mình là một bên trong cuộc xung đột. Ông Lavrov nhấn mạnh: “Đây là điều hoàn toàn phản tác dụng, khiêu khích, không có khả năng thành công”.


Cùng ngày, Ngoại trưởng Lavrov cũng kêu gọi Ukraine đứng ngoài NATO, đồng thời khẳng định rằng quy chế không liên kết là vì lợi ích của chính Ukraine. Ông nói: “Chắc chắn quy chế không liên kết của Ukraine không chỉ quan trọng khi xét từ góc độ đảm bảo ổn định ở khu vực châu Âu – Đại Tây Dương mà còn từ góc độ lợi ích quốc gia cơ bản của người dân Ukraine. Nga từ lâu đã đề xuất một thỏa thuận ràng buộc về mặt pháp lý nhằm thực hiện các nguyên tắc “không chia rẽ an ninh” nhưng phương Tây không đồng ý. Đối với Nga, chỉ đảm bảo bằng miệng rằng NATO sẽ không mở rộng sang phía đông là chưa đủ. Ông nói: “Chúng tôi buộc phải tính đến chuyện pháp lý và sẽ tiếp tục tính”.


Trước đó, ngày 18/11, cố vấn của Tổng thống Nga Vladimir Putin Dmitri Peskov cũng cho biết Điện Kremlin muốn một lời đảm bảo 100% rằng không có nước nào nghĩ đến chuyện để Ukraine gia nhập NATO. Ông Peskon nói: “Nga lo ngại về lực lượng NATO dần dần triển khai sát hơn với biên giới Nga”.


Hồi tháng 9, Tổng thống Ukraine đã đề xuất Mỹ cho Ukraine hưởng quy chế an ninh đặc biệt phi thành viên NATO nhưng không được chấp nhận. Gần đây, do tình hình ở Ukraine, NATO đã thực hiện một số biện pháp khẩn cấp để tăng cường an ninh một số nước thành viên trong khu vực. NATO đã củng cố phái bộ tuần tra trên không tại các nước Baltic, điều máy bay và thiết bị radar tuần tra thường xuyên trên vùng trời Ba Lan và Romania.


Thùy Dương