07:13 04/07/2021

Thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo ở Đồng bằng sông Cửu Long

Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long chú trọng thu hút đầu tư, phát triển các dự án năng lượng tái tạo, góp phần giải bài toán an ninh năng lượng, tạo động lực bứt phá, phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương cũng như toàn vùng.

Chú thích ảnh
Nhà máy điện năng lượng mặt trời Sao Mai tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang. Ảnh: Thanh Sang/TTXVN

Sức hút từ lợi thế

Các chuyên gia đã nhận định, Đồng bằng sông Cửu Long là nơi rất thuận lợi cho phát triển cụm ngành công nghiệp năng lượng, bao gồm năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối) và nhiệt điện khí. Trong 13 tỉnh, thành thuộc vùng có tới 11 tỉnh có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời với bức xạ trung bình 1.387 - 1.534 Kwh/KWp/năm. Bên cạnh đó, các tỉnh ven biển trong khu vực có tiềm năng về năng lượng gió rất tốt với vận tốc gió dọc bờ biển từ 6,5 - 7 m/s.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau, ông Dương Vũ Nam, tỉnh có vị trí địa lý rất thuận lợi với 3 mặt giáp biển, đường bờ biển dài trên 254 km, thềm lục địa rộng khá bằng phẳng, thuận lợi cho phát triển điện gió. Cà Mau cũng là một trong những khu vực nằm trong dải phân bố ánh nắng có bức xạ cao kết hợp không khí trong lành là ưu thế để phát triển điện mặt trời. Diện tích rừng sản xuất tại địa phương khá lớn, trữ lượng khai thác và các phế phẩm từ gỗ đạt khoảng 225.000 - 300.000 tấn/năm là nguyên liệu dồi dào phát triển điện sinh khối. Địa hình đường bờ biển dài, nhiều cửa biển lớn và có các hòn đảo xung quanh đây là vị thế rất quan trọng để xây dựng kho, cảng, đường ống dẫn khí và hệ thống kho chứa và tái hóa khí để phát triển điện khí.

Đến nay đã có khoảng trên 40 nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp cận, khảo sát tìm cơ hội đầu tư điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối tại Cà Mau. Tính đến tháng 6/2021, tại Cà Mau có 11 dự án điện gió với tổng công suất 675MW, 1 dự án điện sinh khối 24 MW đang triển khai thực hiện. Ngoài ra, còn có 200 MW dự án điện gió đang xem xét cấp chủ trương đầu tư, dự kiến sẽ đưa vào vận hành thương mại vào năm 2021-2023. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã cho chủ trương để các nhà đầu tư nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất bổ sung dự án vào quy hoạch làm cơ sở đầu tư. Tỉnh đã trình Bộ Công Thương bổ sung 26 hồ sơ dự án vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia với tổng công suất 14.614 MW.

Còn theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng, ông Lê Thành Thanh, năm ở vùng hạ lưu Đồng bằng sông Cửu Long, Sóc Trăng có chiều dài bờ biển khoảng 72 km mang lại lợi thế lớn trong thu hút đầu tư phát triển năng lượng điện gió quy mô công nghiệp. Khảo sát của các nhà đầu tư cho thấy, tại các vùng ven biển của tỉnh có tiềm năng lớn về điện gió do bờ biển dài và rộng, ở độ cao 120 m tại khu vực bãi bồi ven biển, tốc độ gió đạt trung bình khoảng 8,3m/s. Bên cạnh tiềm năng phát triển điện gió, Sóc Trăng còn có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời. Số giờ nắng trong năm của tỉnh khá cao, dao động từ 2.300 - 2.480 giờ/năm.

Thông tin từ UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, theo quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Sóc Trăng đến năm 2020 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch được 20 dự án điện gió tại vùng ven biển tỉnh Sóc Trăng với tổng quy mô công suất là 1.435 MW. Đến nay, UBND tỉnh Sóc Trăng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư cho 16 dự án với tổng công suất 1.095 MW, 4 dự án còn lại Sở Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn chỉnh hồ sơ theo ý kiến thẩm định để xin chủ trương đầu tư. Hiện có 9 nhà máy đã tiến hành thi công và đang giai đoạn hoàn thiện hạ tầng cơ sở, đường dẫn, đổ móng trụ tua-bin gió, hệ thống lưới điện kết nối để sau khi hoàn thành sẽ hòa lưới điện quốc gia.

Từ góc độ nhà đầu tư, ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng (Dự án Nhà máy điện gió số 6) cho biết, doanh nghiệp quyết định đầu tư dự án nhà máy điện gió tại Sóc Trăng do đánh giá cao tiềm năng phát triển điện gió tại đây. Công suất giai đoạn I của nhà máy là 30 MW. Đến nay dự án đã hoàn thành phần móng và trụ tua-bin của 6 móng trụ. Doanh nghiệp đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành việc lắp đặt và chạy thử vào tháng 8 và đóng điện vận hành thương mại dự án trong tháng 9/2021.

Tháo gỡ khó khăn

Xác định năng lượng tái tạo là một trong những lĩnh vực trọng điểm thu hút đầu tư song hiện nay, tại một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long, việc thực hiện các dự án năng lượng tái tạo còn gặp khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ. Theo ông Dương Vũ Nam, Phó Giám đốc Sở Công Thương Cà Mau, các công trình lưới điện do ngành điện làm chủ đầu tư chậm tiến độ theo quy hoạch; quy trình thủ tục trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang đất năng lượng và giao khu vực biển khá phức tạp, kéo dài thời gian... ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án đầu tư năng lượng tái tạo đang triển khai, nhất là đối với những dự án đang được đề xuất bổ sung vào quy hoạch phải thực hiện phương án đấu nối khá xa vị trí dự án.

Ngoài ra, trên địa bàn Cà Mau có khoảng trên 300.000 ha đất nuôi trồng thủy sản rất thuận lợi cho việc kết hợp điện mặt trời trên bờ bao, mái che tạo nguồn điện sử dụng tại chỗ còn dôi dư bán lên lưới điện mang lại nguồn thu đáng kể trên cùng diện tích, tăng thu nhập cho nông dân. Song với hình thức đầu tư này lại chưa có quy định hướng dẫn cụ thể.

Vì vậy, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình lưới điện và các dự án năng lượng tái tạo trên địa bàn, đồng thời tạo điều kiện mời gọi, thu hút đầu tư trong thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau đề xuất UBND tỉnh kiến nghị Trung ương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam huy động mọi nguồn vốn hợp pháp triển khai thực hiện đầu tư công trình lưới điện truyền tải 220kV, 110kV trên địa bàn tỉnh để đưa dự án vào vận hành thương mại theo đúng tiến độ Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Cà Mau giai đoạn 2016 - 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt. Đối với dự án điện mặt trời kết hợp nuôi trồng thủy sản, đơn vị chức năng cần có hướng dẫn cụ thể về việc bổ sung quy hoạch đối với các dự án nối lưới có công suất lớn và các dự án quy mô nhỏ dưới 1MW và giá điện áp dụng cho từng loại dự án đầu tư. Ngoài ra, sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch điện VIII, ghi nhận nhu cầu phát triển các nguồn điện trên địa bàn tỉnh theo tổng công suất tiềm năng tại dự thảo, đặc biệt ưu tiên 26 dự án UBND tỉnh Cà Mau đã trình Bộ Công Thương và các dự án công trình hạ tầng lưới điện nằm trong giai đoạn 2021 - 2030.

Còn theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng, đơn vị tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai hiệu quả các giải pháp trong phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh như: nỗ lực hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai 20 dự án điện gió, đưa vào vận hành đảm bảo đúng tiến độ góp phần thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra. Đồng thời, hỗ trợ triển khai xây dựng hoàn thành các đường dây 110kV Trần Đề - Sóc Trăng, Vĩnh Châu - Bạc Liêu và trạm biến áp 220kV Vĩnh Châu để đưa vào vận hành theo kế hoạch nhằm bảo đảm giải tỏa được công suất cho các dự án điện gió.

Sở Công Thương Sóc Trăng cũng tiếp tục phối hợp với các ngành tham mưu UBND tỉnh tranh thủ các nguồn vốn từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam để đầu tư hệ thống lưới điện truyền tải đồng bộ với các dự án năng lượng tái tạo theo Quy hoạch điện VIII được duyệt. Bên cạnh đó, tỉnh rà soát, đánh giá tiềm năng và thực trạng phát triển nguồn điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, trong đó, nghiên cứu đánh giá các vùng biển ngoài khơi có tiềm năng phát triển điện gió, làm cơ sở tham mưu đề xuất để tích hợp vào quy hoạch điện VIII; nghiên cứu các mô hình kết hợp trong phát triển năng lượng tái tạo như mô hình điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp, điện mặt trời kết hợp với nuôi trồng thủy sản...

Thanh Trà - Minh Hưng (TTXVN)