01:11 20/01/2017

Thu hút các dự án FDI hướng đến công nghệ cao

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sẽ có xu hướng tăng lên và đi vào chất lượng trong thời gian tới. Đặc biệt là sẽ thu hút những dự án có công nghệ cao và có tính lan tỏa.

“Những đóng góp của khu vực FDI là rất lớn, là sự lan tỏa, là động lực cho doanh nghiệp trong nước phát triển, khơi dậy các nguồn lực đầu tư. Mặc dù thời gian qua, công nghệ chuyển giao chưa đạt được như kỳ vọng nhưng đã có những dự án chuyển giao công nghệ bằng cách gián tiếp. Do vậy, chúng ta cần sàng lọc kỹ từng dự án khi đầu tư tại Việt Nam”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Để tăng cường thu hút các dự án FDI trong năm 2017, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài Việt Nam, cho rằng cần phải có đột phá chính sách cho những ngành công nghệ cao, công nghệ nguồn. Bên cạnh đó, trong hoạt động xúc tiến đầu tư nên hướng tới các quốc gia, vùng lãnh thổ có công nghệ tốt, có lý lịch tốt trong phát triển công nghệ hơn là xúc tiến đầu tư lan tràn.

Bên cạnh đó, để thu hút nhiều hơn vốn FDI vào lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam đang khơi dậy phong trào nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả, sản lượng. Điều này không những có tác động về kinh tế mà còn đem lại những tác động xã hội lớn, giúp cho tiêu dùng được sử dụng sản phẩm nông nghiệp an toàn, môi trường được đảm bảo, xuất khẩu tốt hơn và đem lại uy tín tốt hơn cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam.

“Điều cần quan tâm là chọn được dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam như ưu tiên phát triển công nghệ cao, dịch vụ hiện đại, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, đầu tư vào khoa học công nghệ...”, Cục trưởng Đỗ Nhất Hoàng nhấn mạnh.

Khu công nghiệp Long Hậu (huyện Cần Giuộc) là một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư của tỉnh Long An với tỷ lệ lấp đầy đạt trên 85%, chủ yếu là các dự án FDI. Ảnh: Bùi Như Trường Giang/TTXVN

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, kết quả thu hút FDI trong năm 2016 cho thấy nguồn vốn FDI đa phần vẫn tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 63,7% tổng vốn đầu tư đăng ký trong cả năm. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy đứng thứ 2, chiếm 7,79% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 3, chiếm 6,9% tổng vốn đầu tư…. Như vậy, nhìn vào cơ cấu lĩnh vực đầu tư cho thấy một số mục tiêu trong thu hút FDI chưa được như mong muốn.

Bên cạnh đó, FDI vào nông nghiệp không đạt mục tiêu đề ra là do không xây dựng được quy hoạch nguồn vốn FDI cũng như các dự án cụ thể cần ưu tiên vận động trong lĩnh vực nông nghiệp. Việc tùy tiện thay đổi quy hoạch, chính sách ở nhiều địa phương làm cho nhà đầu tư không mặn mà với lĩnh vực nông nghiệp.

Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho rằng hiện nay FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá trị gia tăng tạo ra tại Việt Nam thấp, công nghiệp hỗ trợ chưa đáp ứng yêu cầu. Đầu tư vào bất động sản còn cao trong khi đầu tư trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp còn thấp (hiện nay chỉ chiếm 1,6% vốn FDI đăng ký), chưa kể số dự án trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng quá ít. Đặc biệt, thu hút FDI chưa đạt được mục tiêu thu hút công nghệ (công nghệ cao, công nghệ nguồn) và chuyển giao công nghệ.

Mặc dù thu hút FDI sẽ còn gặp nhiều khó khăn và thách thức nhưng GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho rằng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ còn tiếp tục được cải thiện.

Ông Mại dẫn chứng, số vốn đầu tư nước ngoài giải ngân trong năm 2016 đạt 15,8 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2015. Đây là mức giải ngân vốn FDI cao nhất từ trước đến nay. Hơn nữa, nếu so về số dự án đầu tư, thì số lượng dự án đầu tư mới và tăng vốn trong năm 2016 cao hơn năm 2015 rất nhiều. Cụ thể, số dự án mới tăng 27% và số dự án tăng vốn tăng tới 50,5% so với năm 2015.
Thúy Hiền (TTXVN)