09:19 30/09/2021

Thu hẹp khoảng cách trong thúc đẩy quyền của người lao động

Ngày 30/9, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Viện LIGHT, Samsung Việt Nam đã tổ chức hội thảo (trực tuyến) của Diễn đàn đa phương MSF 2021 với chủ đề “Thu hẹp khoảng cách trong thúc đẩy quyền năng người lao động: Quan điểm, thực hành và tiềm năng hợp tác của các chủ thể”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội thảo.

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tác động lớn đến mọi mặt đời sống, kinh tế, xã hội; trong đó có quan hệ về lao động, kỹ năng nghề. Do đó, hội thảo sẽ là tiếng nói để người sử dụng lao động và lao động hiểu nhau hơn.

Theo ông Park Sung Geun, Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam: “Việc Samsung có mặt ở Việt Nam và gây dựng ở đây một cứ điểm sản xuất lớn nhất thế giới đã thể hiện tầm nhìn và niềm tin vào tiềm năng của lực lượng lao động Việt Nam. Chúng tôi mong muốn bằng những kinh nghiệm và thiện chí học hỏi, sẽ cùng các bên tìm kiếm và thúc đẩy các cơ hội hợp tác đóng góp cho chiến lược phát triển nguồn nhân lực đáp ứng Công nghiệp 4.0 của nền kinh tế số Việt Nam, mà trung tâm chính là công tác Phát triển nhân tài cho Công nghiệp 4.0 gắn với liên tục đổi mới chính mình và học hỏi. Cùng với Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức xã hội sẽ là hai chủ thể đóng vai trò quan trọng trong công cuộc này, với các thế mạnh đặc thù và các tiềm năng hợp tác mà các bên đều đang cùng tìm hiểu và khám phá”.

Chú thích ảnh
Ông Park Sung Geun, Phó Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, phát biểu tại hội thảo.

Trao đổi về chủ đề “Thu hẹp khoảng cách trong thúc đẩy quyền của người lao động: Quan điểm, thực hành và tiềm năng hợp tác giữa các chủ thể”, bà Trần Thị Thanh Hà, Trưởng Ban Quan hệ Lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng để nâng cao năng lực của người lao động luôn cần có sự đồng hành giữa người sử dụng lao động, nguồn lực nhà nước, các tổ chức…

Tại hội thảo, các diễn giả đều cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra những cơ hội mới đồng thời cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với các quốc gia phát triển và các nước đang mới bước vào như Việt Nam. Các đơn vị tham dự đã trao đổi kinh nghiệm về thu hẹp khoảng cách trong thúc đẩy quyền năng người lao động; tiềm năng hợp tác giữa các chủ thể; đặc biệt là đào tạo, nâng cao năng lực cho người lao động, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Một trong những nội dung thu hút được sự chú ý, thảo luận tại Hội thảo là vai trò và sự hiện diện của các Tổ chức xã hội. Bà Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện LIGHT, Trưởng Ban Điều hành mạng lưới Mnet cho rằng: Vai trò và sự hiện diện của các tổ chức xã hội trong quá trình phát triển là yếu tố không thể thiếu, góp phần đảm bảo tính dân chủ, sự phù hợp và hiệu quả, minh bạch của các chính sách và pháp luật, đồng thời đảm bảo sự công bằng – bình đẳng và đa dạng trong cách tiếp cận và quá trình thực thi chiến lược phát triển nguồn nhân lực trong thời kỳ mới tại Việt Nam. Chính sự tham gia của các tổ chức xã hội, các tổ chức dựa vào cộng đồng – là thể hiện vai trò và tiếng nói của người dân, của người lao động, đặc biệt với các nhóm lao động yếu thế. Viện LIGHT cũng đang tham gia vào phản biển chính sách và góp phần đưa những chính sách hỗ trợ người lao động có hoàn cảnh khó khăn trong đợt dịch COVID-19.

Bà Trần Thị Thanh Hà khẳng định, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, người lao động có vai trò là hạt nhân quyết định “đoàn tàu” chạy nhanh hay chậm. Việc nắm bắt tâm tư của người lao động là mấu chốt của vận tốc đoàn tàu. Do đó, vai trò đại diện người lao động rất lớn. Công đoàn các khu công nghiệp cũng kết nối với các Công đoàn cơ sở bằng công nghệ. Công đoàn đang tiến hành số hoá dữ liệu của khoảng 12 triệu đoàn viên Công đoàn, qua đó nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên. Công đoàn luôn lắng nghe, đối thoại với người sử dụng lao động, tổ chức các phong trào thi đua nhằm tạo điều kiện tốt nhất để người lao động nâng cao tay nghề, năng lực, đáp ứng được đòi hỏi của công nghệ mới.

XM/Báo Tin tức