04:18 19/04/2021

Thông tư 03 giảm áp lực cho cả ngân hàng và doanh nghiệp

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã ban hành Thông tư số 03/2021/TT-NHNN (Thông tư 03) sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN (Thông tư 01) quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Thông tư 03 sẽ có hiệu lực từ ngày 17/5/2021.

Theo đó, có 2 nội dung thay đổi chính có tác động lớn tới ngành ngân hàng trong giai đoạn sắp tới bao gồm: mở rộng phạm vi các khoản dư nợ được phép giữ nguyên nhóm nợ, lên lộ trình trích lập dự phòng rủi ro 3 năm cho các khoản nợ tái cơ cấu.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại BAOVIET Bank, số 8 Lê Thái Tổ, Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcombank (VCBS), với việc cho phép cơ cấu các khoản nợ phát sinh trong giai đoạn từ 23/1/2020 đến 10/6/2020, các ngân hàng có thể xem xét mở rộng lượng dư nợ tái cơ cấu với thời hạn giãn nợ tối đa 12 tháng. Bên cạnh đó, việc kéo giãn thời hạn trích lập cho lượng dư nợ tái cơ cấu đến hạn đồng loạt trong năm 2021 sẽ giúp các ngân hàng tránh được tình trạng chi phí trích lập dự phòng tăng đột biến trong một khoản thời gian ngắn.

Nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT cũng nhận định, việc ban hành Thông tư 03 sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc phục hồi kinh doanh cũng như giảm áp lực trích lập của các ngân hàng thương mại. Việc bổ sung thêm các điều kiện để cho phép tái cơ cấu các khoản nợ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn sản xuất, khi các khoản vay được xếp vào diện được cơ cấu sẽ được gia hạn về thời gian trả nợ, làm giảm bớt áp lực chi phí tài chính lên doanh nghiệp trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch COVID-19.

Theo bà Nguyễn Thị Phương Thanh, chuyên viên phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, với Thông tư 03, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến hết năm 2021. Trước đó, Thông tư 01 chỉ cho phép tái cơ cấu với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ từ 23/01/2020 đến sau 3 tháng từ ngày Thủ tướng công bố hết dịch. Việc đó gây khó khăn cho tổ chức tín dụng khi xác định các khoản nợ đủ điều kiện để tái cơ cấu, cũng như theo dõi và hạch toán trong kế toán khi ngày lấy mốc có thể không trùng với kỳ hoạch toán kế toán của ngân hàng.

Đối với phía ngân hàng thương mại, các chuyên gia cho rằng việc sửa đổi này sẽ có nhiều tác động tích cực trong ngắn và dài hạn.

Các chuyên gia đến từ VNDIRECT phân tích, danh mục nợ tái cơ cấu của các ngân hàng có thể tăng nhẹ trong năm 2021 do điều kiện để cho phép các khoản nợ tái cơ cấu được mở rộng. Tuy nhiên mức độ ảnh hưởng đến lợi suất tài sản của các ngân hàng là không đáng kể.

Các chuyên VNDIRECT dẫn chứng, từ cuối năm 2020, nhiều ngân hàng thương mại đã dừng mở rộng danh mục nợ được tái cơ cấu do những lo ngại về quy định thời gian của Thông tư 01 trước đó (chỉ cho tái cơ cấu lại các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng từ 23/01/2020 đến ngày liền kề sau 3 tháng khi Thủ tướng công bố hết dịch). Cụ thể, theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước đến giữa tháng 11/2020 các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoản trên 341.800 tỷ đồng dư nợ, không tăng nhiều so với con số 321.000 tỷ đồng đã thống kê vào giữa tháng 9.

Nhóm phân tích VNDIRECT cũng cho rằng việc bổ sung quy định phân bổ trích lập dự phòng nợ xấu dần trong 3 năm sẽ giảm bớt chi phí dự phòng cho ngân hàng, đặc biệt trong năm 2021. Thông tư 01 hiện mới quy định các tổ chức tín dụng sẽ phải thực hiện phân loại và trích lập dự phòng theo thời hạn đã được cơ cấu, có nghĩa các tổ chức tín dụng sẽ phải thực hiện trích lập như thông thường khi các khoản nợ tái cơ cấu hết thời hạn. Điều này tạo nên áp lực chi phí dự phòng cực lớn cho các ngân hàng thương mại có số dư nợ tái cơ cấu lớn (BID, VPB) vào thời điểm các khoản nợ hết đc gia hạn trả nợ lãi (cụ thể là trong năm 2021 theo lộ trình).

Tuy nhiên, với việc giãn bớt lộ trình trích lập dự phòng, chi phí dự phòng của các ngân hàng sẽ không tăng quá mạnh trong năm 2021, từ đó giúp các ngân hàng thương mại có dư địa cho thu nhập giữ lại để hỗ trợ tăng cường an toàn vốn, và thúc đẩy cho vay phục vụ kinh doanh sản xuất.

Còn theo các chuyên gia VCBS, mức độ tác động tới các ngân hàng có sự phân hóa cao. Nhóm ngân hàng có nhiều dư nợ tái cơ cấu như Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (mã BID), Ngân hàng Thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (mã VPB) có thể sẽ trải qua một giai đoạn trích lập dự phòng cho lượng dư nợ tái cơ cấu mà khách hàng không thể hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh tương tự như giai đoạn trích lập dự phòng trái phiếu của Công ty Quản lý tài sản (VAMC) trong quá khứ.

Cụ thể với trường hợp của BID, ban lãnh đạo chia sẻ tại đại hội cổ đông rằng chi phí trích lập cho cả năm 2021 dự kiến ở mức 24.000 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020 khi ngân hàng cộng thêm khoản chi phí trích lập tăng thêm theo Thông tư 03.

Nhóm ngân hàng có chất lượng tài sản tốt và đã thực hiện trích lập dự phòng cho rủi ro có thể phát sinh từ các khoản nợ tái cơ cấu ngay trong năm 2020 như Vietcombank, ACB, Techcombank… sẽ không chịu áp lực gia tăng thêm chi phí trích lập trong năm 2021 khi các ngân hàng này đã trích lập nhiều hơn mức được yêu cầu.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam nhận định, Thông tư 03 được ban hành dù hơi chậm so với mong mỏi của các tổ chức tín dụng song đáp ứng được kỳ vọng, giải quyết được các khó khăn, vướng mắc cũng như tháo gỡ sự lúng túng cho các tổ chức tín dụng trong các hoạt động cơ cấu nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, miễn giảm lãi phù hợp.

Đỗ Huyền (TTXVN)