01:06 08/01/2015

Thông tin và truyền thông vì sự phát triển của Thủ đô

Thông tin và truyền thông(TTTT) với đặc thù là lĩnh vực đa ngành nghề, vừa kỹ thuật, kinh tế, vừa văn hóa, xã hội, có tốc độ phát triển nhanh, xuất hiện nhiều vấn đề mới, nhạy cảm. Trong tiến trình CNH - HĐH Thủ đô, TTTT có vai trò quan trọng là nền tảng hiện đại hóa nền hành chính...

Thông tin và truyền thông(TTTT) với đặc thù là lĩnh vực đa ngành nghề, vừa kỹ thuật, kinh tế, vừa văn hóa, xã hội, có tốc độ phát triển nhanh, xuất hiện nhiều vấn đề mới, nhạy cảm. Trong tiến trình CNH - HĐH Thủ đô, TTTT có vai trò quan trọng là nền tảng hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử thành phố; tăng cường thông tin, minh bạch hóa thông tin; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng.

Hiện đại hóa hạ tầng

Phục vụ sự nghiệp CNH - HĐH Thủ đô, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tiến trình thực hiện CNH - HĐH của các địa phương, đơn vị, TTTTđã từng bước hiện đại hóa hạ tầng thông tin. Với hệ thống cáp quang, trạm BTS đã phủ sóng toàn thành phố, mạng Internet với đường truyền ổn định là cơ sở quan trọng phục vụ công tác quản lý điều hành của chính quyền các cấp, phục vụ nhu cầu thông tin của đông đảo nhân dân.

Lễ hội sách 2014 lần đầu tiên được Sở TTTT tổ chức.Ảnh: CTV


Hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động cơ quan nhà nước đang từng bước hoàn thiện, hiện mạng WAN (mạng diện rộng) của thành phố đã kết nối tới 100% sở, ngành, quận, huyện, thị xã; đang triển khai mạng WAN cấp 2 đến phường, xã, thị trấn. Hầu hết các đơn vị đã cài đặt hơn 80 phần mềm chuyên ngành đang được ứng dụng; sử dụng hòm thư điện tử trong giải quyết công việc, triển khai ứng dụng chữ ký số dùng riêng của thành phố trong giao dịch hành chính của các cơ quan nhà nước; 100% sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã đủ điều kiện thực hiện họp giao ban trực tuyến với UBND thành phố. Tỷ lệ các cuộc họp giao ban giữa UBND thành phố với các đơn vị và giữa các sở, ban, ngành với các UBND quận, huyện, thị xã được thực hiện trực tuyến qua mạng (chỉ tính các cuộc họp giao ban diện rộng) năm 2014 đạt 50%.

Sở TTTT đã xây dựng và trình UBND thành phố ban hành kế hoạch “Đưa thông tin về các xã miền núi, xã khó khăn trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2012 - 2015”. Trong năm 2013, 2014 đã tham mưu UBND thành phố thành lập Ban chỉ đạo, phối hợp với các sở, huyện triển khai các dự án hạ tầng, dự án thiết bị, phối hợp xây dựng mô hình đài xã để triển khai tại 6 huyện và 16 xã miền núi, xã khó khăn đặc biệt trên địa bàn thành phố.

Phần mềm một cửa điện tử, các trang/cổng thông tin điện tử và dịch vụ công trực tuyến đã được chú trọng triển khai và đạt được kết quả tốt, góp phần tích cực trong công tác cải cách hành chính. Thành phố hiện có 9 nhóm dịch vụ công cơ bản, bao gồm: Đăng ký kinh doanh; Cấp giấy phép thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện; Cấp giấy phép xây dựng; Cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; Cấp giấy phép đầu tư; Lao động, việc làm; Giải quyết khiếu nại, tố cáo; Đăng ký tạm trú, tạm vắng; Cấp đổi giấy phép lái xe và 68 dịch vụ công đặc thù (tổng cộng có 113 dịch vụ công, trong đó có 110 dịch vụ công mức 3 và 3 dịch vụ công mức 4 bao gồm các dịch vụ Hải quan, Thuế và Đăng ký kinh doanh được triển khai từ cấp Trung ương xuống). Số lượng hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính qua mạng ngày một nhiều hơn, trong đó có những thủ tục lượng hồ sơ nộp qua mạng chiếm tới 70%.

Trung tâm Dữ liệu Nhà nước của thành phố, nền tảng cơ bản của nền hành chính điện tử đã được đưa vào khai thác sử dụng hiệu quả từ năm 2012 đến nay: đã di trú 120 hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn của 47 đơn vị về trung tâm; tích hợp các cơ sở dữ liệu dùng chung như: Quản lý văn bản và Hồ sơ công việc, hệ thống 1 cửa điện tử cấp huyện và cấp xã, trang/cổng thông tin điện tử của các đơn vị. Đồng thời triển khai hệ thống an toàn thông tin trong cơ quan nhà nước.

Theo kết quả đánh giá, xếp hạng được công bố năm 2014, Hà Nội xếp thứ 3 về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin - truyền thông (CNTT-TT) Việt Nam (tăng 1 bậc so với năm 2013), xếp thứ 2 về mức độ ứng dụng CNTT.

Những đầu tư phát triển hạ tầng là nền tảng quan trọng xây dựng chính quyền điện tử thành phố. Hiện thành phố đang xây dựng mô hình điểm cơ quan điện tử và đã có một số quận, huyện hoàn thành xây dựng Đề án xây dựng cơ quan điện tử gồm UBND quận Long Biên, Cầu Giấy, Thanh Xuân, huyện Chương Mỹ, Thạch Thất. Theo kế hoạch đề ra, sẽ có 10 sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã và 18 xã, phường, thị trấn đạt cơ quan điện tử. Hiện đang xây dựng qui chế đánh giá cơ quan điện tử để thực hiện đánh giá trong năm 2014 - 2015.

Đặc biệt, dự án Phát triển CNTT&TT Việt Nam -Tiểu dự án Hà Nội, đã hoàn thành các hạng mục chính: Trung tâm dữ liệu Nhà nước thành phố đi vào sử dụng và bắt đầu phát huy hiệu quả; khung lộ trình kiến trúc Chính phủ điện tử của thành phố đã hoàn thành, tạo nền tảng và định hướng lớn cho xây dựng Chính phủ điện tử của thành phố; Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội được mở rộng, nâng cấp toàn diện, thực hiện tích hợp các dịch vụ công của các đơn vị thuộc thành phố.

Thành phố đẩy mạnh phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, làm nền tảng phát triển bền vững thông tin và truyền thông. Tập trung triển khai phát triển Khu công nghệ thông tin tập trung Cầu Giấy và sắp tới là Khu Công nghiệp phần mềm và nội dung số trọng điểm, Khu công viên phần mềm Hanel là cơ sở xây dựng hành lang công nghệ thông tin và truyền thông đa phương tiện hiện đại của thành phố. Đồng thời tạo môi trường làm việc chuyên môn hóa, tập trung, phát triển phầm nềm, phần cứng và các sản phẩm nội dung số. Phấn đấu đến năm 2015, tổng doanh thu từ hoạt động công nghiệp CNTT đạt 5 tỷ USD.

Quy hoạch và xây dựng ít nhất 5 khu công nghiệp phần mềm và nội dung số (đảm bảo điều kiện làm việc chuyên môn hóa, tập trung cho khoảng 40.000 lao động làm phần mềm và sản phẩm nội dung số), 2 khu công nghiệp phần cứng ở những khu vực giao thông thuận lợi, có quy mô đủ lớn, cơ sở hạ tầng thuận lợi, hiện đại. Hình thành được một số khu phố, tòa nhà công nghệ thông tin, làm cơ sở để hình thành các khu hành lang CNTT và truyền thông đa phương tiện hiện đại của thành phố. Các cơ sở đào tạo CNTT trên địa bàn (bao gồm cả các cơ sở đào tạo trong các khu CNTT tập trung) đào tạo 60.000 nhân lực CNTT phục vụ cho phát triển công nghiệp CNTT.

Đẩy mạnh phát triển

Với mục tiêu đến năm 2020 phát triển thông tin và truyền thông, đặc biệt là CNTT trở thành một ngành quan trọng đóng góp tích cực vào tăng trưởng GDP, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo tiền đề cho phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin, ngành Thông tin và truyền thông Thủ đô đang đẩy mạnh hoạt động trên tất cả các lĩnh vực: Xây dựng hạ tầng Bưu chính - Viễn thông và CNTT đạt các chỉ tiêu về mức độ sử dụng dịch vụ tương đương với mức bình quân của các nước trong khu vực, đa dạng các loại hình dịch vụ, bắt kịp xu thế hội tụ công nghệ và dịch vụ Viễn thông - CNTT - Truyền thông, hình thành hệ thống mạng tích hợp theo công nghệ thế hệ mới, băng thông rộng, dung lượng lớn, mọi nơi, mọi lúc với mọi thiết bị truy cập, đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT và Truyền thông, rút ngắn khoảng cách số, bảo đảm tốt an ninh, quốc phòng.

Từ năm 2014 đến nay, Sở đã phối hợp lực lượng chức năng xử lý thanh thải, sắp xếp hệ thống đường dây đi nổi gần 70 tuyến phố nội thành Hà Nội; tiếp nhận quản lý, duy trì gần 40 hệ thống công trình ngầm hạ tầng kỹ thuật đô thị dùng chung trên địa bàn Thành phố; góp phần hiệu quả trong việc chỉnh trang môi trường đô thị thực hiện “Năm trật tự văn minh đô thị - 2014”. Đồng thời, đang tích cực triển khai vận hành hệ thống thông tin khắc phục sự cố công trình hạ tầng kỹ thuật dùng chung trên địa bàn Hà Nội.

Sở ứng dụng CNTT và Truyền thông và Internet sâu rộng trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và quản lý; Khai thác có hiệu quả thông tin và tri thức trong tất cả các ngành; Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử với công dân điện tử, doanh nghiệp điện tử, giao dịch và thương mại điện tử.
Công nghiệp CNTT trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và khâu quan trọng trong dây chuyền gia công, sản xuất và cung cấp toàn cầu, đảm bảo tăng trưởng tốc độ cao, công nghệ hiện đại, sản xuất nhiều sản phẩm ngày càng có hàm lượng sáng tạo cao. Một số sản phẩm công nghiệp quan trọng trong lĩnh vực điện tử, phần cứng, phần mềm đạt trình độ nhóm nước phát triển trên thế giới. Phát triển mạnh công nghiệp phần mềm, công nghiệp nội dung, coi trọng sở hữu trí tuệ và bản quyền tác giả.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực CNTT và Truyền thông, đáp ứng các yêu cầu quản lý, sản xuất, dịch vụ và ứng dụng trong nước và xuất khẩu quốc tế. Phổ cập tin học, nâng cao trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT và Truyền thông cho người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Phát triển báo chí, xuất bản - truyền thông, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân; làm tốt công tác thông tin đối ngoại, quảng bá hình ảnh Thủ đô trong khu vực và quốc tế.

Với những kết quả đã đạt được trong hơn 10 năm qua và tiềm năng, thế mạnh của ngành, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội tiếp tục hiện đại hóa hạ tầng thông tin và truyền thông cũng như nâng cao chất lượng các phần mềm ứng dụng, đóng góp vào công cuộc CNH - HĐH Thủ đô và đất nước

Tiến sĩ Phan Lan Tú, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông