04:17 26/04/2012

Thông tin '80% người tiêu dùng Hà Nội phải dùng thịt bẩn' là không chính xác

Thông tin “80% người tiêu dùng ở Hà Nội phải dùng thịt bẩn” như một số tờ báo đưa tin là không chính xác- ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội khẳng định.

Chiều 26/4, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết: Thông tin “80% người tiêu dùng ở Hà Nội phải dùng thịt bẩn” như một số tờ báo đưa tin là không chính xác. Theo ông Đăng, thực phẩm thịt gia súc, gia cầm đang tiêu thụ ở Hà Nội hầu hết được chăn nuôi từ các trang trại, gia trại và công ty nên nếu nói “hầu hết là thịt bẩn” là không chính xác.

Thực tế, tại cuộc làm việc với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT về tình hình phát triển chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn thành phố diễn ra chiều 24/4, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, khó khăn lớn nhất trong việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội hiện nay là ở ý thức của người tiêu dùng. Có đến 80% số người tiêu dùng chấp nhận sử dụng sản phẩm chưa qua kiểm soát thú y, sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính ý thức “dễ dãi” này của người tiêu dùng là nguồn “tiếp sức” cho người sản xuất- kinh doanh không chấp hành quy định của pháp luật.


 

Thông tin '80% người tiêu dùng Hà Nội phải dùng thịt bẩn' là không chính xác. Nguồn: vtc.vn.

 



Tuy nhiên, Sở NNPTNT Hà Nội cũng thừa nhận, hiện nay, ngoài 6 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, dây chuyền hiện đại, thành phố còn có 13 cơ sở tập trung giết mổ gia súc, gia cầm bán thủ công. Song, các cơ sở bán thủ công này về cơ bản chưa đảm bảo các điều kiện vệ sinh thú y, chưa thực hiện đúng quy trình giết mổ theo quy định.Việc xử lý chất thải, xử lý môi trường tại các điểm giết mổ này cũng còn hạn chế như khu xử lý chất thải rắn, chất thải lỏng vẫn đang ở giai đoạn hoàn thiện. Chưa kể, phương tiện vận chuyển sản phẩm gia súc chủ yếu vẫn là xe máy, không được bao gói, che đậy cẩn thận nên chưa đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường.

Chưa kể thành phố còn tồn tại trên 440 điểm và hơn 3.700 hộ thực hiện giết mổ gia súc, gia cầm nằm rải rác trong khu dân cư ở các huyện ngoại thành. Các điểm, hộ giết mổ nhỏ lẻ này hoạt động không đảm bảo vệ sinh song hiện việc kiểm soát, kiểm tra của cán bộ thú y không được thường xuyên và gặp rất nhiều khó khăn.

Trong thời gian tới, các lực lượng chức năng của Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trong sản xuất, giết mổ, sơ chế và chế biến, bảo quản, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và kiêm quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Thành phố cũng hoàn thiện đề án quy hoạch giết mổ, đẩy nhanh tiến độ 8 dự án đầu tư giết mổ công nghiệp; nghiên cứu, rà soát và kiện toàn tổ chức quản lý hệ thống giết mổ đảm bảo đúng quy định của Bộ NN&PTNT.

Thanh Trà