10:23 23/10/2020

Thông thoáng hơn trong cho vay vốn trả lương người lao động

Chiều 23/10, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến tới 63 điểm cầu tỉnh, thành trong cả nước nhằm triển khai nghiệp vụ cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Nghị quyết 154/NQ-CP và Quyết định 32/2020/QĐ-TTg.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, Nghị quyết 154/NQ-CP và Quyết định 32/2020/QĐ-TTg đã bổ sung, sửa đổi 3 điểm chính so với chính sách liên quan trước đây. Các chính sách mới này đã bổ sung nhóm đối tượng cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên ở các cấp mầm non, mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; giảm điều kiện để doanh nghiệp và người lao động có thể tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội; giảm điều kiện để người sử dụng lao động vay tiền trả lương ngừng việc cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

"Với các điểm mới trong Nghị quyết 154/NQ-CP, điều kiện và thủ tục để người sử dụng lao động vay vốn trả lương cho người lao động đã thông thoáng và đơn giản hơn nhiều" - Thứ trưởng Lê Văn Thanh nêu rõ.

Đánh giá cao ý nghĩa của việc cởi mở chính sách đối với doanh nghiệp, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đã làm rõ hơn những trăn trở phía ngân hàng khi triển khai cho vay theo quy định mới. "Ngân hàng có thể lo lắng về rủi ro có thể phát sinh nhưng chúng ta cần bám sát vào tinh thần của Nghị quyết để triển khai. Đó là việc cho vay chỉ để trả lương cho người lao động chứ không phục vụ mục đích khác", Thứ trưởng cho biết.

Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, cán bộ ngân hàng phải bám sát yêu cầu của doanh nghiệp thật kỹ. Bên cạnh đó, cơ chế giám sát việc cho vay cần công khai thông tin. Người lao động cần được biết doanh nghiệp đã vay để trả lương cho mình và có thể giám sát việc này. Muốn thực hiện được điều này, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cần quán triệt, chỉ đạo đến các chi nhánh các địa phương đến các địa phương, tăng cường tuyên truyền để cho doanh nghiệp hiểu ý nghĩa của thủ tục cho vay đơn giản, thuận tiện. 

Tại Hội nghị, ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam mong muốn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động rà soát, giới thiệu người vay vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam chỉ đạo triển khai việc cấp vốn. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục thực hiện vai trò giám sát, phản biện xã hội để đảm bảo đúng đối tượng, tránh tình trạng trục lợi chính sách.

Các tổ chức chính trị, xã hội nhiều năm qua là những đơn vị tích cực đồng hành cùng Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam trong việc triển khai các chương trình tín dụng chính sách, đặc biệt chương trình cho vay vượt lũ, góp phần quan trọng trong việc giúp đỡ các hộ nghèo, đối tượng chính sách có thêm nguồn lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo cần tiếp tục phát huy vai trò hiệu quả của mình trong việc triển khai chính sách mới của Chính phủ.

Ông Dương Quyết Thắng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, sớm sửa đổi Thông tư, cấp vốn để Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam có vốn cho vay hỗ trợ kịp thời vì thời gian không còn nhiều, giải ngân hết tháng 1 theo đúng tiến độ đề ra.

Đồng thời, các Ngân hàng Chính sách xã hội tại các địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm; các sở, ngành, tổ chức liên quan cần chức năng phát huy vai trò giám sát, kiểm tra của các sở, ngành, tổ chức chính trị, xã hội cũng như tính tự chịu trách nhiệm, tự kê khai của doanh nghiệp, tránh tình trạng trục lợi chính sách. Quá trình triển khai có vướng mắc tiếp tục tháo gỡ để chính sách đi vào cuộc sống sớm phát huy hiệu quả...

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được triển khai nghiệp vụ cho người sử dụng lao động vay để trả lương ngừng việc đối với người lao động theo Nghị quyết 154/NQ-CP và Quyết định 32/2020/QĐ-TTg.

Hạnh Quỳnh (TTXVN)