11:10 17/11/2017

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Đủ sức kiểm soát rủi ro hệ thống ngân hàng

Cho vay bất động sản, chứng khoán, kiểm soát nợ xấu, xử lý ngân hàng yếu kém... là những vấn đề làm nóng hội trường Quốc hội trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sáng 17/11.

Cho vay bất động sản, chứng khoán vẫn an toàn

Trước lo lắng của các đại biểu Quốc hội về cho vay trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định "đủ sức kiểm soát rủi ro".

Theo đó, đối với lĩnh vực chứng khoán, tỷ trọng cho vay thấp, giảm mạnh so với 2016. Cụ thể, tỷ trọng cho vay hiện nay khoảng 10.000 tỷ đồng, giảm 40% so với cuối 2016. Các ngân hàng phải có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% mới được cho vay; ngân hàng chỉ được cho vay đầu tư chứng khoán giới hạn 5% vốn điều lệ...

"Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước rõ ràng, chặt chẽ. Với các quy định này, chúng tôi tin tưởng đủ chặt để kiểm soát rủi ro", ông Hưng khẳng định.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Sỹ Cương chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) về tín dụng vào bất động sản, Thống đốc cho hay: Dư nợ bất động sản đạt trên 400.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 6,5% tổng dư nợ tín dụng nền kinh tế, trong ngưỡng an toàn. Tốc độ tăng tín dụng vào bất động sản giảm, thấp hơn tốc độ tăng của toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước liên tục chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ tín dụng đổ vào bất động sản, hạn chế dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

"Với lĩnh vực cho vay rủi ro như bất động sản, Ngân hàng Nhà nước đã có giải pháp kiểm soát tín dụng vào bất động sản như nâng hệ số rủi ro, điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và chỉ cho vay phân khúc nhà ở xã hội, trung bình, nhà thu nhập thấp...", Thống đốc khẳng định.

Cũng theo Thống đốc Lê Minh Hưng, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 18% trong năm nay không phải là chỉ tiêu bắt buộc mà phụ thuộc vào "sức khoẻ" ngân hàng. Thống đốc khẳng định, trong bất cứ trường hợp nào, nguyên tắc xử lý ngân hàng yếu kém cũng là "an toàn hệ thống, đảm bảo lợi ích người gửi tiền, không gây đổ vỡ ngân hàng".

Để đảm bảo an toàn, không xảy ra đổ vỡ, rủi ro hệ thống, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai quyết liệt cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu.

Không dùng ngân sách xử lý ngân hàng yếu kém

Trả lời câu hỏi của đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh), Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành thực hiện kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan tại các ngân hàng sai phạm.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Về việc sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng trong đó có quy định miễn trừ trách nhiệm, ông Hưng khẳng định: "Chúng tôi không đề nghị miễn trừ trách nhiệm với cá nhân có vi phạm, chỉ yêu cầu tạo điều kiện cho các cán bộ có năng lực được cử sang cơ cấu lại ngân hàng yếu kém để họ yên tâm công tác. Đây cũng là thông lệ của các nước".

Giải đáp ý kiến đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) về xử lý ngân hàng yếu kém, ông Hưng cho biết, đã có nhiều biện pháp xử lý ngân hàng bắt buộc. Các biện pháp này không sử dụng trực tiếp ngân sách Nhà nước và đã được quy định cụ thể tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Ngân hàng Nhà nước đã và sẽ thực hiện nhiều giải pháp, một trong số đó là hoàn thiện khung khổ pháp lý.

Trong phiên chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng, đã có 39 đại biểu đặt câu hỏi, 5 đại biểu tranh luận. Nhiều câu hỏi không có thời gian trả lời. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Thống đốc trả lời bằng văn bản.

"Mặc dù là lần đầu tiên trả lời chất vấn nhưng Thống đốc đã trả lời thẳng thắn, nắm rõ vấn đề, được cử tri đánh giá cao qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là lĩnh vực khó nhưng ngành ngân hàng đã kiểm soát lạm phát ở mức thấp, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, xử lý nợ xấu đạt kết quả ban đầu theo mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, vẫn nổi lên những tồn tại, yếu kém, hạn chế như điều hành tiền tệ còn nhiều thách thức, xử lý ngân hàng yếu kém hiệu quả chưa rõ nét. Dù có nhiều cố gắng, việc đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng cần có nhiều giải pháp quyết liệt hơn...", Chủ tịch Quốc hội nhận xét về phần trả lời của Thống đốc và đề nghị ngành ngân hàng tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội.

Ngay sau phần trả lời chất vấn của Thống đốc Lê Minh Hưng, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông đăng đàn trả lời chất những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý.

Hoàng Dương/Báo Tin tức