01:09 25/01/2011

Thông điệp Liên bang của Tổng thống Obama

Theo Reuters, chính sách đối ngoại hiếm khi là chủ đề chính trong Thông điệp Liên bang, nhưng năm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama không thể né tránh vấn đề này trong bối cảnh quân đội Mỹ đang phải trải qua một cuộc chiến đầy khó khăn...

Theo Reuters, chính sách đối ngoại hiếm khi là chủ đề chính trong Thông điệp Liên bang, nhưng năm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama không thể né tránh vấn đề này trong bối cảnh quân đội Mỹ đang phải trải qua một cuộc chiến đầy khó khăn tại Ápganixtan và các nhà ngoại giao Mỹ đang cố gắng hạn chế các chương trình hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên.

Tổng thống Obama


Dưới đây là một số vấn đề đối ngoại lớn mà Tổng thống Obama có thể sẽ đề cập đến trong bài phát biểu trước Hạ viện Mỹ, được truyền hình trực tiếp vào 21 giờ ngày 25/1 (9 giờ VN ngày 26/1).

1. Ápganixtan: Cuộc chiến do Mỹ cầm đầu chống lại những kẻ nổi dậy thuộc al-Qaeda và Taliban ở Ápganixtan, đã bước sang năm thứ 10, chắc chắn sẽ là vấn đề đối ngoại thu hút nhiều sự quan tâm của người dân Mỹ nhất.

Ông Obama từng cam kết bắt đầu rút một phần trong tổng số 97.000 binh lính Mỹ đang đóng tại Ápganixtan vào tháng 7 tới. Cho dù hoạt động rút quân Mỹ được thực hiện một cách chiếu lệ hay thực sự, hầu như không ai nghi ngờ rằng một lực lượng (lính Mỹ) đáng kể sẽ ở lại Ápganixtan đến hết năm 2014 với vai trò hỗ trợ và có khi còn kéo dài thêm nhiều năm sau đó.

2. Iran: Cùng với các cường quốc khác, Mỹ đã mất nhiều năm tìm cách thuyết phục Iran từ bỏ cái mà họ nghi ngờ là nỗ lực chế tạo vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc của một chương trình năng lượng nguyên tử dân sự.

Nhóm được gọi là P5+1 (gồm 5 nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Trung Quốc, Pháp, Nga, Mỹ và Đức) đã gặp các quan chức của Iran tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 21-22/1, song các cuộc đàm phán đã kết thúc mà không đạt được tiến triển nào. Các quan chức Mỹ cho biết điều mà họ muốn đạt được ở Istanbul là một cam kết nào đó về tiến trình đàm phán với Iran để hai phía tiếp tục gặp gỡ, với hy vọng rốt cuộc sẽ có một thỏa thuận được ký kết. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã kết thúc mà không có bất kỳ tín hiệu nào cho thấy các bên sẽ nhóm họp trở lại, cho dù một phụ tá của trưởng đoàn đàm phán của Iran nói với Reuters rằng sẽ diễn ra một vòng thảo luận khác, mặc dù thời gian và địa điểm vẫn chưa được ấn định.

3.CHDCND Triều Tiên: Xem ra Mỹ đang thiên về việc nối lại các cuộc đàm phán "giải giáp đổi viện trợ" với Triều Tiên. Mỹ đã nêu rõ mong muốn hai miền Triều Tiên thiết lập lại quan hệ hữu nghị trước khi các cuộc đàm phán sáu bên về "giải giáp đổi viện trợ" được tái khởi động.

Nếu các cuộc đàm phán về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên giữa Triều Tiên, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Nga và Mỹ được nối lại sau hơn một năm gián đoạn, ông Obama hy vọng sẽ thuyết phục được Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân - một mục tiêu chắc chắn khó đạt được.

4.Trung Quốc: Chắc chắn ông Obama sẽ đề cập đến Trung Quốc trong Thông điệp Liên bang lần này, nhưng nhiều khả năng không tạo ra được sự mới mẻ nào một tuần sau khi có các cuộc hội đàm quan trọng với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm cấp nhà nước của nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Oasinhtơn. Trong chuyến thăm này, ông Obama đã hối thúc ông Hồ Cầm Đào nâng giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và phát đi một thông điệp mạnh mẽ về điều mà Oasinhtơn gọi là vấn đề nhân quyền của Trung Quốc.

5. Tiến trình hòa bình Trung Đông: Ngay từ khi bắt đầu nhậm chức tổng thống, ông Obama đã nói rõ rằng việc thúc đẩy hòa bình giữa Ixraen và Palextin sẽ là ưu tiên hàng đầu của Mỹ sau nhiều năm vấn đề này bị người tiền nhiệm - cựu Tổng thống George W. Bush - lơ là.

Tuy nhiên, sau nửa nhiệm kỳ, ông Obama hầu như không thể hiện được nỗ lực của mình. Tháng 9/2010, Tổng thống Mỹ đã khởi xướng cuộc hòa đàm trực tiếp giữa Ixraen và Palextin và nói rằng ông hy vọng phác thảo được một hiệp định hòa bình trong vòng một năm tới. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đã sụp đổ sau vài tuần khi quyết định tạm ngừng một phần việc xây dựng khu định cư của Ixraen hết hiệu lực và người Palextin rút khỏi các cuộc đàm phán. Mỹ đã không thể thuyết phục Thủ tướng Ixraen Benjamin Netanyahu gia hạn quyết định tạm ngừng xây dựng khu định cư trên vùng đất tranh chấp hoặc thuyết phục người Palextin nối lại đàm phán.
 
TTK