03:17 04/03/2014

Thông điệp của Nga: Mọi con đường tới Kiev đều phải qua Moskva

Việc chính quyền của Tổng thống Nga quyết định đưa quân đến nước Cộng hòa tự trị Crimea (Crưm) được xem là diễn tiến trọng nhất tại Ukraine kể từ thời điểm phe đối lập thực hiện cuộc “tiếm quyền” sau khi lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych.

Việc chính quyền của Tổng thống Nga quyết định đưa quân đến nước Cộng hòa tự trị Crimea (Crưm) được xem là diễn tiến quan trọng nhất tại Ukraine kể từ thời điểm phe đối lập thực hiện cuộc “tiếm quyền” sau khi lật đổ Tổng thống Viktor Yanukovych.

Một mũi tên, trúng nhiều đích

Việc phe đối lập lên nắm quyền (dĩ nhiên có sự hỗ trợ của Mỹ, châu Âu) rõ ràng là một diễn biến không thuận đối với Nga. Quyết định cho triển khai quân đến Crimea có thể xem là nước cờ cao của chính quyền của Tổng thống Putin, nó là “một mũi tên, trúng nhiều đích”.

Đối với Mỹ và EU, Nga đã gửi đi một thông điệp: Vai trò địa chính trị của Ukraine quan trọng như thế nào đối với Washington và Brusells thì nó cũng tương tự như vậy, nếu không muốn nói là hơn, đối với Moskva. Việc Mỹ có hành động không đẹp hậu thuẫn cho các phần tử cực hữu, phát xít mới đã thực sự chạm đến tự ái dân tộc của người Nga và của cá nhân Tổng thống Putin. Moskva sẽ không ngồi yên và hoàn toàn có đủ các “quân bài” cả về chính trị, kinh tế, quân sự, địa lý để có thể chơi “sát ván” với Mỹ và các đồng minh châu Âu trong vấn đề Ukraine. 

Cuộc chiến giữa Mỹ và Nga trong vấn đề Ukraine chưa thể có hồi kết. Ảnh: AP


Đối với chính quyền lâm thời Ukraine, những thủ lĩnh thân phương Tây nổi lên từ làn sóng biểu tình chống Tổng thống Yanukovych giờ đã ngộ ra một điều: Họ không thể “đùa” được với nước Nga. Kiev hoàn toàn có thể phải đối mặt với tình cảnh của Gruzia năm 2008, khi mà Nga thực hiện đòn đánh quân sự vào Nam Ossetia mà Mỹ và châu Âu chỉ biết đứng nhìn, hoàn toàn không có trợ giúp gì đối với chính quyền Mikheil Saakashvili. 

Quan trọng hơn, theo trang tin Counterpunch, Nga muốn đưa ra lời cảnh đối với các thế lực cực hữu, phát xít mới theo đuổi tư tưởng chống Nga, bài Nga trong chính quyền hiện nay. Sau chính biến, Thủ tướng tạm quyền Arseniy Yatsenyuk buộc phải chấp nhận nhượng bộ đảng Svoboda theo đường lối dân tộc chủ nghĩa có liên hệ với các phong trào cực hữu, với việc giao cho nhóm này nắm giữ, kiểm soát lực lượng an ninh quốc gia. Đáng chú ý là việc Andriy Parubiy, đồng sáng lập Svoboda được bổ nhiệm làm Thư kí Ủy ban Quốc phòng Quốc gia và An ninh, cùng với người cấp phó là Dmitry Yarosh thuộc Nhóm Cánh hữu (Right Sector). Những phân bổ nhân sự này cùng với các thỏa thuận phân chia quyền lực khác đã đặt người gốc Nga, gốc Do Thái trước nguy cơ bị bài xích, trấn áp, với cấp độ đầu tiên là “cấm ngôn ngữ Nga” ở Ukraine. Đưa quân đến Crimea, Nga có lý do để bảo vệ công dân, cộng đồng nói tiếng Nga, đồng thời khẳng định phe cực hữu chưa bao giờ là đối thủ xứng tầm của Moskva. 

Về mặt dài hạn, người ta cũng đã cảm nhận được điều mà nước Nga muốn nói: Xuất phát từ những rường mối lịch sử, kinh tế, địa chính trị giữa Nga và Ukraine, chính phủ lâm thời hiện nay hay một chính phủ mới được bầu tại Kiev sẽ không thể bỏ qua vai trò của nước Nga. Họ sẽ buộc phải tiến hành các cuộc đàm phán, tiếp xúc, tham vấn với Moskva trong bất kì một cơ cấu quyền lực mới nào. Điều còn lại là Nga sẽ chấp nhận “mức giá” nào.

Những “mức giá” mà Nga có thể chấp nhận

Mức giá “tốt nhất” mà Nga muốn có được là một chính quyền Ukraine thuận theo các liên minh, liên kết với không gian hậu Xô Viết mà Nga đóng vai trò là đầu tàu. Theo phân tích trên tờ Der Spiegel (Đức) Ukraine là miếng ghép trung tâm trong bản “thiết kế lớn” của Tổng thống Putin. Không có Ukraine, Moskva sẽ thiếu hẳn một cánh tay vươn dài tới vùng Trung Âu, kiểm soát biển Đen. Có Ukraine, Tổng thống Putin có thể làm sống lại ước mơ khôi phục vị thế cường quốc cho nước Nga. 

Đây là kịch bản hoàn hảo đối với Nga, nhưng sẽ không dễ gì đạt được, vì Mỹ - Liên minh châu Âu (EU) cũng quyết tìm cách tăng cường, can dự, tạo lập ảnh hưởng tại Ukraine, như những gì mới diễn ra. Khi đó, “mức giá phù hợp” sẽ là để Ukraine vừa liên kết với EU, vừa liên kết với Nga, trong các không gian kinh tế, chính trị chấp nhận được với tất cả các bên. Nói như Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov: Nga ủng hộ Ukraine làm thành viên của một gia đình liên châu Âu. 

Giới hạn cuối cùng mà Nga chấp nhận là: Dù Ukraine có tuyên bố quay sang với liên kết EU thì cũng không được có tư tưởng bài Nga, chống Nga; tôn trọng các lợi ích về kinh tế, quân sự, sắc tộc của Nga ở Ukraine. Đặc biệt, Kiev tuyệt đối không được phép để Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có điều kiện triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ukraine - một chủ đề được xem là nhạy cảm bậc nhất trong nền chính trị ở Moskva. 

Giữa “mức giá phù hợp” và “mức giá thấp này” có thể là một kịch bản biến thể khác mà Nga sẽ phải tính đến. Đó là khi mâu thuẫn nội tại ở Ukraine bùng phát, vượt khỏi tầm kiểm soát, đưa đến kịch bản phân chia Ukraine thành hai miền Đông - Tây với đường hướng phát triển khác nhau: Một bên muốn hướng về Nga, bên còn lại quay sang châu Âu. 

Muốn đạt được mức giá nào thì đương nhiên phải có động tác “ra giá”, để “ngã giá”. Quyết định của Nga liên quan đến Crimea là bước “ra giá” tốt. Phần “ngã giá” còn lại chắc hẳn sẽ không thể giải quyết qua một cuộc tấn công quân sự, khi mà Điện Kremlin khẳng định sẽ không thể có cuộc chiến tranh giữa Ukraine và Nga; còn cá nhân Tổng thống Putin thì luôn nằm lòng phương châm mang tính nguyên tắc: “Bàn tay sắt trong găng tay mềm”. Nó sẽ phải qua các cuộc đối thoại giữa Nga và các bên liên quan như Ukraine, Mỹ, EU... Điều quan tâm khi đó sẽ là: ai là người lên tiếng đầu tiên về nhu cầu tiếp xúc này. Cả Nga, Mỹ, Ukraine đều “khó nói”, nên EU có lẽ sẽ phải lĩnh ấn tiên phong! 


Hoài Thanh (Tổng hợp)