07:07 09/07/2025

Thời tiết nắng nóng, mưa nhiều, các dịch bệnh dễ lây lan rộng

Hiện là mùa nắng nóng, mưa nhiều, nhiều bệnh truyền nhiễm có nguy cơ bùng phát rộng; đặc biệt dịch sốt xuất huyết bắt đầu vào cao điểm; số ca mắc sởi, COVID-19 vẫn còn cao; bệnh tay chân miệng, RSV cũng dễ lây lan…

Chú thích ảnh
Bệnh nhân mắc sởi nặng, điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. 

Nhiều dịch bệnh phức tạp

Tại Bệnh viện Nhi Hà Nội, những ngày gần đây đã ghi nhận nhiều trẻ nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) nhập viện, nhiều ca đã biến chứng bội nhiễm viêm phổi. Tuy hiện không phải mùa của RSV nhưng tại bệnh viện vẫn ghi nhận rải rác ca bệnh.

TS.BS Ninh Quốc Đạt, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Hà Nội cho biết: “Virus hợp bào hô hấp RSV lây qua đường hô hấp, trẻ đi học, đến những nơi đông người, các khu vui chơi… trong mùa hè rất dễ lây bệnh. Đặc biệt người lớn cũng có thể bị nhiễm virus, không có biểu hiện bệnh nhưng lại là người mang mầm bệnh lây sang cho trẻ”.

Tại Viện Y học nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cũng vừa ghi nhận 2 ca người lớn mắc sởi biến chứng nặng, nguy kịch. Trong đó có bệnh nhân nam (35 tuổi, ở Hưng Yên) nhập viện với triệu chứng sốt, phát ban và suy hô hấp. Chỉ sau vài ngày, bệnh nhân đã rơi vào trạng thái nguy kịch và được chẩn đoán mắc sởi biến chứng viêm phổi nặng, viêm cơ tim, suy tim cấp, viêm gan B mạn tính.

PGS. TS. BS Đỗ Duy Cường, Viện trưởng Viện Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Gần đây, Viện Y học Nhiệt đới đã tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều ca sởi người lớn biến chứng nặng, nhiều người có bệnh nền, phụ nữ có thai... Một số bệnh nhân có biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm cơ tim, tăng men gan... Bệnh sởi không phải là bệnh chỉ gặp ở trẻ em, nó còn là mối nguy hiện hữu cho cả người lớn và cộng đồng; không nên xem nhẹ bệnh sởi với bất kỳ lứa tuổi, đối tượng nào.

Theo đó, hiện bệnh sởi đang quay trở lại ở nhiều địa phương với xu hướng gia tăng ca mắc ở người lớn, đặc biệt là những người chưa tiêm chủng, chưa có miễn dịch. Nếu không có biện pháp phòng bệnh, có thể gia tăng các ca nặng, gây áp lực lên hệ thống y tế.

Theo các chuyên gia, thời điểm mùa hè nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh và phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền, các ca mắc tay chân miệng, sởi, COVID-19, virus hợp bào hô hấp… gia tăng ở nhiều địa phương. Đặc biệt, sốt xuất huyết đang bắt đầu phức tạp ở cả miền Nam và miền Bắc.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 2.987 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng so với cùng kỳ năm 2024. Hiện Thành phố vẫn ghi nhận hàng chục ca mắc sởi mỗi tuần; dịch COVID-19 cũng gia tăng từ đầu tháng 5 tới nay với chủng virus đang lưu hành phổ biến là chủng NB.1.8.1 (chiếm 87,5%)… dự báo các dịch bệnh sẽ còn tiếp tục ghi nhận ca bệnh trong thời gian tới.

Đặc biệt tại các địa phương, dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp. Tại TP Hồ Chí Minh, dịch sốt xuất huyết đang tăng mạnh, trong 6 tháng đầu năm số ca mắc sốt xuất huyết tăng 134% so với cùng kỳ năm 2024, số ca nặng phải nhập viện cũng gia tăng.

Tại Tây Nguyên và miền Trung, sốt xuất huyết cũng gia tăng hơn hẳn so với trước kia.

Theo PGS.TS Đỗ Duy Cường, năm nay, dịch sốt xuất huyết đến sớm, từ tháng 5 đã có bệnh nhân nhập viện, trong đó có một số ca nặng, có biến chứng. Không chỉ người già, người suy giảm miễn dịch, béo phì, phụ nữ có thai, trẻ em khi mắc sốt xuất huyết mới dễ biến chứng nặng, mà ngay cả người trẻ nếu chủ quan không thăm khám, gặp biến chứng hạ tiểu cầu, cô đặc máu, thoát huyết tương và sốc sốt xuất huyết thì đều nguy hiểm đến tính mạng.

Tăng cường tiêm chủng, thực hiện phòng bệnh từ sớm

Theo Bộ Y tế, mùa hè với thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều dịch bệnh phát sinh và phát triển, nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm du lịch hè 2025 với nhu cầu đi lại của người dân tăng cao, các dịch bệnh dễ lây lan.

Ngay từ đầu mùa hè, Bộ Y tế đã “nhắc nhở” việc chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè; các địa phương và các cơ sở y tế nâng cao công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.

Theo đó, các địa phương huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội phối hợp ngành y tế triển khai hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và công tác tiêm chủng mở rộng, tăng cường rà soát, quản lý, không bỏ sót đối tượng tiêm chủng. Đồng thời, bố trí kinh phí, bảo đảm nguồn lực từ ngân sách địa phương để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và công tác tiêm chủng mở rộng, nhất là với vaccine phòng bệnh sởi.

Các địa phương cũng giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh ngay từ cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống, xử lý triệt để ổ dịch, không để bùng phát hoặc phát sinh mới các ổ dịch, nhất là các bệnh truyền nhiễm có số mắc, tử vong cao như: Sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi, ho gà, bạch hầu…

Tại Hà Nội, trước tình hình nguy cơ gia tăng các dịch bệnh, CDC Hà Nội cũng tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh truyền nhiễm tại cộng đồng và tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đặc biệt là sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, COVID-19...; tổ chức các đội cơ động phối hợp, hỗ trợ các trạm y tế xã, phường điều tra, xác minh và tổ chức các hoạt động đáp ứng chống dịch kịp thời. CDC Hà Nội cũng đánh giá kết quả triển khai tiêm chủng chiến dịch vaccine phòng sởi trong các năm 2024 - 2025; phân tích, xác định các khu vực nguy cơ cao và đề xuất các giải pháp phòng chống dịch.

Theo các chuyên gia y tế, cộng đồng cần thay đổi cách phản ứng với dịch bệnh; nên chủ động phòng chống bằng các biện pháp theo khuyến cáo và các vaccine đã có, thay vì chỉ phản ứng khi dịch đã bùng phát. Đơn cử như việc xây dựng hệ thống giám sát dịch bệnh chủ động, cảnh báo sớm các dịch bệnh, kiểm soát véc tơ truyền bệnh (như muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết). Đồng thời, nâng cao nhận thức cộng đồng về cách phòng bệnh như dọn dẹp nơi muỗi đẻ trứng, sử dụng các biện pháp bảo vệ cá nhân...

Bên cạnh sự vào cuộc của chính quyền và ngành y tế, vai trò chủ động phòng bệnh của người dân cũng rất quan trọng. Ông Võ Hải Sơn, Phó cục trưởng Cục Phòng bệnh nhấn mạnh: Không một đơn vị nào có thể kiểm soát dịch bệnh riêng lẻ mà cần sự đồng lòng, phối hợp đa ngành, trong đó truyền thông là cầu nối quan trọng giúp thay đổi hành vi của người dân, nâng cao hiệu quả phòng chống dịch.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức và Dân tộc