Xóa đói, giảm nghèo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Nằm trong số những tỉnh nghèo nhất cả nước, sau nhiều năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, diện mạo các tỉnh Đắk Nông, Ninh Thuận đang ngày càng thay đổi, đời sống người dân ngày càng được cải thiện, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã có cuộc sống cơ bản ổn định.

Chung tay đẩy lùi “cái nghèo”

Đắk Nông là tỉnh nằm ở tây nam Tây Nguyên, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Trong 5 năm qua nỗ lực xóa đói giảm nghèo của tỉnh đã có những biến chuyển tích cực, cuộc sống của người dân đã được cải thiện đáng kể, cơ sở hạ tầng được đầu tư tốt hơn. Bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, xã hội, một số hộ đã tự vươn lên thoát nghèo. Đáng kể nhất là Chương trình 135 đã đầu tư gần 80 tỷ đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm cho những xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Hay Chương trình 134 giải quyết đất ở, đất sản xuất, nhà ở cho hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số; chương trình cho vay hộ nghèo phát triển sản xuất... đã phát huy hiệu quả, góp phần giảm dần tỷ lệ hộ nghèo tại Đắk Nông. Năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo của Đắk Nông chiếm 33,7% thì đến nay còn 13,7%.

Dạy nghề dệt thổ cẩm cho đồng bào dân tộc Thái ở huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Ảnh : Hữu Việt - TTXVN


Cũng là một tỉnh nghèo, Ninh Thuận nằm ở vùng khô hạn của miền Duyên Hải cực Nam Trung bộ, địa hình dốc từ tây sang đông với quá nửa diện tích là miền núi. Thành phần dân tộc Kinh chiếm 78%, Chăm 12%, Raglai 9,69%, còn lại là dân tộc khác. Năm 2006, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 21,29% với 23.581 hộ nghèo. Qua 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu giảm nghèo, đến nay tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 11,5%.

Theo ông Trần Văn Thể, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Thuận, 5 năm qua, Ninh Thuận đã thực hiện hơn 91 mô hình trình diễn đạt kết quả cao như: Mô hình trồng lúa nước (đạt năng suất từ 40 – 52 tạ/ha), bắp lai, trồng cỏ, bông vải, chăn nuôi dê bách thảo, gà thả vườn, cừu... Tỉnh cũng đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn nâng cao năng lực tại chỗ về khuyến nông, khuyến lâm cho cán bộ chuyên trách công tác giảm nghèo và cho nhân dân. Đến nay, tỉnh đã đưa vào sử dụng 121 công trình hạ tầng cơ sở gồm: 24,38 km đường và 24 cầu cống, hệ thống thủy lợi nhỏ kéo dài thêm 5,641 km, năng lực tưới tiêu tăng thêm 622 ha ruộng lúa nước, 202 hộ được sử dụng điện quốc gia và 1.133 hộ được cung cấp nước sinh hoạt… Đặc biệt, mô hình giảm nghèo đặc thù “nuôi bò vùng khô hạn” là một trong những mô hình đạt hiệu quả cao tại Ninh Thuận. Qua 5 năm, chương trình đã hỗ trợ mua bò sinh sản, bò vỗ béo cho hàng trăm hộ tại các huyện Thuận Bắc, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Nam với kinh phí hơn 2 tỷ đồng. Năm 2011, mô hình phát triển đàn bò lại tiếp tục thực hiện hiệu quả cho 40 hộ ở các xã Lương Sơn (Ninh Hải), Bắc Sơn (Thuận Bắc) và Vĩnh Hải (Ninh Hải) với kinh phí 400 triệu đồng, cơ bản đàn bò đang phát triển và sinh sản tốt.

Theo ông Dương Ngọc Tân, Phó phòng Khuyến nông Khuyến ngư, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Ninh Thuận, năm 2011 tỉnh đã triển khai một số mô hình cho hộ nghèo như mô hình nuôi thương phẩm cá chình, cá bống tượng, cá điêu hồng, dự án nuôi cá chép ghép với các loại cá khác; hỗ trợ máy đối ứng, lưới… cho những hộ cận nghèo ven biển. Hầu hết các mô hình này đã được triển khai xong và thu hoạch thử nghiệm, nông dân rất phấn khởi khi được tiếp nhận kỹ thuật nuôi mới, tiếp cận với đối tượng thủy sản mới và dự định sẽ phát triển nhân rộng.

Ông Trần Cao Tiên, thôn Thành Sơn, xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải là một trong những hộ được hỗ trợ nuôi cá bống tượng trong ao đất, hồ hởi khoe: “Khi nhận triển khai mô hình nuôi cá bống tượng từ Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, ai cũng thấy lo lắng vì đây là giống cá mới. Tuy nhiên sau thời gian ngắn, thả nuôi cá thích nghi tốt với tỷ lệ sống hơn 98%. Sau thời gian nuôi 10 tháng, cá đạt khối lượng trung bình 400gam/con, với giá 25.000 đồng/kg nguồn lợi nhuận thu về lớn hơn nhiều so với các loại cá nước ngọt khác”.

Giờ thực hành kỹ thuật trồng ngô tại Trung tâm Dạy nghề huyện Mù Cang Chải , tỉnh Yên Bái. Ảnh: Nguyễn Thủy - TTXVN

Vượt hơn 60km từ trung tâm tỉnh Ninh Thuận đến huyện miền núi Bác Ái, chúng tôi được nghe kể nhiều về những gương nông dân có khát vọng vượt khó thoát nghèo như Pi năng Nghéo, Pu pu Tuyến, Chamalé Thị Lý, Kator Điếc… Đáng phấn khởi nhất là Kator Giám, dân tộc Raglai ở thôn Trà Co 2, xã Phước Tiến, là một trong những hộ không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu từ ruộng lúa, nương ngô. Năm 1999, ông được Nhà nước hỗ trợ cho vay 5 triệu đồng. Từ nguồn vay ấy, vợ chồng ông đã đầu tư trồng 1,5 ha bắp lai và cây bông vải. Tích lũy tiền lời từ bắp, vợ chồng ông đầu tư trồng thêm 3 sào lúa nước, gây dựng đàn bò để tăng thêm thu nhập và phục vụ cho việc canh tác. Nhờ sự cần cù và ý chí vươn lên thoát nghèo, chẳng những trả nợ cho nhà nước mà vợ chồng ông Giám còn xây được nhà mới, mua xe máy và nuôi 2 con ăn học.

Thoát nghèo bền vững - còn không ít khó khăn

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xóa đói giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có quyết tâm và nỗ lực lớn. Từ nhiều năm nay, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc các tỉnh Đắk Nông, Ninh Thuận luôn trăn trở tìm hướng thoát nghèo bền vững, nhằm tạo dựng một diện mạo mới cho quê hương, làm động lực để phát triển kinh tế.

Ông Y’Long Niê, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông cho biết, tỷ lệ đói nghèo vẫn còn rất lớn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân nghèo đói chủ yếu là do trình độ dân trí, ý thức thoát nghèo của bà con chưa cao, bên cạnh đó điều kiện địa hình khó khăn, phong tục tập quán, quá trình di dân ngoài kế hoạch xảy ra khá thường xuyên… Khó khăn lớn nhất của công tác giảm nghèo tại Đắk Nông đó là tình trạng di dân ngoài kế hoạch hàng năm đều tăng, đây còn là gánh nặng cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo khi vừa phải tập trung giảm nghèo đối với đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, vừa đầu tư kinh phí ổn định dân di cư đến. Hàng năm Đắk Nông cơ bản đạt tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc di cư khoảng 3%, đồng bào dân tộc tại chỗ khoảng 7%-8%, nhưng không bền vững, nguy cơ tái nghèo cao khi sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm vị trí chủ đạo do nhiều rủi ro về giá cả, thiên tai và các ngành nghề khác chưa phát triển mạnh để tăng thêm thu nhập. Hơn nữa, nông nghiệp Đắk Nông cũng không phải nông nghiệp chất lượng cao, manh mún, độc canh cây sắn…

Không chỉ Đắk Nông mà từ nhiều năm qua, Ninh Thuận đã phải vật lộn với công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Theo bà Đặng Thị Phấn, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Ninh Thuận, những năm đầu thực hiện chương trình này, tinh thần vươn lên thoát nghèo của một bộ phận người nghèo còn hạn chế, còn trông chờ, ỷ lại nguồn hỗ trợ của nhà nước; những tập quán sinh sống, làm ăn lạc hậu, nhất là đồng bào thiểu số vẫn là những “lá chắn” trên con đường vươn lên thoát nghèo của chính họ. Do vậy, kết quả thực hiện chương trình không cao, tỷ lệ thoát nghèo và tái nghèo chênh lệch không đáng kể, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm đều giảm 2% nhưng không bền vững. Cán bộ dự án phải đi vận động từng nhà, sâu sát với từng người dân nghèo, tận tình hướng dẫn họ ứng dụng kiến thức khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng hiệu quả đồng vốn…

Phát huy những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo thời gian qua, tỉnh Đắk Nông đề ra mục tiêu từ nay đến năm 2015 mỗi năm giảm 3% số hộ nghèo. Ông Trần Thanh Long, Phó ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông cho rằng, giảm nghèo bền vững tại Đắk Nông vẫn còn là một vấn đề “gay cấn” với nhiều lý do: Thành phần dân tộc đa dạng (35-40 dân tộc), biến động thường xuyên, tình trạng dân di cư ngoài kế hoạch ngày càng nhiều nên chưa thể quy hoạch, ổn định sản xuất được. Hơn nữa, phong tục tập quán, trình độ canh tác khác nhau và chưa đồng đều giữa các dân tộc. Do đó, việc phát triển kinh tế, ổn định sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc không phải một sớm một chiều. Tỷ lệ đói nghèo của đồng bào Mông cao nhất so với các dân tộc khác, chiếm hơn 60% vì phần lớn vẫn chưa ổn định cuộc sống.

Ban Dân tộc tỉnh Đắk Nông cũng đang rà soát lại diện tích đất, đánh giá lại rừng và thực trạng rừng ở từng khu vực để quy hoạch khu dân cư, chuyển đổi mục đích đất nông nghiệp không hiệu quả, đất rừng nghèo kiệt để quy hoạch thành khu dân cư, giúp bà con an cư lạc nghiệp.

Không chỉ với Ninh Thuận, Đắk Nông, mà với nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước, công cuộc xóa đói giảm nghèo vẫn là một cuộc chiến lâu dài, còn không ít khó khăn. Với khí hậu khắc nghiệt, thiên nhiên ít ưu đãi như tỉnh Ninh Thuận, hay địa hình khó khăn, thành phần dân tộc đa dạng như Đắk Nông, thì công tác giảm nghèo và chống tái nghèo còn là mối lo lớn. Tuy nhiên, sự hỗ trợ của nhà nước và quyết tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương là nguồn động lực quan trọng giúp người dân vươn lên thoát nghèo, phấn đấu vì ngày mai tốt đẹp hơn.

Việt Âu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN