Xây dựng cán bộ công đoàn chủ động thích ứng trong tình hình mới

Những năm gần đây, nền kinh tế trong nước ổn định, đời sống nhân dân cải thiện, quốc phòng - an ninh được tăng cường, vị thế của đất nước trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Thành tựu đó có sự đóng góp to lớn của giai cấp công nhân, người lao động và tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Sự ra đời của Công đoàn Việt Nam

Sự ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam gắn liền với sự hình thành, phát triển của giai cấp công nhân và hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Người đặt nền móng về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Chú thích ảnh
Lễ khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XI, sáng 28/7/2013, tại Hà Nội. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Năm 1929, ba tổ chức Đảng cộng sản Việt Nam ra đời (tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, được thành lập ngày 3/2/1930), bước đầu đáp ứng yêu cầu của phong trào yêu nước và phong trào công nhân. Nhờ đó, tổ chức Công hội (tiền thân của tổ chức Công đoàn) do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đứng đầu ngày càng phát triển, nhất là ở các tỉnh miền Bắc, nơi có nhiều trung tâm công nghiệp.

Để đáp ứng yêu cầu cấp thiết của công tác vận động công nhân và tăng cường sức mạnh cho tổ chức Công hội, ngày 28/7/1929, theo quyết định của Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh triệu tập Hội nghị đại biểu Công hội đỏ Bắc kỳ lần thứ nhất, họp tại số nhà 15 Hàng Nón, Hà Nội.

Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành lâm thời gồm 6 ủy viên, do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh phụ trách. Hội nghị đã thông qua Chương trình, Điều lệ, phương hướng hoạt động và quyết định xuất bản Báo Lao động và Tạp chí Công hội đỏ (Sau này, Đại hội V Công đoàn Việt Nam (tháng 11/1983) đã quyết định lấy ngày 28/7/1929 là ngày kỷ niệm thành lập Công đoàn Việt Nam).

Sự ra đời công đoàn cách mạng Việt Nam có ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự lớn mạnh của phong trào công nhân và sự trưởng thành của giai cấp công nhân Việt Nam.

Công đoàn Việt Nam có địa vị pháp lý, được ghi nhận trong Hiến pháp, Luật Công đoàn, Bộ luật Lao động và các văn bản khác của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều 10 Hiến pháp năm 1992 ghi nhận: “Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý nhà nước và xã hội; tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Tại Hội nghị mở rộng Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam diễn ra ngày 28/12/1966, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã nhận định “Thắng lợi của cách mạng Việt Nam đã chứng minh đường lối của Đảng ta là đúng đắn. Đường lối ấy là đường lối chính trị của giai cấp công nhân, giai cấp duy nhất có khả năng lãnh đạo cách mạng Việt Nam, mà Đảng ta là bộ tham mưu, là trí tuệ, là đội tiên phong”.

Nhằm khẳng định vị trí quan trọng của tổ chức Công đoàn trong hệ thống chính trị, Đảng đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW (khóa XII) về hội nhập quốc tế trong đó có những chủ trương, quan điểm rõ nét về tổ chức Công đoàn Việt Nam, “tạo nguồn lực đủ mạnh để Công đoàn Việt Nam hoạt động”. Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 52-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất.

Có thể nói, sau hơn 30 năm đổi mới, giai cấp công nhân nước ta không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến cuối năm 2017, số lao động làm công hưởng lương tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp của cả nước là 23,9 triệu người; công nhân lao động trong các loại hình doanh nghiệp là 14,88 triệu người.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân ngày một lớn mạnh và trưởng thành, đang có mặt trên tất cả mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Mặc dù chỉ chiếm 17% dân số, nhưng giai cấp công nhân đã đóng góp hơn 65% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách cả nước.

Chỗ dựa vững chắc cho người lao động

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường khẳng định, những năm gần đây, đội ngũ công nhân viên chức, người lao động tìm đến với tổ chức công đoàn ngày càng nhiều do quyền lợi của họ được đảm bảo. Để đạt được kết quả đó, tổ chức công đoàn đã thay đổi nhiều phương thức hoạt động với mục tiêu thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Trong nhiệm kỳ qua, tổ chức công đoàn các cấp đã ký kết được 27.866 bản thỏa ước lao động tập thể, tăng khoảng 5%, so với đầu nhiệm kỳ; Đề án xây dựng Thư viện thỏa ước lao động tập thể điện tử đạt được kết quả bước đầu. Bình quân hàng năm có 98% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức và 55% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động.

Từ hơn 9.000 cuộc đối thoại định kỳ, hơn 400 cuộc đối thoại đột xuất năm 2014 đã tăng lên 30.641 cuộc đối thoại định kỳ, hơn 3.101 cuộc đối thoại đột xuất vào năm 2017... Thông qua đối thoại, nhiều vấn đề vướng mắc, bức xúc của người lao động được giải quyết kịp thời; nhiều khó khăn của doanh nghiệp được người lao động chia sẻ.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng là tổ chức chính trị đã tham gia có hiệu quả trong Hội đồng tiền lương quốc gia, đề xuất điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng trên 55%, góp phần cải thiện đời sống cho người lao động, thu hẹp khoảng cách giữa tiền lương tối thiểu và mức sống tối thiểu; phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn việc xây dựng, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, bình quân hàng năm có 98% cơ quan, đơn vị tổ chức hội nghị cán bộ, công chức và 55% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động; xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc.

Đặc biệt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề xuất và được Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế Công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất”, mở ra những điều kiện mới để tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa tổ chức Công đoàn và đoàn viên, trực tiếp tham gia giải quyết các nhu cầu cấp thiết về: Nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, trung tâm văn hóa, tư vấn pháp luật, chăm sóc y tế, cơ sở vật chất về thể dục, thể thao... Đây được coi là một trong những kế hoạch thành công nhất của Công đoàn Việt Nam, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo đội ngũ công nhân lao động trên cả nước nhiều năm qua.

Với mục tiêu chăm lo quyền lợi chính đáng cho người lao động, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Bùi Văn Cường cho biết, thời gian tới, sẽ tập trung đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động công đoàn, lấy nhu cầu chính đáng của số đông đoàn viên, người lao động làm cơ sở hoạt động. Để đạt được điều đó, Công đoàn các cấp tập trung các nguồn lực để xây dựng tổ chức vững mạnh; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm để chủ động thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng trong tình hình mới.

Đỗ Bình (TTXVN)
950 đại biểu trong nước dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII
950 đại biểu trong nước dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII

950 đại biểu đại diện cho hơn 10 triệu đoàn viên, công nhân viên chức lao động cả nước và 7 đoàn đại biểu quốc tế sẽ về dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII từ ngày 24 - 26/9, tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN