Ưu tiên phát triển điện ở vùng sâu, vùng xa

Hôm qua (23/10), tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực. Theo ý kiến của nhiều đại biểu, cần có những quy định ưu tiên nguồn lực cho phát triển điện ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chưa nối lưới điện quốc gia. Phóng viên Báo Tin tức đã phỏng vấn bà Trần Thị Hoa Sinh (ảnh), đại biểu Quốc hội tỉnh miền núi Lạng Sơn để làm rõ hơn về vấn đề này.

 

´Thưa bà, thực tế tình hình cung ứng và sử dụng điện ở vùng sâu, vùng xa hiện có khó khăn ra sao?


Khi tiếp xúc cử tri, chúng tôi nhận thấy rằng, ngay cả việc cung cấp điện sinh hoạt cho vùng sâu, vùng xa cũng còn nhiều khó khăn chứ chưa nói đến điện sản xuất. Do đó, ngành điện nên tính toán có giải pháp đưa điện đến với vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Vì với đặc thù địa hình chia cắt thì việc đầu tư hạ tầng điện ở những nơi này gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, tổn thất điện năng khi cấp điện đến vùng sâu, vùng xa cao hơn khiến cho giá điện cũng cao hơn, trong khi đời sống người dân lại khó khăn cũng là một bất hợp lý. Giá điện cao trong khi ở một số địa bàn vùng sâu vùng xa, vùng địa hình chia cắt, có những địa bàn có điện nhưng chất lượng điện không đáp ứng được yêu cầu, điện thậm chí không đủ thắp sáng do nguồn điện yếu, lưới điện không đảm bảo…


´Vậy, theo bà, cần phải có chính sách ưu tiên ra sao để cấp điện cho các vùng khó khăn?


Luật Điện lực ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người dân, trong đó có người dân vùng sâu vùng xa. Hiện nay, tuy Đảng và Nhà nước đã có hỗ trợ, ví dụ như nơi không có điện lưới thì bà con được hỗ trợ tiền điện, nhưng để người dân vùng miền núi và kinh tế khó khăn tăng được tỷ lệ sử dụng điện và sử dụng điện với chất lượng tốt hơn thì vẫn còn nhiều việc phải làm.


Theo tôi, ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, bên cạnh các chính sách hỗ trợ giá điện thì Nhà nước phải quan tâm hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng lưới điện, nguồn điện từ vốn ngân sách nhà nước. Bởi, đầu tư cho việc này cần nguồn kinh phí lớn. Nhiều địa bàn khó khăn sẽ không thể cân đối được nguồn kinh phí cho việc này, thậm chí nguồn thu ngân sách của nhiều tỉnh còn trông chờ Nhà nước cấp đến 70 - 80%. Chính phủ cũng phải đề ra lộ trình thực hiện đầu tư hạ tầng điện một cách cụ thể thì mới giải quyết được khó khăn hiện nay là phần lớn người dân chưa được sử dụng điện cũng nằm ở vùng khó khăn.


Trong Luật Điện lực hiện nay có đề cập, chính sách giá điện phải góp phần phát triển điện ở nông thôn, miền núi, hải đảo song quy định chưa rõ mà chỉ quy định chung là giá điện cho người nghèo. Do đó, dự thảo Luật Điện lực lần này cần phải có những quy định cụ thể cho các vùng trên, thay vì chỉ áp dụng chung cho diện hộ nghèo. Hiện nay, có quy định hộ nghèo sử dụng dưới 50 kWh điện thì được hưởng giá thấp nhưng có thể nói rất ít hộ nghèo dùng đến mức đó. Nếu quy định như vậy, sẽ không kích thích phát triển khoa học, công nghệ ở khu vực vùng sâu, vùng xa…


Chính sách về giá điện hiện nay cũng chưa thực sự khuyến khích, thu hút đầu tư sản xuất điện, nhất là ở những khu vực chưa nối lưới điện quốc gia. Đồng thời nên quy định UBND cấp tỉnh quyết định giá bán lẻ điện trên nguyên tắc “bù đắp đủ chi phí, có lợi nhuận hợp lý” nhằm tạo điều kiện thuận lợi, thu hút các đơn vị điện lực đầu tư, kinh doanh điện ở những khu vực này.


Xin cảm ơn bà!


Thu Hường (ghi)

Tiếp tục Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII
Tiếp tục Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIII

Sáng 23/10, các đại biểu làm việc tại hội trường nghe Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn; thảo luận về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN