TP Hồ Chí Minh thống kê, rà soát tiến tới thu hồi các dự án ‘treo’ quá lâu

Những dự án "treo" nhiều năm, không thể triển khai tại TP Hồ Chí Minh sẽ được thống kê rà soát và thậm chí có thể bị thu hồi nếu "treo" quá lâu, nhằm giải quyết những khó khăn gây ra cho cuộc sống người dân ở các khu vực này.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố còn hơn 500 dự án treo, trong đó 2 huyện Nhà Bè và Bình Chánh là điểm đen về các dự án “treo”. Tại 2 huyện này, có khoảng 85 dự án bất động sản đang bị “treo”, không thể triển khai được, chưa kể có dự án sang hết người này qua người khác. Những dự án treo này đang gây khó khăn cho đời sống người dân. 


Theo đó, trong số 85 dự án đang còn hiệu lực triển khai, có đến 26 dự án chưa khởi công; 28 dự án đang thực hiện các khâu giải tỏa đền bù, san lấp mặt bằng và xây dựng công trình. Thậm chí, có một số dự án mặc dù đã giải tỏa đền bù được 80 - 90% nhưng vẫn chưa thể triển khai như dự án khu đô thị tại xã Phước Lộc do Công ty Tân Hải - Đại Nhân làm chủ đầu tư rộng 70 ha; dự án 6A của Công ty Intresco…

Các quận, huyện cần siết chặt việc tách thửa, phân lô đất nền tự phát để hạn chế các dự án "treo". Ảnh minh họa

Tại các quận, huyện khác, có nhiều dự án vẫn “đắp chiếu” như: Dự án 263,9 ha đất tại phường Long Trường (quận 9), dự án 144 ha tại quận Thủ Đức, dự án khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa rộng hơn 426 ha (quận Bình Thạnh), dự án Khu đô thị Đại học quốc tế rộng 900 ha (xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn)…


Đại diện Sở Quy hoạch và Kiến trúc TP Hồ Chí Minh cho rằng, có 3 nguyên nhân dẫn đến quy hoạch "treo": Một là quy hoạch lập ra nhưng không xác định được nguồn lực để thực hiện, thứ hai là chưa có chính sách hấp dẫn để thu hút nhà đầu tư và thứ ba là do chủ quan trong quá trình lập và phê duyệt quy hoạch dẫn đến tính dự báo chưa chính xác nên quy hoạch thiếu tính khả thi. Bên cạnh đó, nhiều dự án không thực hiện được còn do khâu khảo sát ban đầu không chặt chẽ, tài liệu khảo sát bị lạc hậu nên định hướng chưa sát khiến quy hoạch làm ra rồi “treo” đó.


Nói về hệ lụy của các dự án "treo" đối với người dân trên địa bàn, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, quan điểm của UBND TP Hồ Chí Minh là không chấp nhận dự án chậm tiến độ vì sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Theo đó, người dân sẽ bị tác động về việc làm, nơi ở, làm ăn, kinh doanh khó khăn, học hành… "Vì vậy, những dự án nào "treo" không có điều kiện sẽ phải dừng ngay, thậm chí xóa "treo" chứ không thể để “treo” mãi. Sắp tới, thành phố sẽ giao cơ quan chức năng xử lý các dự án kéo dài, xử lý rất nghiêm minh để ổn định cuộc sống người dân ở các khu vực này”, ông Phong cho biết thêm.


Đối với các dự án "treo" tại huyện Nhà Bè và Bình Chánh hiện nay, ông Nguyễn Thành Phong cũng đã yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh lập tổ công tác để rà soát lại và xem xét thu hồi với các dự án không thể triển khai, không để xảy ra tình trạng phân lô bán nền phá vỡ quy hoạch. Ngoài ra, các quận huyện khác cũng cần lập ngay các tổ liên ngành rà soát tất cả dự án chậm tiến độ. Những dự án nào kéo dài, không thể triển khai, khiến hạ tầng ở đây không thể hoàn thành, cỏ rác um tùm... sẽ có những giải pháp xử lý phù hợp, vì nếu càng để kéo dài người dân càng khổ. Tình trạng này hiện không chỉ có ở Nhà Bè mà còn rất nhiều dự án ở địa phương khác.


Trả lời giải pháp giải quyết các dự án "treo", đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, trước mắt, sở sẽ phối hợp với UBND các quận, huyện để rà soát tình hình các dự án chậm triển khai hơn 10 năm. Trong đó, thực hiện thí điểm ở huyện Nhà Bè để thu hồi khu đất 23 ha tại xã Phước Kiển và khu đất 89,62 ha tại xã Nhơn Đức và xã Phước Lộc để hoàn vốn cho dự án xây cầu Cần Giờ theo hình thức BT. Ngoài ra, sở cũng sẽ triển khai thu hồi 263,9 ha tại phường Long Trường, Trường Thạnh, Phú Hữu (quận 9) để tạo quỹ đất hoàn vốn xây dựng đường vành đai….


“Về lâu dài, muốn xóa bỏ tận gốc các dự án chậm triển khai, dự án "treo" hiện nay, đồng thời nhằm hoàn thiện công tác chỉnh trang đô thị, lãnh đạo các địa phương cần giám sát chặt việc phân lô đất nền, không để xảy ra tình trạng người dân tự phân lô, xây dựng tự phát như thời gian qua. Đối với các dự án "treo" dài hạn, nếu tìm được nhà đầu tư khác có năng lực, với khả năng tài chính tốt thì có thể cho họ làm lại quy hoạch mới hoặc làm theo quy hoạch cũ nhưng ràng buộc họ phải cam kết cụ thể thời gian thực hiện và phải ký quỹ đảm bảo cho dự án được triển khai đúng tiến độ. Một khi làm được những điều trên chắc chắn các dự án “treo” sẽ không còn”, vị đại diện này cho biết thêm.


Theo UBND TP Hồ Chí Minh, hơn 5 năm gần đây, với nhiều biện pháp mạnh tay và kiên quyết xử lý, TP Hồ Chí Minh đã thu hồi 576 dự án do chủ đầu tư chậm triển khai, gây lãng phí đất đai với tổng diện tích khoảng 5.900 ha. Trong số diện tích đất đã bị thu hồi, thành phố đã cho bán đấu giá một số khu đất, thu về cho ngân sách thành phố hàng nghìn tỷ đồng.


Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Thấp thỏm cuộc sống “5 không” vì dự án treo
Thấp thỏm cuộc sống “5 không” vì dự án treo

Dự án hồ chứa nước Bản Lải (Lạng Sơn) đã gần 10 năm vẫn chưa được triển khai, gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN