Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV:

Thu hút đầu vào, siết chặt đầu ra ở bậc Đại học

Thảo luận tại phiên họp sáng 1/6, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo của các Ủy ban của Quốc hội về đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

Tránh áp lực từ nhiều phía cho học sinh, phụ huynh và thầy cô

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Đinh Thị Ngọc Dung phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (Hải Dương) cho rằng, chưa bao giờ niềm tin của nhân dân vào Đảng và Chính phủ lại lớn lao như hiện nay. Mặc dù trong những năm qua, do đại dịch COVID-19 nên kinh tế - xã hội gặp muôn vàn khó khăn, nhưng Đảng, Chính phủ và nhân dân luôn sát cánh cùng nhau, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Đáng chú ý, nhiều sai phạm đã được phát hiện và từng bước xử lý, như: Sai phạm trong chứng khoán, rủi ro đầu tư tiền ảo, bất động sản hay những vụ việc liên quan đến y tế, giáo dục...

Theo đại biểu, hiện nay, vấn đề cần quan tâm giải quyết trước tiên là lạm phát kinh tế và môi trường giáo dục.

Về vấn đề lạm phát, đại biểu cho rằng, Chính phủ, chính quyền các địa phương cần tập trung tăng cường kiểm soát giá các mặt hàng nhu yếu phẩm để tránh tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá lên cao bất hợp lý. Đồng thời, kiểm soát, hạ giá các dịch vụ công như xăng, dầu, điện nước. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát của Việt Nam trong thời gian tới. Do vậy, chính sách kiềm chế giá nhiên liệu đầu vào phải tiếp tục được áp dụng; về lâu dài, tính toán để giảm một số khoản thuế, phí trong giá thành xăng dầu, khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp giảm phụ thuộc nhập khẩu, chủ động hơn trong phần nguyên liệu đầu vào để giảm nguy cơ lạm phát...

Liên quan đến lĩnh vực giáo dục đào tạo, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung khẳng định, giáo dục là vấn đề cốt lõi để phát triển đất nước và ổn định an sinh xã hội. Cử tri, người dân rất quan tâm đến cải cách thay đổi chương trình và mức học phí của các bậc học. "Tại sao lại cứ tăng kinh phí, học phí đào tạo hay các khoản phí khác tùy từng trường, từng nơi ở các cấp bậc thấp? Hay siết chặt đầu vào ở các cấp bậc mà đầu ra lại buông lỏng? Thiết nghĩ ở các bậc Tiểu học, Trung học Cơ sở hay Phổ thông Trung học, chúng ta phải có cơ chế, giải pháp hạ học phí ở mức thấp nhất, hỗ trợ tốt nhất cho các em vì đó là trẻ em dưới 18 tuổi, cần có môi trường nhận thức và học tập để phát triển. Có chăng nên nghiên cứu ở cấp bậc cao hơn, đó là Đại học và sau Đại học. Điều chỉnh khung bậc này vì đó là thế hệ trên 18 tuổi, các em có thể tự định hướng và có trách nhiệm với cuộc sống của mình. Tôi thấy ở một số nước, nhiều em để tiếp tục đi học Đại học đã tự đi làm thêm ngoài giờ để có thêm thu nhập, hay thậm chí đi làm thêm một, hai năm có kinh phí mới đăng ký học Đại học", đại biểu nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung nêu thực tế, lâu nay, ở bậc Đại học, thi tuyển khắt khe ở đầu vào nhưng đầu ra lại buông lỏng dẫn đến chất lượng không đảm bảo và không có chọn lọc. Đại biểu đề xuất nghiên cứu chính sách theo hướng thu hút đầu vào và siết chặt đầu ra.

Đại biểu cũng lưu ý đến áp lực học tập từ nhà trường, gia đình đến các em học sinh. Đây chính là nguyên nhân hàng đầu gây tự kỷ, trầm cảm và nhiều vấn đề sinh lý khác cho học sinh, sinh viên hiện nay. "Phải chăng chúng ta đang tạo ra áp lực cho giới trẻ từ nhiều phía. Có thể thấy, giáo dục ở Việt Nam chỉ có học và học mà thiếu đi những mô hình trải nghiệm, thiếu những lớp học ngoại khóa gần gũi thiên nhiên, thiếu đi những không gian xanh hoạt động ngoài trời chung", đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cho rằng, học tập không chỉ từ phía gia đình, nhà trường mà còn ở cả xã hội. Do vậy, cần xây dựng mô hình công cộng nhiều hơn để giải tỏa vấn đề áp lực đến trường. Việc học tập, vui chơi chung ở cộng đồng là rất cần thiết trong việc kích thích tương tác, phát triển khả năng tư duy sáng tạo, giải trí của giới trẻ, từ đó tránh được áp lực từ nhiều phía cho học sinh, phụ huynh và thầy cô.

Tạo động lực giúp các trường đại học tự chủ một cách thực chất

Chú thích ảnh
Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Vương Quốc Thắng phát biểu. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Góp ý vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) đề cập đến vai trò của đại học đối với sự phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó có tự chủ đại học.

Theo đại biểu, việc thực hiện tự chủ đại học có nhiều kết quả tích cực, thể hiện chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, làm thay đổi và phát triển nhanh các trường đại học. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn khó khăn, vướng mắc, cần được xem xét một cách tổng thể và kịp thời tháo gỡ.

Tiếp cận tự chủ đại học ở vấn đề học thuật, tổ chức nhân sự và tài chính tài sản, đại biểu cho rằng, trong các lĩnh vực này, cần làm rõ lĩnh vực nào trường đại học đã tự chủ một cách thực chất, lĩnh vực nào tự chủ mới dừng ở mức trên giấy tờ, tức là được tự chủ nhưng vẫn bị hạn chế do nhiều quy định, quy chế chưa phù hợp.

Theo đại biểu, về học thuật đã có chuyển biến tốt. Các trường đã có nhiều quyền hơn trong xây dựng giáo trình, kế hoạch giảng dạy, tổ chức tuyển sinh, đào tạo, công nhận tốt nghiệp. Tuy nhiên, việc tổ chức nhân sự và tài chính, tài sản vẫn còn vướng mắc. Khung pháp lý còn thiếu hoặc chưa phù hợp. Ví dụ các trường có chính sách thu hút nhân tài nhưng không dễ để thực hiện do khó đảm bảo chính sách thu nhập một cách công bằng, minh bạch và theo vị trí việc làm. Đại biểu đề nghị, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá kỹ, tìm giải pháp tháo gỡ.

Nhấn mạnh, tự chủ không có nghĩa là tự túc, đại biểu Vương Quốc Thắng chỉ rõ, thực tế 2, 3 trường thí điểm tự chủ thì cơ bản bị cắt cấp ngân sách chi thường xuyên, trong khi cấp ngân sách theo hướng giao nhiệm vụ đặt hàng vẫn chưa được thể chế hóa, chưa có chương trình quy định cụ thể. Điều này dẫn đến các trường muốn tồn tại và phát triển buộc phải tăng học phí, vì thế sẽ ảnh hưởng đến cơ hội học tập của các em gia đình khó khăn ở vùng sâu, vùng xa. Đại biểu đề xuất, Chính phủ cần sớm hoàn thiện cơ chế cấp ngân sách theo giao nhiệm vụ đặt hàng. Ví dụ, lập quỹ để giao nhiệm vụ đặt hàng, các trường tự chủ muốn lấy kinh phí từ quỹ này cần lập đề án, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện hoặc tổ chức đấu thầu giao nhiệm vụ đặt hàng, sau đó tăng cường giám sát chặt chẽ nội dung chi này.

Bên cạnh đó, Hội đồng trường là thiết chế giúp trường đại học thực thi quyền tự chủ, thực hiện chức năng giám sát và trách nhiệm giải trình với Nhà nước cùng các bên liên quan khác. Trên thực tế việc, việc vận hành của Hội đồng trường đã có nhiều kết quả tốt nhưng vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc cần sớm tháo gỡ; trong đó cần có khung pháp lý rõ ràng về vai trò chỉ đạo, quản trị, điều hành giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu để tránh sự chồng chéo, tạo ra xung đột không đáng có.

Đại biểu khẳng định, tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình là hai mặt không thể tách rời, thiếu trách nhiệm giải trình sẽ dễ biến tự chủ thành tự trị. Đại biểu nêu rõ, có hai công cụ quan trọng để thực hiện trách nhiệm giải trình, đó là kiểm định chất lượng giáo dục và công khai, minh bạch thông tin hoạt động của trường đại học. Nhấn mạnh tự chủ đại học là vấn đề liên ngành, liên bộ, đại biểu đề nghị, để tạo ra sự đột phá trong tự chủ đại học, Chính phủ nên cân nhắc lập một Ủy ban hoặc một Hội đồng cấp quốc gia về tự chủ đại học để giải quyết triệt để các vướng mắc, tạo ra động lực giúp các trường đại học tự chủ một cách thực chất.

Phan Phương (TTXVN)
Ngày 1/6, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Ngày 1/6, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 1/6, Quốc hội dành cả ngày để thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021 và những tháng đầu năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN