Tăng tốc trong 6 tháng cuối năm

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2015 đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của đất nước trong 6 tháng qua có nhiều khởi sắc, qua đó xác định phương hướng, nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm 2015 có nhiều thuận lợi.

Tiền đề thuận lợi


Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư trình bày tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ ngày 29/6, trong 6 tháng đầu năm 2015, nền kinh tế tiếp tục phục hồi và đạt kết quả cao hơn cùng kỳ năm trước. Kinh tế vĩ mô ổn định, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp. Tăng trưởng GDP quý II cao hơn quý I và tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt mức tăng cao nhất (6,28%) trong vòng 5 năm trở lại đây. Công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2015 trực tuyến với các địa phương.Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Khu vực dịch vụ tăng trưởng khá. Tín dụng tăng trưởng cao hơn cùng kỳ năm trước; mặt bằng lãi suất duy trì ở mức ổn định và giảm so với cuối năm 2014, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp huy động thêm nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh; cán cân thanh toán tổng thể thặng dư. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng cao hơn cùng kỳ năm trước. Giải ngân vốn FDI đạt khá. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng, nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị phục vụ cho đầu tư sản xuất kinh doanh và xuất khẩu tăng. Hoạt động phát triển doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến tích cực. Công tác bảo đảm an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm (6,28%) là cao nhất trong 5 năm qua. Thông tin này được công bố cùng với các chỉ số khác như lạm phát chủ động kiểm soát ở mức thấp, tổng phương tiện thanh toán tăng, tốc độ dự nợ tín dụng cao hơn tốc độ tăng dư nợ tiền gửi, thu ngân sách đạt trên 446 nghìn tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ… Đây là tiền đề thuận lợi để Chính phủ tiếp tục củng cố sự vững chắc của kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng đạt 6,2 % trong cả năm nay và kiểm soát lạm phát theo mục tiêu….

Phát biểu tại Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: “Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực đã tạo tiền đề, thuận lợi để chúng ta phấn đấu đạt và vượt kế hoạch đề ra từ đầu năm”.

Cải thiện môi trường kinh doanh

Tuy có tín hiệu đáng mừng song nền kinh tế nước ta 6 tháng qua vẫn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là tăng trưởng khu vực nông nghiệp và thủy sản đạt thấp hơn cùng kỳ năm trước. Trong 3 ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản thì chỉ có lâm nghiệp tăng trưởng cao hơn cùng kỳ nhưng lại chỉ chiếm 2,6% giá trị sản xuất của toàn ngành. Khu vực nông nghiệp tiếp tục chịu tác động bất lợi từ thời tiết và thị trường xuất khẩu là yếu tố tiêu cực ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm.

Diễn biến phức tạp của thời tiết như nắng hạn, xâm nhập mặn ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân. Xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước giảm so với cùng kỳ; kết quả giảm nghèo ở một số địa phương chưa thực sự bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn cao…. Mặc dù nhập siêu quý II đã giảm so với quý I nhưng tính chung 6 tháng đầu năm nay tỷ lệ nhập siêu đã ở mức 3,75 tỷ USD bằng 4,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, sát với mục tiêu nhập siêu 5% mà Quốc hội đã đề ra và dự báo mức nhập siêu có thể tăng cao hơn khi nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi nhanh trong những tháng cuối năm….

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại phiên họp đã đề nghị các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương trực tiếp bàn thảo về các giải pháp để đạt kết quả cao hơn so với 6 tháng đầu năm trên cơ sở phát huy tinh thần trách nhiệm, phấn đấu quyết liệt hơn nữa, thực hiện hiệu quả hơn nữa các mục tiêu, nhiệm vụ. Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến tình hình kinh tế thế giới, bám sát nghị quyết của Đảng, Nhà nước, đề cao trách nhiệm, năng động, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành để phát huy tối đa những kết quả đạt được cũng như những thuận lợi, cơ hội và triển vọng phát triển; đồng thời ra sức khắc phục những hạn chế yếu kém còn tồn tại, phấn đấu đạt và vượt kế hoạch. Phải kiểm soát tốt, giữ được sự ổn định kinh tế vĩ mô.

Tiếp tục tập trung mạnh cho cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các khâu đột phá chiến lược đi liền với việc quyết liệt hơn nữa trong thực hiện tái cơ cấu kinh tế. Song song với các nhiệm vụ này, là tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ đồng bào vùng chịu ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán cũng như hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao đời sống. Đồng thời, không ngừng củng cố tiềm lực an ninh- quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Đặc biệt, theo Thủ tướng, “năng lực cạnh tranh quốc gia liên quan đến năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, sản phẩm. Chúng ta không nâng cao được năng lực cạnh tranh quốc gia trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng thì khó đạt được mục tiêu phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng nhấn mạnh như vậy và đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thẳng thắn đánh giá kết quả triển khai Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cả kết quả tích cực đạt được, cả những hạn chế, thuận lợi, khó khăn và giải pháp đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết.
P.V
 Không lo khi giá tiêu dùng tăng thấp
Không lo khi giá tiêu dùng tăng thấp

Từ thực tế chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 chỉ tăng 0,55% so với tháng 12/2014, tăng 1% so với cùng kì năm trước và cũng là mức thấp nhất so với cùng kì từ năm 2001 đến nay, các chuyên gia kinh tế lạc quan cho rằng, CPI cả năm nay sẽ tăng thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch 5%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN