Đồng chí Trương Tấn Sang:

Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài

Sáng 30/11, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội X của Đảng, do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức đã khai mạc tại Hà Nội.

Đồng chí Trương Tấn Sang cùng các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thống Nhất - TTXVN


Các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, chủ trì hội nghị.

Dự hội nghị có đại diện các bộ, ban, ngành, đảng ủy, đảng đoàn trực thuộc Trung ương, các tỉnh ủy, thành ủy.

Phát biểu khai mạc, đồng chí Trương Vĩnh Trọng nêu rõ: Đại hội lần thứ X của Đảng đã xác định đấu tranh phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng, là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, là nhiệm vụ của toàn xã hội. Thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng, tháng 7/2006, ngay từ đầu khóa, Hội nghị Trung ương 3 (khóa X) đã ban hành Nghị quyết về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng (PCTN)”. Đây là lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Nghị quyết chuyên đề về phòng, chống tham nhũng, tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị và vai trò, trách nhiệm của Đảng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Trong quá trình chỉ đạo, lãnh đạo, Bộ Chính trị, Ban Bí thư luôn quan tâm đến công tác PCTN. Xuất phát từ yêu cầu thực tế của cuộc PCTN, ngay kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa XII đã ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCTN, trong đó có quy định thành lập BCĐ cấp tỉnh về PCTN. Hàng năm, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc để quán triệt, đánh giá kết quả phòng chống tham nhũng. Hàng năm, Quốc hội đều nghe báo cáo và cho ý kiến về công tác PCTN. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường công tác giám sát về PCTN. Công tác PCTN là một nội dung chính trong các phiên họp thường kỳ của Chính phủ. Các bộ, ngành Trung ương và các cấp ủy, chính quyền, địa phương đã tổ chức nghiêm túc việc quán triệt, triển khai thực hiện công tác PCTN bằng những chương trình, kế hoạch cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện.

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng khẳng định: Với những quyết tâm, nỗ lực cao, trong nhiệm kỳ qua, công tác PCTN đã có chuyển biến tích cực trên cả nhận thức và hành động, đạt được những kết quả nhất định trong phòng ngừa và xử lý hành vi tham nhũng. Trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã được kiềm chế. So với nhiều năm trước đây, quyết tâm và hiệu quả của công tác PCTN đã có bước tiến triển.

Đồng chí Trương Vĩnh Trọng cũng chỉ rõ: Bên cạnh những kết quả nêu trên, công tác PCTN vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, bất cập. Trong công tác PCTN, giữa quyết tâm chính trị và hành động thực tiễn vẫn còn khoảng cách, chưa tạo được sự chuyển biến có tính cơ bản. Hiện nay, tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và có diễn biến phức tạp, tiếp tục diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp. Những hạn chế yếu kém trong công tác PCTN chậm được khắc phục. Tham nhũng chưa được ngăn chặn và từng bước đẩy lùi… như mục tiêu Nghị quyết Trung ương 3 đề ra. Tệ tham nhũng vẫn là vấn đề bức xúc và mối quan tâm của toàn xã hội.

Theo báo cáo, trong 4 năm từ 2007 – 2010, cả nước có 276 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó xử lý hình sự 39 trường hợp, xử lý hành chính 212 trường hợp. Đồng thời, trong nhiệm kỳ qua đã có 2.494 đảng viên, cấp ủy viên tại các đảng bộ tỉnh, thành phố bị thi hành kỷ luật do liên quan đến tham nhũng, lãng phí.

Kết luận hội nghị, đồng chí Trương Tấn Sang chỉ rõ: Trong 5 năm tới, tình hình trong nước và quốc tế có cả thời cơ và thách thức lớn đan xen, trong đó có những mặt diễn biến khó lường. Tham nhũng tiếp tục vẫn là một trong những thách thức lớn, là một trong những nguy cơ mà Đảng ta luôn cảnh báo. Đây là một nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Mỗi cán bộ, đảng viên trong tất cả các tổ chức đảng từ Trung ương đến cơ sở phải thực sự gương mẫu thực hiện và trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh này thì mới xoay chuyển được tình hình. Mỗi cấp ủy, mỗi ngành, mỗi cơ quan, đơn vị cần xác định nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 ( khóa X) kiên quyết phấn đấu đạt mục tiêu: Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội và điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức liêm chính; củng cố lòng tin của nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước phát triển.

Để thực hiện mục tiêu trên, đồng chí Trương Tấn Sang yêu cầu cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm về PCTN trong các cấp, các ngành của hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, đi liền với chương trình hành động và việc làm cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, cá nhân, đơn vị. Đề án đưa nội dung PCTN vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần được khẩn trương triển khai; phát huy vai trò tích cực của báo chí trong PCTN.

Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, các cấp cần xác định đúng vai trò, vị trí công tác PCTN, coi đây là một trong các trọng tâm công tác lớn có tính chất thường xuyên, liên tục. Trước hết phải tự đánh giá đúng thực trạng tình hình tham nhũng trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch về PCTN tại cơ quan, đơn vị mình. Cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu phải là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức và lối sống “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Công tác PCTN trở thành một nội dung kiểm điểm công tác định kỳ của cấp ủy, chính quyền các cấp (tháng, quý, năm) và đưa vào chương trình kiểm tra thường xuyên của cấp ủy. Hàng năm, Quốc hội, HĐND các cấp cần nghe báo cáo và thảo luận về công tác PCTN để thực hiện chức năng giám sát của mình trên lĩnh vực quan trọng này. Lựa chọn cấp ủy viên trực tiếp đảm nhận chức danh Phó trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, phải là những đồng chí có đủ phẩm chất, năng lực, có dũng khí đấu tranh trên mặt trận này. Kết quả thực hiện PCTN là một tiêu chí không thể thiếu được trong việc bình xét thi đua, khen thưởng và phân loại chất lượng đảng viên hàng năm…

Đồng chí Trương Tấn Sang đề nghị sau Đại hội XI của Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương tiếp tục báo cáo và kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) nhiệm kỳ 2011-2015 đưa vào chương trình toàn khóa nội dung tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về công tác PCTN, kịp thời điều chỉnh, bổ sung các giải pháp, chính sách, quy định trên cơ sở tiếp thu các kiến nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương và ý kiến của hội nghị này, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong thời gian tới.

Hương Thủy

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN