Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm việc tại Sơn La

Chiều 31/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Đoàn công tác Chính phủ có buổi làm việc với tỉnh Sơn La về tình hình kinh tế - xã hội và giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng năm 2020.

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Bảy tháng năm 2020, trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đồng thời bị hạn hán, mưa đá, động đất, song tỉnh Sơn La đã thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép”: vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh và khắc phục hậu quả thiên tai.

Sáu tháng đầu năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng trưởng dương 0,03% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, chú trọng xây dựng thương hiệu và đảm bảo an toàn thực phẩm. Toàn tỉnh hiện có trên 72.000 ha cây ăn quả; trong đó 10.000 ha được cấp Giấy chứng nhận VietGAP, cấp mã vùng trồng, sản lượng quả như xoài, nhãn, bơ, thanh long, chanh leo…

Tỉnh tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh thương mại điện tử và kết nối tiêu thụ trong nước các sản phẩm mận, xoài, bơ, thanh long, chanh leo…; đã xuất khẩu 30 tấn xoài sang thị trường Mỹ, 12 tấn thanh long ruột đỏ sang thị trường Nga. Giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu 7 tháng đầu năm 2020 của tỉnh ước đạt 65,5 triệu USD. Các lĩnh vực an sinh xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện. An ninh, quốc phòng, đối ngoại được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.   

Về giải ngân vốn đầu tư, tính đến 31/7/2020, tổng số vốn đã giải ngân của tỉnh Sơn La đạt gần 2.370 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch năm 2020, đứng thứ 11 trên 63 tỉnh, thành phố. Năm 2019, Sơn La triển khai 9 chương trình, dự án ODA với tổng kế hoạch vốn ODA là 393,333 tỷ đồng; 15 dự án/khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng vốn khoảng 3,2 triệu USD... 

Để triển khai hiệu quả chủ trương của Chính phủ về mục tiêu “kép”, vừa đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch, vừa đẩy mạnh phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt kết quả cao nhất, tỉnh Sơn La đã đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, tạo điều kiện để địa phương tiếp cận các nguồn vốn của Chính phủ, nhà tài trợ, các tổ chức phi Chính phủ, nhà đầu tư; tăng cường quan hệ với các tổ chức song phương, đa phương để tiếp nhận thông tin, thu hút các nguồn vốn ODA, NGO, FDI, nhất là các lĩnh vực đầu tư phát triển năng lượng tái tạo như: điện mặt trời, điện gió, lĩnh vực chế biến nông sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển du lịch…

Tỉnh Sơn La đề nghị Bộ Tài chính xem xét điều chỉnh cơ chế giải ngân của dự án cấp điện nông thôn từ điện lưới quốc gia tỉnh Sơn La năm 2020 từ hình thức ghi thu, ghi chi sang cơ chế tài chính trong nước. Bộ Tài chính trình Chính phủ điều chỉnh cơ chế tài chính cho phép địa phương thực hiện cơ chế tài chính trong nước đối với dự án nâng cấp và hiện đại hóa trang thiết bị y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải và các bộ, ngành Trung ương xem xét thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án đầu tư tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La) theo hình thức đối tác công tư PPP.

Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tạo, điều kiện đẩy mạnh quảng bá xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, kết nối với các đối tác để xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Sơn La.

Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét trình Chính phủ phê duyệt chủ trương nâng cấp Cửa khẩu Lóng Sập thành cửa khẩu Quốc tế, hỗ trợ địa phương nguồn kinh phí đầu tư thực hiện dự án trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025… 

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và đoàn công tác làm việc với tỉnh Sơn La. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh biểu dương, đánh giá cao tỉnh Sơn La đã có những nỗ lực trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, công tác đối ngoại được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; nhất là việc kiểm soát tốt đường biên giới, phòng, chống dịch COVID-19. Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng của tỉnh, với nhiều mặt hàng có thương hiệu.

Về giải ngân, mặc dù tỉnh Sơn La đạt tỷ lệ giải ngân cao, song Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương cần hết sức lưu ý thúc đẩy giải ngân cho các dự án sử dụng vốn ODA bảo đảm hiệu quả, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế và bảo đảm an ninh quốc phòng. Sơn La cần tìm mọi giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khơi thông những tiềm năng lớn về phát triển như sản xuất nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch... nhằm đa dạng hóa nguồn thu ngân sách địa phương, giảm phụ thuộc vào thủy điện.

Phó Thủ tướng đã cho ý kiến về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Sơn La; đồng thời, giao các bộ, ngành liên quan rà soát, kiểm tra, nghiên cứu và sớm báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết.    

Chú thích ảnh
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và đoàn công tác thăm Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Nhà tù Sơn La. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Dịp này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã thăm, tặng quà một số hộ gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách, gia đình thương binh trên địa bàn thành phố Sơn La.

Nguyễn Cường (TTXVN)
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án giao thông vận tải
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án giao thông vận tải

Ngày 30/7, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi làm việc với Bộ Giao thông Vận tải về tình hình triển khai các dự án quan trọng ngành giao thông vận tải nhằm kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đối với các dự án của ngành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN