Phiên họp thứ 7 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIII): Đầu tư cho tam nông đạt được nhiều thành tựu

Sáng 18/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về Báo cáo giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn”.

Mục đích chính của cuộc giám sát là đánh giá tình hình ban hành và thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn từ năm 2006 đến 2011; làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, vướng mắc; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, từ đó đưa ra các đề xuất, kiến nghị nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và thực hiện có hiệu quả hơn.

Kết quả giám sát cho thấy: Đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, góp phần vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Việc huy động vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn giai đoạn 2006 - 2010 và năm 2011 đã từng bước được cải thiện; cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được ưu tiên đầu tư và ngày càng hoàn thiện, tác động tích cực cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, cải thiện diện mạo nông thôn. Việc đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp được chú trọng đã tác động tích cực đến sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu khác đã đạt được nhiều kết quả to lớn trong giảm nghèo, phát triển bền vững; phương thức hoạt động của các hợp tác xã bước đầu được đổi mới, phù hợp hơn với cơ chế thị trường.

Tuy vậy qua giám sát cũng cho thấy, nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn còn thiếu so với yêu cầu, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, chưa huy động được nguồn lực đầu tư của toàn xã hội. Công tác lập và thực hiện quy hoạch còn hạn chế, chưa sát với thực tế; vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài, hiệu quả sử dụng vốn chưa cao; một số nơi còn xảy ra sai phạm trong quản lý đầu tư. Bên cạnh đó, dù công tác xóa đói giảm nghèo đã đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng chưa thực sự bền vững, nguy cơ phát sinh nghèo và tái nghèo vẫn ở mức cao; cơ sở hạ tầng mặc dù đã được tăng cường đầu tư nhưng nhiều khu vực vẫn còn khó khăn.

Đoàn giám sát đã kiến nghị Quốc hội, UBTVQH, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch; phân bổ nguồn vốn đầu tư công hợp lý; rà soát, nâng mức hỗ trợ kinh phí, có kế hoạch bố trí nguồn lực để triển khai tốt các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu, dự án hỗ trợ có mục tiêu khác; đổi mới nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đầu tư công…

Khuyến khích phát triển các hợp tác xã

Chiều 18/4, UBTVQH đã cho ý kiến lần đầu về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Theo Tờ trình về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Hợp tác xã đã được Quốc hội thông qua năm 2003, có hiệu lực thi hành từ năm 2004 đã bước đầu giúp cho việc tổ chức lại và khuyến khích thành lập mới hợp tác xã (HTX) trên toàn quốc. Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, Luật Hợp tác xã năm 2003 chưa thể hiện rõ bản chất và sự khác biệt về bản chất giữa tổ chức HTX với doanh nghiệp, các tổ chức xã hội - từ thiện; Chưa thể hiện rõ tính chất phục vụ xã viên của tổ chức HTX theo tinh thần Nghị quyết 13 Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã đề ra; chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành, UBND các cấp trong việc giám sát, kiểm tra, thi hành luật và chính sách đặc thù khuyến khích phát triển HTX cũng chưa được quy định cụ thể trong luật…

Xung quanh chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước đối với HTX có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, qua thảo luận các đại biểu đã đề nghị quy định chính sách ưu đãi thuế đối với một số ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của HTX, không quy định chính sách ưu đãi chung đối với tất cả các loại hình HTX, nhằm tránh sự lợi dụng danh nghĩa HTX, trá hình HTX để hưởng chính sách ưu đãi.

Liên quan đến bản chất của tổ chức HTX, cũng có nhiều ý kiến còn khác nhau. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX phải được thực hiện như hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp để HTX có thu nhập, tạo việc làm, mang lại lợi ích cho thành viên, nâng cao năng lực cạnh tranh của HTX, nhưng khác nhau căn bản về mục đích thể hiện, đó là HTX hoạt động mang lợi ích cho thành viên hiệu quả hơn so với từng thành viên đơn lẻ tự thực hiện, còn doanh nghiệp hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận.

Về quy định HTX góp vốn, mua cổ phần, thành lập công ty, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần quy định rõ các tiêu chí để xác định việc thành lập công ty, nhằm mục tiêu hỗ trợ tiêu thụ, cung cấp sản phẩm dịch vụ phục vụ HTX, tránh tình trạng những công ty hoạt động trái với mục đích thành lập và bản chất của HTX.
Liên quan đến tài sản và xử lý tài sản khi giải thể HTX, theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, trường hợp HTX giải thể, chấm dứt hoạt động sẽ phải chuyển tài sản cho các tổ chức phục vụ cộng đồng hoặc chính quyền địa phương quản lý.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN