Ngày 22/5 sẽ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII

Chiều 6/1, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nghe, cho ý kiến vào Tờ trình về việc công bố ngày bầu cử, việc thành lập Hội đồng bầu cử và tiểu ban giúp việc Hội đồng bầu cử.

Theo Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Phạm Minh Tuyên, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 sẽ diễn ra vào chủ nhật, ngày 22/5/2011. Dự kiến ngày công bố Nghị quyết của UBTVQH về ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 và việc thành lập Hội đồng bầu cử Trung ương trước 120 ngày, tức là vào ngày 21/1/2011.

Dự kiến thành phần Hội đồng bầu cử, tổng số là 21 người, bao gồm Chủ tịch Quốc hội là Chủ tịch Hội đồng bầu cử; cùng các Phó Chủ tịch từ cơ quan Chủ tịch nước, Chính phủ, Quốc hội; các ban, ngành, đoàn thể, hội trung ương. Theo đó, tiểu ban giúp việc Hội đồng bầu cử gồm: Tiểu ban chỉ đạo giải quyết khiếu nại, tố cáo về bầu cử, có 13 người do Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu là Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban tuyên truyền bầu cử, có 17 người do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên làm Trưởng Tiểu ban; và Tiểu ban chỉ đạo công tác đảm bảo an ninh, trật tự - an toàn xã hội, tổng số 9 người do Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn làm Trưởng Tiểu ban.

Tại phiên họp, các ý kiến đều thống nhất cao với nội dung Tờ trình do Ban công tác đại biểu trình về việc công bố ngày bầu cử, dự kiến thành phần Hội đồng bầu cử và các tiểu ban giúp việc Hội đồng bầu cử.

Trước đó, buổi sáng cùng ngày, UBTVQH đã họp và cho ý kiến vào việc tiếp thu chỉnh lý dự án Luật Thủ đô.

Đa phần các ủy viên UBTVQH đều thống nhất cho rằng Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính của quốc gia, vì vậy cần có những cơ chế, chính sách đặc thù để Thủ đô xây dựng và phát triển. Tuy nhiên, các cơ chế, chính sách đặc thù cụ thể như thế nào thì vẫn còn có những ý kiến khác nhau trong UBTVQH.

Về quy định “Thủ đô được sử dụng toàn bộ khoản thu ngân sách trung ương vượt dự toán (trừ một số khoản thu) để đầu tư xây dựng, phát triển Thủ đô”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển không tán thành vì việc xây dựng dự toán hiện nay chưa sát thực, nếu lập quá cao thì tăng thu lại không được bao nhiêu, trong khi Trung ương vẫn có cơ chế riêng cho Hà Nội.

Ông Hiển cho rằng nên để Luật Ngân sách quy định đối với những nơi đặc thù, thực hiện thống nhất theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để đảm bảo sự công bằng với các địa phương khác. Quan điểm này nhận được sự đồng tình của Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận. Luật Ngân sách đã quy định cơ chế chính sách đặc thù cho Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nên không cần phải đưa vào dự thảo Luật Thủ đô.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền, các Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Uông Chu Lưu đều thống nhất quan điểm cho Thủ đô được giữ lại toàn bộ khoản vượt thu bởi đây là nguồn lực để đảm bảo phát triển Thủ đô. Luật Ngân sách quy định chưa rõ, chưa cụ thể cho Thủ đô về vấn đề này thì Luật Thủ đô sẽ quy định rõ hơn. Chủ nhiệm UB Kinh tế Hà Văn Hiền đề nghị cho Thủ đô được giữ lại phần vượt thu ngân sách hàng năm nhưng không nên đặt vấn đề mãi mãi mà có thời gian khoảng 10 năm, sau đó điều chỉnh bổ sung cho phù hợp.

Về vấn đề quản lý dân cư, nhiều ủy viên UBTVQH còn tỏ ý băn khoăn có hay không quy định đặc thù về vấn đề này. Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng cho rằng nếu dễ dãi thoải mái để đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân sẽ tạo gánh nặng cho các thành phố lớn, nhưng nếu đưa ra những tiêu chuẩn khắt khe về cấp giấy cư trú thì trên thực tế, biện pháp này chưa chắc đã giải quyết được vấn đề di cư, nhập cư.

Nếu áp dụng các quy định này trong Luật Thủ đô cần tính toán đến một loạt các luật khác như: Luật Nhà ở, Luật cho người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam… xem có vướng không, có phải sửa luật nào khác không, phải đặt ra vấn đề tổng thể… Còn Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường khẳng định không thể dùng Luật Cư trú hiện nay để quản lý thường trú ở nội thành bởi luật này vận dụng khá rộng rãi, nếu vận dụng cả với nội thành Thủ đô Hà Nội thì rất khó.

Dân cư nội thành phải được bố trí hợp lý, phù hợp với hạ tầng kinh tế, xã hội, không thể để các doanh nghiệp sản xuất tùy tiện vào nội thành, hay việc cho ở nhờ với diện tích 5 m2, do đó, cần phải quy định những điểm khác đi so với Luật Cư trú để quản lý việc nhập cư vào nội thành.

Các vấn đề về quy định mức phí xử phạt tiền, vấn đề quy hoạch Thủ đô cũng nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá đây là một dự án luật khó, UBTVQH sẽ lĩnh hội các ý kiến đóng góp và chỉ đạo các cơ quan tiếp thu, hoàn chỉnh lại, kịp trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN