Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

Ngày 17/9, tại thành phố Hải Dương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã tổ chức hội thảo “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội”.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo.

Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Phúc, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Hải Dương chia sẻ, giám sát và phản biện xã hội là nhiệm vụ quan trọng trong tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Tại Hải Dương, qua 5 năm triển khai, công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác này cũng đã bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Hội thảo nhằm đánh giá đúng thực tế; tìm ra nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội; góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội.

Ông Lương Văn Cầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, trong 5 năm qua, các cơ quan nhà nước đã phối hợp, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tổ chức 480 cuộc giám sát tại 649 đơn vị với các nội dung giám sát tập trung vào thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách pháp luật của nhà nước; chế độ chính sách, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Từ năm 2014 đến nay, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã tổ chức 10 hội nghị phản biện đối với 16 dự thảo văn bản của tỉnh liên quan đến quyền và lợi ích của nhân dân. Hàng năm, đoàn đại biểu Quốc hội, thường trực HĐND, lãnh đạo UBND và Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã làm tốt việc tổ chức hội nghị đánh giá quy chế phối hợp…

Ông Nguyễn Đình Xiển, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hải Dương cho biết, công tác giám sát, phản biện xã hội trên địa bàn vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như: Ở một số nơi, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền về hoạt động giám sát, phản biện xã hội còn hạn chế nên chưa quan tâm tạo điều kiện cho Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã chưa chủ trì được các cuộc giám sát độc lập; việc theo dõi, đôn đốc xử lý các kiến nghị sau giám sát chưa kịp thời. Năng lực tổ chức giám sát đầu tư cộng đồng còn hạn chế; việc phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với chính quyền cùng cấp chưa chặt chẽ; năng lực của cán bộ Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp huyện và cơ sở còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò của Ban tư vấn, của đội ngũ cán bộ, chuyên gia có năng lực…

Dự hội thảo, ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề nghị, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh cần có kế hoạch tổ chức giám sát, phản biện hàng năm để tránh chồng chéo với các cuộc giám sát của cấp ủy, HDND, UBND các cấp; phản ánh các kiến nghị của người dân đến cấp ủy, chính quyền để có giải pháp giải quyết kịp thời. Mặt trận Tổ quốc các cấp cần gắn nhiệm vụ giám sát với các chương trình hành động; phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân ở cơ sở như Ban thanh tra nhân dân, giám sát cộng đồng, người cao tuổi, người có uy tín để kịp thời phản ánh các kiến nghị, bức xúc của người dân đến các cơ quan có thẩm quyền...

Chú thích ảnh
Đại diện Ủy ban MTTQ xã Minh Đức, huyện Tứ Kỳ, Hải Dương tham luận tại Hội thảo. 

Để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền tại Hải Dương, trong thời gian tới, ông Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương đề nghị: Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và thực hiện nghiêm túc Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, của tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong việc phối hợp giám sát và chịu sự giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, phát huy tốt dân chủ trong nhân dân. Các cấp đề cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền đối với việc tạo điều kiện đảm bảo cho Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia giám sát phản biện xã hội; góp ý xây dựng đảng, xây dựng chính quyền; nghiêm túc xử lý, giải quyết các kết quả kiến nghị sau giám sát và phản biện xã hội.

Cùng với đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tăng cường phối hợp với chính quyền các cấp, ngành trong triển khai các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về thực hiện giám sát và phản biện xã hội. Cấp ủy các cấp cần chủ động chỉ đạo, định hướng chương trình, kế hoạch hoạt động giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong chương trình công tác hàng năm; coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tập trung vào những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn mà cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm; kịp thời bổ sung nội dung giám sát, phản biện xã hội (khi có yêu cầu); tích cực tham gia ý kiến xây dựng đảng, xây dựng chính quyền. Ban Dân vận các cấp cần chủ động tham mưu cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền tổ chức tiếp xúc đối thoại trực tiếp với nhân dân; nhất là tăng cường tổ chức tiếp xúc đối thoại đột xuất và theo chuyên đề nhằm phát huy dân chủ, kịp thời phát hiện, chỉ đạo xử lý những vấn đề phức tạp, nổi cộm ngay từ cơ sở; định kỳ báo cáo cấp ủy, chính quyền các cấp về tình hình nhân dân và những ý kiến tham gia góp ý.

Đồng thời, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị cần thường xuyên nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ về giám sát, phản biện xã hội cho đội ngũ cán bộ các cấp; chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên, tình hình nhân dân để kịp thời phản ánh, đề xuất với cấp ủy, chính quyền kịp thời giải quyết những kiến nghị, đề xuất, không để xảy ra tình trạng bức xúc, dẫn đến điểm nóng ở địa phương. Định kỳ hàng năm, Mặt trận Tổ quốc chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, hội nghị giao ban, đối thoại; phản ánh và phối hợp giải quyết kịp thời, dứt điểm các ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân ngay từ cơ sở...

Tin, ảnh: Mạnh Tú (TTXVN)
Nhiều ý kiến phản biện về công nghệ làm sạch nước sông Tô Lịch của Nhật Bản
Nhiều ý kiến phản biện về công nghệ làm sạch nước sông Tô Lịch của Nhật Bản

Xung quanh việc Công ty Cổ phần đầu tư môi trường Nhật Việt (JVE) của Nhật Bản thử nghiệm công nghệ Nano - Bioreactor để làm sạch nước ô nhiễm tại một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây trong tháng 7/2019 bước đầu cho kết quả khả quan và đề xuất nhân ra diện rộng; vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều bày tỏ sự nghi ngại về phương pháp này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN