'Lời kêu gọi hành động Hà Nội' - Vì sự phát triển toàn diện của trẻ em

Ngày 6/12, tại Hà Nội đã diễn ra phiên bế mạc Hội nghị phát triển toàn diện trẻ em khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 9. Hơn 600 đại biểu đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ, 44 tổ chức quốc tế đã thống nhất đưa ra “Lời kêu gọi hành động Hà Nội” nhằm đảm bảo phát triển toàn diện trẻ em.

Trong bốn ngày làm việc (từ 3-6/12), các đại biểu đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng tác động đến phát triển toàn diện trẻ em, từ việc ban hành khung pháp lý, xây dựng chiến lược, chính sách, phân bổ nguồn lực đến các giải pháp kỹ thuật.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam Lê Văn Thanh phát biểu tại Lễ bế mạc Hội nghị. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, tại phiên cấp cao của Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận chia sẻ kinh nghiệm, bài học về thực hiện phát triển toàn diện trẻ em tại các quốc gia trong khu vực với nhiều thành tựu nhưng vẫn còn không ít thách thức. Tại nhiều quốc gia, vấn đề phát triển toàn diện trẻ em đã được sự quan tâm của nghị viện, quốc hội, chính phủ bằng việc trong hiến pháp, pháp luật. Đặc biệt, vấn đề đầu tư nguồn lực đã được nhiều đại biểu cấp cao quan tâm thảo luận.  

Đặc biệt, các đại biểu đã cùng nhau gióng lên hồi chuông cảnh báo về ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu, xung đột vũ trang, thiếu sự chăm sóc do di cư đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển toàn diện trẻ em, đặt các quốc gia trước sự lựa chọn chiến lược, giải pháp để trẻ em có sự phát triển chất lượng, thân thiện nhất.

Hội nghị đã khẳng định tầm quan trọng của phát triển toàn diện trẻ em nhằm đảm bảo và nâng cao hơn nữa việc thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Đặc biệt, việc phối hợp liên ngành, sự hợp tác đa ngành, đa lĩnh vực, đa quốc gia và cấp độ khu vực được khẳng định như bài học tiên quyết.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ: "Đây là Hội nghị đầu tiên chúng ta cùng nhau xây dựng và thống nhất lời kêu gọi hành động thực hiện phát triển toàn diện trẻ em trong khu vực với sự  chứng kiến của trẻ em"; đồng thời bày tỏ hy vọng "Lời kêu gọi hành động Hà Nội" sẽ được chọn như sự ưu tiên về những giải pháp và hành động cần thúc đẩy; là cơ sở quan trọng cho sự hợp tác các quốc gia trong khu vực về phát triển toàn diện trẻ em trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội sẽ giúp Chính phủ hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức để thúc đẩy việc thực hiện “Lời kêu gọi hành động Hà Nội”. Cụ thể, tập trung thúc đẩy phối hợp liên ngành; tiếp tục rà soát và sửa đổi, bổ sung các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ gia đình và trẻ em, ưu tiên các chính sách thúc đẩy phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời; phát triển Chương trình tư vấn, giáo dục làm cha mẹ về phát triển toàn diện trẻ em những năm đầu đời; quan tâm đến các giải pháp để hạn chế tối đa các ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển trẻ thơ như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, di cư, bất bình đẳng của trẻ em ở các vùng khó khăn.

Chú thích ảnh
Quang cảnh phiên bế mạc. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN

Trong “Lời kêu gọi hành động Hà Nội”, các đại biểu đều thống nhất ưu tiên đầu tư nguồn lực, đặc biệt là đầu tư vào trẻ em, nhằm xây dựng nền tảng vững chắc cho xã hội vững mạnh và kinh tế phát triển trong khu vực, phù hợp với các mục tiêu của Công ước Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, các Mục tiêu Phát triển bền vững và kế hoạch phát triển của các nước.

Các đại biểu đều thống nhất về việc để trẻ em có thể phát huy hết tiềm năng của mình thì chất lượng môi trường xung quanh đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là môi trường gia đình, cộng đồng, môi trường sống và các chính sách, chương trình ảnh hưởng đến các em. Do đó, các đại biểu đã cùng thống nhất phối hợp liên ngành để thúc đẩy môi trường an toàn, nuôi dưỡng, bền vững và liên tục cho trẻ em bằng những hành động liên quan đến 4 lĩnh vực: môi trường chính sách, gia đình, cộng đồng và môi trường sống.

Trong đó, cần đặt trẻ em vào trung tâm của các chính sách quốc gia và địa phương cũng như trung tâm của việc đầu tư nguồn lực và xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo trẻ em được bảo vệ khỏi bị lạm dụng, tai nạn thương tích và tất cả các hình thức bóc lột lao động khác; giảm thiểu việc trẻ em phải tiếp xúc với những nguy cơ trong đời sống; lắng nghe tiếng nói của trẻ em trong những vấn đề liên quan đến các em. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức của cha mẹ về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường, hỗ trợ gia đình tự bảo vệ; hỗ trợ thay đổi hành vi, tăng cường giáo dục làm cha mẹ một cách toàn diện…

Minh Huệ (TTXVN)
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đổi mới trong việc hỗ trợ trẻ em gặp khó
Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đổi mới trong việc hỗ trợ trẻ em gặp khó

Theo thông tin từ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam ngày 27/11, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Chủ tịch Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, đã chủ trì cuộc họp Hội đồng bảo trợ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN