Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII: Thảo luận ba dự án luật

Ngày 16/11, Quốc hội thảo luận về các dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi).

Ưu tiên bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Sáng 16/11, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, các đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cao nhất cho hoạt động này; bảo đảm quyền được bảo vệ sức khỏe của người không hút thuốc lá cũng như quyền và nghĩa vụ của người hút. Tuy nhiên, nhiều đại biểu còn tỏ ra băn khoăn về tính khả thi của một số quy định trong dự thảo Luật.

Bà Ma Thị Thúy, đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang, phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân - TTXVN

Các đại biểu như Trương Thị Yến Linh (Cà Mau), Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Nguyễn Hoàng Việt (Đồng Tháp), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)... cho rằng, một số quy định như: Địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn; trách nhiệm của người đứng đầu địa điểm cấm hút thuốc lá; không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi... còn chung chung và khó thực hiện. Thực tế, nhiều khuôn viên ngoài trời nhưng có diện tích rộng, có nơi 5-7 ha, nếu cấm hoàn toàn sẽ rất khó kiểm soát và thiếu bình đẳng; đề nghị quy định theo hướng mở là hình thành các nhà hút thuốc dành cho những người có nhu cầu. Quy định “người đứng đầu địa điểm cấm hút thuốc lá có quyền yêu cầu chấm dứt việc hút thuốc lá, yêu cầu người vi phạm ra khỏi cơ sở của mình và thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý” là khó thực thi và chưa đủ mạnh, cần có chế tài về mức xử phạt cụ thể và giao thẩm quyền cho người đứng đầu địa điểm. Còn quy định cấm người dưới 18 tuổi mua thuốc lá khó khả thi vì thực tế, không kiểm soát được việc kiểm tra chứng minh nhân dân để xác định độ tuổi của người mua, nhất là trong tình hình thuốc lá được bán tràn lan trong các cửa hàng, siêu thị, trên vỉa hè như hiện nay. Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Nguyễn Hoàng Việt (Đồng Tháp) đặt vấn đề: Phụ nữ, trẻ em trong gia đình có người chồng, người cha hút thuốc lá, hoặc nhân viên trong đơn vị có lãnh đạo hút thuốc lá sẽ làm như thế nào để thực hiện quyền của mình đã được quy định trong Luật?

Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) nhấn mạnh: Hút thuốc lá là hành vi hợp pháp, liên quan đến quyền con người, tuy nhiên đại bộ phận người dân trong đó đa phần là phụ nữ, trẻ em cũng có quyền được sống trong bầu không khí không khói thuốc, được sống khỏe mạnh, an toàn. Quyền đó phải được ưu tiên so với lợi ích, sở thích cá nhân của một bộ phận. Các đại biểu đều tán thành với yêu cầu in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá bằng chữ và hình ảnh rõ ràng, dễ nhìn, chiếm ít nhất 50% diện tích của mỗi mặt chính trước và sau trên tất cả các vỏ bao thuốc lá. Nhiều đại biểu nhất trí: Nguồn lực để phòng chống tác hại thuốc lá là điều kiện quan trọng để thực hiện có hiệu quả những chính sách và mục tiêu đề ra và ủng hộ việc cần thiết tăng cường nguồn lực cho công tác này. Tuy nhiên, các đại biểu cũng còn những ý kiến khác nhau về việc hình thành Quỹ phòng chống tác hại thuốc lá và nguồn thu của quỹ.

Cần quy định hợp lý độ tuổi nghỉ hưu của lao động nữ

Chiều 16/11, thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đều cho rằng cần quy định hợp lý độ tuổi nghỉ hưu của phụ nữ sao cho phù hợp với các đặc thù lao động, vùng miền, nghề nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Thanh (Quảng Nam) đề nghị, Bộ luật Lao động (sửa đổi) nên bổ sung quy định về việc ưu tiên đối với lao động nữ có thai trong vòng ba tháng đầu hoặc sau 7 tháng thai kỳ vì trong thời kỳ này rất nhạy cảm với sức khỏe, nếu phải đi công tác rất nguy hiểm cho sức khỏe. Đại biểu cho rằng, khi quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với nữ, nên phân theo nhóm, vùng miền cho phù hợp.

Theo đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh), việc ban hành Bộ luật Lao động không chỉ thuần túy là vấn đề xã hội mà còn phải được cân nhắc ảnh hưởng về mặt kinh tế bởi lao động là đội ngũ trực tiếp sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội. Khi quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với lao động nữ phải đảm bảo được quyền lợi của người lao động; đồng thời có tính ổn định, lâu dài tránh phải sửa đổi nhiều lần. Những phụ nữ làm công việc nặng nhọc thì cần được nghỉ hưu sớm, ngược lại những phụ nữ làm công tác nghiên cứu, tham mưu, tổng hợp thì nên được kéo dài thời gian công tác để tận dụng kiến thức đóng góp cho xã hội. Đại biểu Phúc đề nghị dự thảo luật nên quy định theo hướng, nam và nữ đều làm việc đến đủ 60 tuổi rồi nghỉ. Đối với những trường hợp lao động nặng nhọc thì nam có thể nghỉ hưu ở 55 tuổi, nữ có thể nghỉ ở độ tuổi 50.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) đề nghị Quốc hội cần quan tâm đến điều kiện để được nghỉ hưu là phải đóng bảo hiểm đủ thời hạn 20 năm. Theo đại biểu, quy định này chi phối mạnh mẽ việc nghỉ hưu đối với lao động nữ. Đại biểu Hòa dẫn chứng, nhiều trường hợp, lao động nữ đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đóng đủ 20 năm bảo hiểm, muốn xin đóng trước thì ngành Bảo hiểm không cho phép, vì vậy, không thể nghỉ hưu theo chế độ được. Đây là điều bất hợp lý.

Đại biểu Hòa cũng đề nghị Chính phủ cần tích cực chỉ đạo việc hỗ trợ thai sản đối với lao động nữ trong lĩnh vực nông nghiệp khi sinh nở vì đây là nhóm lao động yếu thế trong xã hội.

Cũng trong buổi chiều, thảo luận về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đồng tình cao với việc cần ban hành Luật, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Cho rằng việc ban hành Luật Công đoàn (sửa đổi) là rất cần thiết, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) cho rằng, không nên quy định bắt buộc điều kiện thành lập tổ chức công đoàn khi phải có đủ 20 lao động vì nếu quy định như vậy sẽ có rất nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện, điều này dẫn đến rất nhiều người lao động thiệt thòi vì không có tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi.

Thanh Hòa- Quang Vũ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN