Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIII: Tăng cường hiệu quả đầu tư cho “tam nông”

Đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) trong thời gian qua đã nhận được sự quan tâm lớn của Đảng và Nhà nước, bộ mặt nông thôn đã thay đổi toàn diện, đời sống kinh tế - xã hội của khu vực nông thôn đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện những chủ trương chính sách về đầu tư công cho tam nông, có nhiều vấn đề nảy sinh cần điều chỉnh và tăng cường đầu tư công hơn nữa vào khu vực này. Vấn đề này cũng được làm các đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên thảo luận tại Hội trường ngày 5/6/2012.


Đầu tư đồng bộ trên nhiều lĩnh vực


Theo báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, giai đoạn 2006-2011, tổng vốn đầu tư công cho tam nông từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ là 432.787 tỷ đồng, chiếm gần một nửa tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, trong đó: Đầu tư cho phát triển sản xuất các ngành nông, lâm, ngư nghiệp là 153.548 tỷ đồng; Đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở nông thôn là 279.240 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk, phát biểu ý kiến.
Ảnh: Doãn Tấn-TTXVN


Sau khi Nghị quyết Trung ương lần thứ 7 (khóa X) được ban hành, đầu tư cho tam nông đã được quan tâm nhiều hơn và mức đầu tư đã tăng lên rõ rệt. Trong giai đoạn 2009-2011, mức đầu tư cho khu vực này tăng lên theo từng năm, tổng vốn đầu tư bố trí cho lĩnh vực này trong 3 năm là 286.212 tỷ đồng, bằng 52,3% tổng vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu chính phủ, gấp 1,95 lần so với trước khi có Nghị quyết (giai đoạn 2006-2008).


Bên cạnh đó, hàng năm Nhà nước còn bố trí nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương mỗi năm từ 7 đến 8 ngàn tỷ đồng chủ yếu dành cho xử lý hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, lụt bão, dịch bệnh,…; chi hơn 2 ngàn tỷ đồng hỗ trợ nông dân thông qua chính sách miễn, giảm thuế nông nghiệp và khoảng 8 ngàn tỷ đồng vốn thu từ xổ số kiến thiết tập trung cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.


Cũng theo báo cáo, nhờ có sự quan tâm đầu tư cho tam nông, bộ mặt nông thôn đã có sự thay đổi lớn, trong đó có một số lĩnh vực tiêu biểu tạo nên sự thay đổi rõ rệt như:


Hệ thống thủy lợi với nhiều công trình quan trọng đã và đang được đầu tư xây dựng góp phần tăng cường năng lực tưới tiêu, phát triển sản xuất nông nghiệp. Đến nay, tổng năng lực tưới thiết kế của các hệ thống thủy lợi đạt khoảng 3,45 triệu ha đất canh tác.


Hạ tầng giao thông nông thôn đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư và đạt được kết quả rất quan trọng, đã có mạng lưới giao thông với các phương thức vận tải được phân bổ tương đối hợp lý trên khắp mọi miền đất nước, tạo ra sự liên hoàn từ quốc lộ, tỉnh lộ, đường huyện, đường xã, đường thôn bản. Đến 2011 cả nước có 8.940 xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, chiếm 98,6% tổng số xã.


Hệ thống chợ nông thôn đã từng bước được quy hoạch hợp lý, tạo điều kiện đi lại, mua bán thuận lợi cho người dân. Đến năm 2011, hệ thống chợ cả nước tiếp tục phát triển, tổng số chợ đến cuối năm 2011 là 8.729 chợ, trong đó chợ nông thôn chiếm khoảng 78%. Trụ sở làm việc, nhà văn hóa xã, thôn, sân vận động, công viên, nhà ở nông thôn... đã từng bước được xây dựng khang trang, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn theo hướng hiện đại.

Dự án nâng cấp đê bờ bắc sông Dinh thuộc địa bàn thành phố Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận), đang khẩn trương thi công sớm đưa vào sử dụng trước mùa mưa bão 2012. Ảnh: Đình Huệ - TTXVN


Hệ thống y tế ở nông thôn cũng được đặc biệt quan tâm đầu tư mở rộng và nâng cấp về chất lượng. Năm 2011 có 40% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã (theo chuẩn mới áp dụng cho giai đoạn 2011-2020). Để phục vụ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng nông thôn tốt hơn, hệ thống y tế cơ sở tiếp tục được chú ý và mở rộng đến cấp thôn. Theo kết quả điều tra, đến năm 2011 có 94,2% số thôn có cán bộ y tế thôn (năm 2006 có 89,2%).


Hệ thống trường lớp học: Đến năm 2011 có 9.029 xã (99,5%) có trường tiểu học (năm 2006: 99,3%). Cùng với sự phát triển của hệ thống trường tại cấp xã, các cơ sở nhà trẻ, mẫu giáo phát triển, mở rộng đến cấp thôn, đến nay có 45,5% số thôn có lớp mẫu giáo; 15,6% số thôn có nhà trẻ.


Kết quả thực hiện các chương trình giảm nghèo trong giai đoạn 2006-2011 đã góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới, an sinh xã hội vẫn được đảm bảo (năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo nông thôn còn 9,45%, giảm 12% so với 2006). Người nghèo đã được hỗ trợ cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập; một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (nhà ở, nước sinh hoạt, khám chữa bệnh, học tập,…).


Sau hai năm thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, cả nước đã tổ chức dạy nghề cho 798.240 người theo chính sách của Đề án, trong đó: 46% học các nghề nông nghiệp và 54% học các nghề phi nông nghiệp; có 32,6% là đối tượng 1, 10,6% là đối tượng 2, còn lại là đối tượng lao động nông thôn khác; 54/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ việc làm sau đào tạo nghề đạt trên 70%.


Chương trình xây dựng nông thôn mới sau hơn 1 năm triển khai đã cho thấy nhiều kết quả tích cực. Nhận thức về nông thôn mới đã có nhiều chuyển biến. Qua giám sát cho thấy, đến nay cả 63 tỉnh, thành phố đều đã hoàn thành việc đánh giá sơ bộ thực trạng nông thôn mới theo 19 tiêu chí. Kết quả, cả nước đã có một số ít xã đạt 19 tiêu chí. Đến hết năm 2011 có khoảng 52% số xã đang tiến hành lập đề án xây dựng nông thôn mới, trong đó có 2.820 xã (chiếm 31%) đã phê duyệt xong…


Nhiều hạn chế trong quản lý, đầu tư


Bà Nguyễn Thu Anh, đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, cho biết nhiều vấn đề liên quan đến đầu tư công cho tam nông cần phải điều chỉnh. Cơ chế phân cấp về quyết định đầu tư và phân bổ vốn còn thiếu các biện pháp đồng bộ, thiếu kiểm tra, kiểm soát, dẫn đến tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án đầu tư mà không tính đến khả năng về nguồn vốn. Những hạn chế, tồn tại, vướng mắc này đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho tam nông. “Đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai để khắc phục những hạn chế, bất cập; quy hoạch lại việc sử dụng đất, rà soát việc sử dụng đất đai trên phạm vi toàn quốc; xác định cho được quỹ đất cơ bản dành cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là đất lúa. Bên cạnh đó, đảm bảo công bằng trong việc thu hồi đất; hoàn hợp lý, công bằng cho người dân; khẳng định chủ trương giao đất, thuê đất ổn định lâu dài cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển quyền sử dụng đất, yên tâm đầu tư, phát triển sản xuất lâu dài”, đại biểu Nguyễn Thu Anh nói.


Thống nhất ý kiến với nhiều đại biểu khác, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk cho rằng: Quốc hội cần tiếp tục tăng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7, đồng thời tạo điều kiện khuyến khích đầu tư của nhân dân, và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Nông nghiệp còn nhiều tiềm năng to lớn cần được tiếp tục phát huy nhưng năng suất chất lượng chưa đồng đều và còn nhiều dư địa gia tăng. Nhà nước cần tiếp tục tăng cường đầu tư với cơ cấu điều chỉnh, nâng cao dịch vụ công, tiếp tục phát huy lợi thế mà nước ta đang có. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chỉ đạo của Chính phủ đang rà soát, lắng nghe ý kiến địa phương để đề xuất, điều chỉnh một số cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ giới hóa. “Cần phải tăng cường quản lý để tăng cường hiệu quả đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tăng cường phân cấp quản lý đầu tư…”, ông Phát nói tiếp.


Phân tích về nguyên nhân tại sao các doanh nghiệp lại không mặn mà đầu tư vào khu vực nông thôn, bà Nguyễn Thanh Thủy, đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho rằng: “Nông dân vẫn là đối tượng được thụ hưởng ít nhất những thành quả của nền kinh tế và chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị đang ngày càng lớn. Nông nghiệp nước ta hiện nay chưa có quy hoạch cụ thể về chuyển đổi cơ cấu theo từng vùng trong quy hoạch tổng thể chung cả nước; giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình khống chế về hạn mức. Đây là một nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà, nông dân không dám đầu tư lớn, ngân hàng không muốn cho vay vốn. Nếu không có sự hỗ trợ của nhà nước, người nông dân không đủ sức chống đỡ trước những bất trắc, rủi ro trong sản xuất và kinh doanh”.


Đánh giá về hiệu quả của chương trình xây dựng nông thôn mới đang được triển khai tại các địa phương, bà Ngô Thị Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề cập: Chương trình xây dựng nông thôn mới và 19 tiêu chí, cần xem xét các tiêu chí có thực sự phù hợp hay không. Trong xây dựng công tác qui hoạch phải đi trước một bước, bởi qui hoạch thế nào để không phải phá đi, xem xét lại. Khi thảo luận về 16 chương trình mục tiêu quốc gia nên gắn kết với chương trình xây dựng nông thôn mới để nâng cao hiệu quả. Chính sách gì chăng nữa cũng phải có điều kiện, làm thế nào để đầu tư tiền ngân sách của nhà nước có hiệu quả. Chính sách với người nghèo phải có điều kiện thoát nghèo trong thời điểm nào, với những người không lao động, chỉ nghĩ đến thụ hưởng thì như thế nào?


Cần tăng cường vốn đầu tư


Để khắc phục những tồn tại nêu trên, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư công cho tam nông như:


Quốc hội sớm xây dựng, ban hành các luật như: Luật Đầu tư công; mua sắm công; Luật Quy hoạch; Luật Thủy lợi; Luật Nông nghiệp; Luật Bồi thường; hỗ trợ và tái định cư; Luật Vệ sinh môi trường; Luật Thú y; Luật Bảo hiểm nông nghiệp... Rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai, ngân sách nhà nước, đấu thầu, đầu tư, xây dựng, hợp tác xã, lao động, hoạt động giám sát, dạy nghề, nhà ở, doanh nghiệp. Rà soát, sửa đổi quy định về tiêu chí phân bổ nguồn vốn đầu tư, tăng ngân sách nhà nước cho tam nông đảm bảo 5 năm từ 2011 - 2015 cao gấp 2 lần giai đoạn 2006 - 2010.


Chính phủ cần giao kế hoạch đầu tư trung hạn, trước mắt là kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2012- 2015 của cả nước, trong đó có đầu tư cho tam nông tạo điều kiện cho các bộ, ngành, địa phương chủ động trong thực hiện Chiến lược phát triển giai đoạn 2011-2020, kế hoạch 5 năm 2011-2015 của ngành. Sửa đổi cơ chế, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư theo Quyết định số 60/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ, bổ sung các cơ chế, chính sách đầu tư công cho tam nông thông qua tiêu chí phân bổ vốn đầu tư. Xây dựng và ban hành tiêu chí phân bổ nguồn vốn trái phiếu chính phủ cho đầu tư phát triển nói chung, vốn đầu tư vào ngành lĩnh vực còn lợi thế, khả năng phát triển như công nghiệp chế biến sâu đối với nông lâm sản, thủy sản và cho nông nghiệp, nông thôn nói riêng.


Tăng vốn đầu tư phát triển cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, tăng tỷ lệ phân bổ nguồn lực đầu tư công hàng năm cho khu vực nông thôn. Đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn theo các chương trình dự án được phê duyệt đầu tư cho tam nông. Cải thiện môi trường đầu tư, có chính sách ưu đãi, khuyến khích, tạo cơ chế, động lực thu hút các thành phần kinh tế như nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, nguồn vốn của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và sự đóng góp của nhân dân,…


V.T

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN