Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII: Thông qua ba nghị quyết quan trọng

Ngày 9/11, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, Nghị quyết về kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 và Nghị quyết về kế hoạch Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Quốc hội cũng thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Tài nguyên nước. Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật Phòng, chống rửa tiền và dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

13 chỉ tiêu chủ yếu của giai đoạn 2011-2015

Với tỷ lệ tán thành 90,4%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 với mục tiêu tổng quát, 13 chỉ tiêu chủ yếu và 9 nhiệm vụ, giải pháp định hướng để Chính phủ điều hành và thực hiện.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN


Theo đó, mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2012 là: “Ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phúc lợi xã hội, an sinh xã hội và cải thiện đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế”.

Các chỉ tiêu chủ yếu gồm: 5 chỉ tiêu về kinh tế, 6 chỉ tiêu về xã hội và 2 chỉ tiêu về môi trường. Trong đó, đáng chú ý là các chỉ tiêu: Tổng sản phẩm trong nước GDP tăng 6-6,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 13%, nhập siêu khoảng 11-12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu; bội chi ngân sách dưới 4,8% GDP; chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 10%; tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động; tỷ lệ thất nghiệp thành thị khoảng 4%; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 79%.

Vốn trái phiếu Chính phủ không quá 225.000 tỷ đồng

Sau khi nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) giải trình về khả năng của nền kinh tế không thể đáp ứng nhu cầu vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho các công trình, dự án đã được phê duyệt lên tới 500.000 tỷ đồng, với tỷ lệ tán thành đạt 89%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch vốn TPCP giai đoạn 2011-2015 với tổng mức vốn TPCP không vượt quá 225.000 tỷ đồng.

Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ không bổ sung mới danh mục dự án, công trình sử dụng vốn TPCP giai đoạn 2011-2015; không chuyển chỉ tiêu kế hoạch vốn TPCP được Quốc hội quyết định hàng năm sang năm sau cũng như không để tồn đọng vốn.

Vẫn giữ đủ 16 chương trình mục tiêu quốc gia

Với tỷ lệ tán thành đạt 82%, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giai đoạn 2011 – 2015 với tổng mức kinh phí thực hiện cả giai đoạn không quá 276.372 tỷ đồng cho 16 chương trình như đề xuất ban đầu của Chính phủ.

Theo đó, danh mục CTMTQG giai đoạn 2011-2015 gồm: Việc làm và dạy nghề; Giảm nghèo bền vững; Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Y tế; Dân số và kế hoạch hóa gia đình; Vệ sinh an toàn thực phẩm; Văn hóa; Giáo dục và đào tạo; Phòng – chống ma túy; Phòng, chống tội phạm; Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Ứng phó với biến đổi khí hậu; Xây dựng nông thôn mới; Phòng chống HIV/AIDS; Đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường.

Nguồn kinh phí thực hiện CTMTQG không quá 276.327 tỷ đồng được huy động từ ngân sách Trung ương là 105.392 tỷ đồng (chưa bao gồm số đã phân bổ cho Chương trình 135 giai đoạn 3 và Chương trình 30a năm 2011), ngân sách địa phương là 61.542,5 tỷ đồng; vốn nước ngoài là 19.987,5 tỷ đồng; vốn tín dụng là 39.815 tỷ đồng và vốn huy động khác là 49.635 tỷ đồng.

Quốc hội giao Chính phủ rà soát mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần trong từng CTMTQG, trình UBTVQH cho ý kiến trước khi thực hiện.

Cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)

Trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 9/11 về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), mặc dù có nhiều ý kiến khác nhau về một số nội dung cụ thể trong dự Luật nhưng các đại biểu đều tán thành cần thiết phải ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).

Đóng góp ý kiến cho dự Luật, đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) cho rằng cần điều tra quy hoạch tài nguyên nước khu vực sông, theo cả vùng và có phân loại cụ thể sát với nhu cầu thực tế, phục vụ phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Với tầm nhìn dài hạn, quy hoạch tài nguyên nước nên giao UBND tỉnh, thành phố lập, phê duyệt nhiệm vụ sau khi có ý kiến phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm tạo sự thống nhất trong phân cấp quản lý nhà nước trên toàn quốc. Luật cũng cần quy định việc thu tiền sử dụng khai thác tài nguyên nước nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sử dụng; trong đó, nguồn thu từ khai thác tài nguyên phải đưa vào ngân sách Nhà nước; các khoản chi phải được giám sát và quyết toán chặt chẽ.

Chống rửa tiền liên quan đến phòng chống tham nhũng

Chiều 9/11, thảo luận ở tổ về Dự án Luật Phòng, chống rửa tiền, các đại biểu Quốc hội có nhiều ý kiến khác nhau xung quanh nội dung có nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án Luật bao gồm cả lĩnh vực chống tài trợ khủng bố.

Tán thành với việc cần thiết phải ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, trong điều kiện hiện nay ở nước ta, việc sớm ban hành luật này đáp ứng xu hướng phát triển của nền kinh tế. Trong hoạt động kinh tế, có nhiều hành vi dẫn đến nguy cơ dễ nảy sinh rửa tiền như đầu tư chứng khoán, bất động sản, thương mại… Đồng thời, việc ban hành luật cũng đáp ứng yêu cầu cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng và nhiệm vụ hàng đầu kiềm chế lạm phát mà Đảng, Nhà nước đang quyết liệt thực hiện. Đối với nội dung quy định chống tài trợ khủng bố, đại biểu đề nghị dự án luật cần định nghĩa cụ thể thế nào là hành vi khủng bố, tài trợ khủng bố.

Đại biểu Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) nêu quan điểm, không nên ghép hành vi tài trợ khủng bố vào dự án luật này mà nên đưa vào Luật Phòng chống khủng bố (trong khuôn khổ Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012) để đảm bảo tính chặt chẽ trong phạm vi điều chỉnh của luật. Dự án Luật quy định việc thành lập Cơ quan phòng, chống rửa tiền, tuy nhiên, cơ quan này sẽ thuộc đầu mối bộ ngành nào, Bộ Công an hay Ngân hàng Nhà nước, cần phải được bàn thảo thêm. Hiện ở Việt Nam, chưa phát hiện được vụ việc rửa tiền. Đây cũng không phải là hành vi gây bức xúc trong xã hội.

Người hút thuốc lá phải đóng góp cho quỹ bảo vệ cộng đồng

Dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng nhận được sự đồng tình cao từ phía các đại biểu của Đoàn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh về sự cần thiết phải ban hành dự luật liên quan đến bảo vệ sức khỏe con người. Các đại biểu đều nhất trí với nội dung quy định: người sử dụng thuốc lá phải đóng góp vào quỹ để bảo vệ cộng đồng. Tuy nhiên, Luật cần quy định chi tiết phương pháp, mức xử phạt các vi phạm.

Đại biểu Thích Bảo Nghiêm (Hà Nội) đề nghị, dự luật nên bổ sung quy định tại một khu vực, địa điểm đặc thù cần cấm hút thuốc lá; đồng thời quy định về trách nhiệm của lực lượng giữ gìn an ninh trật tự ở cơ sở trong việc xử lý hành vi hút thuốc lá trái quy định để hướng tới mục đích giảm thiểu tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe con người, giảm chi phí cho xã hội.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN