'Kiên quyết chống lại lợi ích nhóm trong ngành ngân hàng'

 

Nhiều vấn đề đang được dư luận quan tâm về ngành ngân hàng như việc điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa; có hay không chuyện lợi ích nhóm trong ngành này; xung quanh vấn đề nhiều lãnh đạo trong các ngân hàng bị bắt trong thời gian gần đây..., đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình (ảnh) giải đáp cụ thể trong chương trình "Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời", phát sóng tối 7/10/2012 trong chương trình thời sự trên VTV1.

 

Chính sách tiền tệ được điều hành chặt chẽ và linh hoạt


Đó là khẳng định của Thống đốc Nguyễn Văn Bình trước dư luận cho rằng do chính sách tiền tệ và tài khóa thắt quá chặt quá nhanh trong thời gian qua đã khiến cho việc tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng, và là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều doanh nghiệp (DN) khó khăn, sản xuất bị ngừng trệ, thậm chí DN phải giải thể và phá sản.


Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, mục tiêu xuyên suốt trong năm 2012 cũng như những năm tiếp theo của Việt Nam là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo tăng trưởng ở mức hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội. Nhìn nhận lại những tháng vừa qua của năm 2012, có thể thấy chúng ta thực hiện được khá đầy đủ và cơ bản các mục tiêu đã đề ra. Lạm phát đã được kiềm chế ở dưới mức một con số. Các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đã được ổn định. "Bên cạnh đó, chúng ta đã đạt được mức tăng trưởng, mặc dù chưa cao so với những năm trước, nhưng theo đánh giá đó là mức tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh tình hình quốc tế và Việt Nam hiện nay.

 

Chúng ta cũng đã đảm bảo được một nội dung hết sức quan trọng là đảm bảo được an sinh xã hội. Như vậy, các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô về cơ bản đã đạt được, trong đó có phần đóng góp rất to lớn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam trong điều hành chính sách tiền tệ", Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Theo Thống đốc phân tích, biểu hiện lớn nhất, rõ nét nhất của chính sách tiền tệ thắt chặt là lãi suất phải tăng lên và thanh khoản phải khó khăn. Nhưng trong một năm qua, như chúng ta thấy, lãi suất của ngân hàng đã liên tục giảm, thậm chí giảm rất nhanh, rất mạnh. Thanh khoản của ngân hàng đã được cải thiện, thậm chí là cải thiện rất lớn. "Do vậy không thể nói là chính sách tiền tệ của chúng ta quá chặt, mà chỉ có thể nói chính sách tiền tệ của chúng ta được điều hành một cách chặt chẽ và linh hoạt, nên đã giúp kiềm chế được lạm phát và vẫn đảm bảo tăng trưởng ở mức hợp lý".


Về thực trạng một số DN gặp khó khăn, phá sản... trong thời gian qua, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, cũng không phải là vấn đề bất thường, mà "là hệ lụy mà chúng ta đã lường trước được, đó cũng là cái giá mà chúng ta phải trả để kiềm chế được lạm phát, ổn định được kinh tế vĩ mô, và đó cũng là chủ trương tái cấu trúc lại các doanh nghiệp Việt Nam", Thống đốc khẳng định.

 

Triệt tiêu lợi ích nhóm


Trong hơn một năm qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã trải qua nhiều "mốc lịch sử". Lần đầu tiên các ngân hàng thương mại đã phải sáp nhập, hợp nhất, thậm chí có những tên tuổi đã hàng chục năm phải vĩnh viễn biến mất khỏi hệ thống ngân hàng như ngân hàng Habubank. Nhìn chung, quá trình tái cấu trúc ngân hàng thương mại diễn ra khá yên ả. Tuy vậy, cũng có rất nhiều bức xúc của DN cũng như người dân với vấn đề "lợi ích nhóm" trong quá trình tái cấu trúc các ngân hàng thương mại.


Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã thừa nhận có việc hình thành lợi ích nhóm, Thống đốc lý giải nguyên do trong những năm vừa qua hệ thống ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần đã phát triển rất mạnh, "và phải nói thẳng là quá nóng", Thống đốc nhấn mạnh. Trong khi đó, hoạt động quản lý nhà nước của NHNN đối với hệ thống ngân hàng nói chung, và hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần nói riêng, còn rất nhiều bất cập; hệ thống văn bản, thể lệ, chế độ để quản lý hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần chưa theo kịp với tốc độ phát triển, cũng như trình độ phát triển của các ngân hàng thương mại cổ phần, dẫn tới còn nhiều bất cập, nhiều lỗ hổng, gây khó khăn cho công tác quản lý các tổ chức tín dụng. Bên cạnh đó, hoạt động thanh tra giám sát chưa phát huy được hiệu quả. "Đôi khi chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận là còn có buông lỏng thanh tra giám sát trong thời gian vừa qua", Thống đốc Nguyễn Văn Bình thừa nhận.

 


"Do hệ thống phát triển nhanh, nóng, trong khi công tác quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, chưa hiệu quả, nên đã dẫn tới rất nhiều hệ lụy của ngày hôm nay mà chúng ta phải chấn chỉnh. Một trong những hệ lụy đó là xuất hiện những lợi ích nhóm. Đã xuất hiện các nhóm lợi ích trong mỗi ngân hàng cũng như trong cả hệ thống ngân hàng, nó có thể thao túng hoạt động của một ngân hàng và ảnh hưởng tới cả hệ thống. Vừa qua, trong chương trình tái cấu hệ thống ngân hàng thương mại, mà đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần, bằng cách triển khai hoạt động thanh tra giám sát một cách bài bản, quyết liệt, và hiệu quả thì tất cả những nội dung đó đã được phơi bày", Thống đốc cho biết.


Trước những thông tin lan truyền về việc một số lãnh đạo các ngân hàng bị bắt, khiến giới tài chính cũng như người gửi tiền hoang mang, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, do tính chất đặc thù của hoạt động ngân hàng, nên phương châm của NHNN trong quá trình xử lý (đã được trình Bộ Chính trị và Chính phủ thông qua) là việc tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng phải đảm bảo sự an toàn, lành mạnh của các tổ chức tín dụng. Do vậy cá nhân nào trong hội đồng quản trị, ban tổng giám đốc của ngân hàng, nếu vi phạm pháp luật đều sẽ bị xử lý nghiêm, nhưng việc xử lý sẽ "bài bản" và đặc thù hơn. "Nếu cá nhân, tổ chức nào có sai phạm, để thất thoát tiền của Nhà nước, thất thoát tiền của nhân dân, thì phải tạo điều kiện cho họ trước tiên là khắc phục đầy đủ thất thoát đó, nhằm đảm bảo quyền lợi của Nhà nước, nhân dân, đảm bảo quyền lợi người gửi tiền và an toàn của hệ thống. Bởi vậy, người dân không có gì phải hoang mang, chương trình tái cấu trúc là chương trình có trước, và NHNN cũng như các cơ quan quản lý pháp luật đã có đầy đủ các phương án để xử lý tất cả các hệ lụy. Người dân cũng nên cảnh giác với những tin đồn và hoàn toàn tin tưởng vào sự vận hành thị trường của các cơ quan quản lý nhà nước, mà đặc biệt là của NHNN", Thống đốc nhấn mạnh.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, có những ngân hàng chỉ do một, hai cổ đông, hay một nhóm cổ đông chi phối, và dư nợ của ngân hàng thì chiếm tới 70 - 90% là phục vụ cho nhóm cổ đông đó. Trong khi đó, các nhóm cổ đông này lại sử dụng vốn ngân hàng không hiệu quả, gây nên việc thất thoát vốn đối với ngân hàng,buộc ngân hàng phải tái cơ cấu, nằm trong chương trình tái cơ cấu của NHNN. "Phần lớn các tổ chức tín dụng, các cổ đông này đã nhận thức được vấn đề, phối hợp chặt chẽ với NHNN để đưa ra các phương án xử lý.

 

Nhưng bên cạnh đó, cũng có một bộ phận nhóm cổ đông hoặc các cổ đông đã chống đối, dưới các hình thức: Trước mặt các cơ quan quản lý nhà nước như NHNN thì họ buộc phải chấp nhận, vì đó là những bằng chứng rất rõ ràng, nhưng bên ngoài thì họ cấu kết với các phần tử xấu trong nước, cũng như các phần tử xấu và các phần tử phản động ở nước ngoài, đưa những thông tin thất thiệt, bôi nhọ các cán bộ lãnh đạo Đảng và Nhà nước của chúng ta, bóp méo thực tế tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng của chúng ta, để gây hoang mang trong dư luận, gây hoài nghi trong cán bộ các cấp vào những chương trình tái cơ cấu lại các tổ chức tín dụng của Việt Nam, với mục tiêu làm cho các cơ quan quản lý nhà nước phải chùn bước trong việc xử lý những vấn đề này. Từ đó mà xuất phát hay hình thành những tin đồn ngoài thị trường về các nhóm lợi ích trong quá trình tái cơ cấu", Thống đốc cho biết.


Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, trong Ban cán sự Đảng, ban lãnh đạo NHNN thì không có vấn đề này. Cũng theo Thống đốc, vấn đề lợi ích nhóm là rào cản lớn nhất trong toàn bộ quá trình tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng Việt Nam, nên ngay từ đầu NHNN đã xác định phải kiên quyết đấu tranh chống lại lợi ích nhóm, nhằm mục tiêu xử lý được tất cả các ngân hàng thương mại, trước mắt là các ngân hàng thương mại yếu kém, mang lại sự lành mạnh cho từng tổ chức tín dụng cũng như cả hệ thống tín dụng.


A.A

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN