Khai mạc phiên họp thứ tám, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII

Sáng 4/5, phiên họp thứ tám, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII đã khai mạc tại Hà Nội.


Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội tập trung vào một số nội dung lớn liên quan đến ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ; cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII; việc lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và thảo luận để thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với người có công với cách mạng. Tại phiên họp này, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tư cách đại biểu Quốc hội đối với đại biểu Quốc hội Đặng Thị Hoàng Yến.


 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì và phát biểu khai mạc. Ảnh: Nhan Sáng-TTXVN

 

Tại phiên họp buổi sáng, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc phân bổ 5.500 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho một số dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi và bổ sung một số dự án mới và dự án có điều chỉnh tăng quy mô vốn vào danh mục các dự án, công trình sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015.


Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trình bày đã nêu 5 dự án mới và 4 dự án điều chỉnh tăng quy mô đã được đề cập trong Nghị quyết số 473/NQ-UBTVQH. 5 dự án mới bao gồm: Dự án Cầu Năm Căn, tỉnh Cà Mau, thuộc dự án đường Hồ Chí Minh do Bộ Giao thông Vận tải quản lý; dự án Cầu Kim Xuyên, Tuyên Quang; dự án đầu tư xây dựng công trình nhà ở sinh viên của trường Đại học Trà Vinh; dự án bệnh viện ung thư TP Đà Nẵng và 5 dự án thành phần thuộc dự án đường ven biển tỉnh Ninh Thuận. Phương án bổ sung 5.500 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ cho một số dự án thuộc lĩnh vực thủy lợi lớn xác định nguyên tắc, tiêu chí phân bổ bảo đảm đầu tư đồng bộ giữa công trình thủy lợi đầu mối do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý và hệ thống kênh mương do địa phương quản lý nhưng còn thiếu vốn để phát huy hiệu quả dự án; bổ sung các dự án thủy lợi lớn, quan trọng theo tiêu chí Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội để hoàn thành toàn bộ hoặc hợp phần để phát huy hiệu quả...


Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí việc bổ sung 5 dự án mới như Tờ trình của Chính phủ vào danh mục vốn trái phiếu Chính phủ. Đối với 4 dự án điều chỉnh tăng quy mô do Bộ Giao thông Vận tải quản lý, đa số ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị cần rà soát, xem xét tính hợp lý của việc bố trí vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 cho các dự án này.


Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận Báo cáo của Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ có liên quan xây dựng Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và nguồn lực cụ thể của các dự án thành phần thuộc từng Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét.


Tại phiên họp buổi chiều 4/5, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về phương án phân bổ sử dụng nguồn dư dự toán chi và vượt thu ngân sách Trung ương năm 2011 và việc lập dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.


Về phương án phân bổ sử dụng nguồn dư dự toán chi và vượt thu ngân sách Trung ương năm 2011, theo báo cáo của Chính phủ, nguồn vượt thu và dư dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2011 là 59.042 tỷ đồng. Dự kiến phân bổ sử dụng nguồn dư dự toán chi ngân sách nhà nước (1.170 tỷ đồng) cho hai nhiệm vụ: Bổ sung cấp bù chênh lệch lãi suất năm 2011 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội 500 tỷ đồng; bổ sung kinh phí mua bù lương thực dự trữ quốc gia đã xuất cứu trợ, viện trợ trong các năm 2010 và 2011 là 670 tỷ đồng. Chính phủ cũng dự kiến phương án phân bổ sử dụng nguồn vượt thu ngân sách Trung ương năm 2011: Dành 46.500 tỷ đồng để giảm bội chi ngân sách; tăng chi trả nợ; chuyển nguồn để bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước năm 2012. Đồng thời thưởng vượt thu và bù giảm thu cân đối ngân sách địa phương do nguyên nhân khách quan 3.268,4 tỷ đồng; thực hiện các dự án khắc phục bão lụt cấp bách 1.000 tỷ đồng; hỗ trợ người có công cải thiện nhà ở 300 tỷ đồng; bổ sung kinh phí cho các bộ, cơ quan Trung ương 1.205,8 tỷ đồng; hỗ trợ các địa phương trọng điểm thu đầu tư phát triển hạ tầng 2.860 tỷ đồng; hỗ trợ các địa phương khó khăn thực hiện các dự án cấp bách 2.301,6 tỷ đồng; bổ sung vốn đối ứng cho các dự án ODA quan trọng, cần đẩy nhanh tiến độ 436,2 tỷ đồng.


Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội và cho rằng, để bảo đảm tính minh bạch, công bằng, hợp lý, việc phân bổ, sử dụng nguồn dư dự toán chi và vượt thu ngân sách Trung ương phải tuân thủ đúng quy định của luật Ngân sách nhà nước; phải xây dựng các tiêu chí phân bổ cụ thể; ưu tiên cho lĩnh vực an ninh, quốc phòng, các tỉnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa; ưu tiên bổ sung vốn cho các công trình cấp bách, cần thiết thuộc lĩnh vực giao thông, thủy lợi có khả năng hoàn thành trong năm 2012 và 2013 không nằm trong danh mục các công trình đã được hỗ trợ từ nguồn vốn trái phiếu chính phủ.


Quỳnh Hoa - Phúc Hằng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN