Khắc phục hậu quả lũ lụt giúp người dân sớm ổn định cuộc sống

Để đối phó và khắc phục với tình hình mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ có công điện số 1875/CĐ-TTg ngày 19/10/2011 chỉ đạo các tỉnh ven biển từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân tại các vùng ngập lũ, giảm thiểu thiệt hại, khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp nhân dân vùng ngập lũ sớm ổn định cuộc sống.

Nước lũ gây ngập khu dân cư ở thôn Tân Hòa, xã Xuân Sơn Nam, huyện Đồng Xuân, Phú Yên (ảnh chụp 13 giờ chiều 20/10/2011). Ảnh: Thế Lập - TTXVN


Cơ quan chức năng cần theo dõi và thông báo kịp thời diễn biến mưa lũ tại các tỉnh Trung Trung bộ và lũ ở đồng bằng sông Cửu Long để các địa phương để chủ động các biện pháp đối phó và nghiêm túc thực hiện nội dung các Công điện chỉ đạo của Ban chỉ đạo PCLBTW. Đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo PCLBTW đã đến các tỉnh miền Trung để kiểm tra đối phó với mưa lũ.

Ban chỉ huy phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Công ty TNHH một thành viên Dược Trung ương II và Công ty Cổ phần Thiết bị y tế MEDINSCO chuyển 40 cơ số thuốc, 100.000 viên CloraminB, 5 bộ nhà bạt, 100 áo phao và 100 phao tròn cho Bộ Tư lệnh Quân khu 9 để phục vụ công tác khắc phục hậu quả mưa lũ.

Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo PCLBTW cho biết, tính đến thời điểm này, lũ tại khu vực miền Trung đã làm 10 người thiệt mạng, 16 người bị thương, 3 người mất tích; 75.612 căn nhà bị ngập; 2.285 ha lúa bị ngập; diện tích hoa màu bị ngập, hư hại là 15.651 ha. Tại đồng bằng sông Cửu Long, lũ đã làm 49 người chết; 88.188 nhà bị ngập nước; 22.700 ha lúa bị ngập úng; 1.471,8 km đê bao, bờ bao bị sạt lở; đường giao thông nông thôn bị ngập là 1.340 km.

*Tại Hậu Giang, do thiếu hệ thống đê bao, gần 6.000 ha mía của huyện Phụng Hiệp đến kỳ thu hoạch đã bị ngập lũ. Mặc dù 2 nhà máy đường (NMĐ) của Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã chạy vượt công suất thiết kế nhưng vẫn không thể tiêu thụ hết mía. Nhiều diện tích mía khô lá dần và bắt đầu héo khô, nông dân rất bức xúc nhưng vẫn chưa bán được vì không có người mua. Bản thân nông dân cũng không có đủ phương tiện để thu hoạch và chuyển mía ra tận nhà máy để bán.

*Tại Đồng Nai, đã có hàng ngàn ha cây trồng bị nhiễm bệnh do mưa nhiều.

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Nai cho biết, toàn tỉnh đã có gần 2.800 ha lúa mùa bị nhiễm bệnh. Trong đó, diện tích lúa mùa bị nhiễm bệnh bạc lá là 285 ha, tăng 107 ha so với tháng trước và tăng 260 ha so với cùng kỳ năm trước; trên 800 ha lúa mùa bị nhiễm rầy nâu, tăng hơn 100 ha so với đầu tuần trước.

Ngoài cây lúa thì diện tích bắp, tiêu, cao su, sầu riêng, cây có múi… trên toàn tỉnh Đồng Nai bị nhiễm bệnh cũng đang tăng lên, làm cây rụng lá, nấm hồng ở cao su; chảy mủ, loét loại có múi; cháy lá vi khuẩn và đốm lá ở bắp.

*Tại Quảng Trị, những trận mưa lũ kéo dài liên tiếp trong hơn một tháng qua đã khiến hàng ngàn tấn lúa của nông dân không phơi được, bị mọc mầm, thối không thể sử dụng được. Nhiều gia đình thu hoạch lúa biết không thể phơi được, nên vẫn để nguyên bó ở ngoài đường.

Mặc dù nhiều người dân đã đầu tư hệ thống máy sấy lúa và đã có một số nhà máy nhận sấy lúa cho nông dân; một số địa phương hỗ trợ tiền sấy lúa cho nông dân, nhưng với số lượng lúa bị ướt lớn và các nhà máy sấy lúa đều có công suất thấp nên cũng chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ so với lượng lúa đang bị mọc mầm của toàn tỉnh.

Nhóm PV
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN