Hỗ trợ 45,2 tỷ đồng bảo tồn nhà vườn, nhà rường cổ ở Thừa Thiên - Huế

Nhà rường cổ hỗ trợ tối đa từ 600 triệu -  1 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí thiết kế cảnh quan, cải tạo sân vườn tối đa 30 triệu đồng/vườn... Đó là một trong những nội dung Nghị quyết Quy định một số chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng và nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa được được HĐND tỉnh khóa VIII thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Chú thích ảnh
Một ngôi nhà rường cổ ở làng Phước Tích. Ảnh tư liệu: Hồ Cầu/TTXVN

Ngày 9/12, tại Kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021-2026, các đại biểu đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh trong năm 2023.

Đáng chú ý là Nghị quyết Quy định một số chính sách hỗ trợ, bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn đặc trưng và nhà rường cổ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh sẽ dành 45,2 tỷ đồng để thực hiện, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ khoảng 28,3 tỷ đồng, ngân sách UBND thành phố Huế và UBND huyện Phong Điền đảm bảo khoảng 12,1 tỷ đồng, huy động nguồn đóng góp xã hội hóa khoảng 4,8 tỷ đồng. Dự kiến từ nay đến năm 2026, nhiều ngôi nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ ở khu vực phường Kim Long, phường Thủy Biều, phố cổ Bao Vinh, làng cổ Phước Tích sẽ được hưởng lợi từ chính sách này.

Chính sách tập trung hỗ trợ về trùng tu, tôn tạo nhà chính; tôn tạo, phát triển khuôn viên vườn; hỗ trợ tổ chức kinh doanh khai thác, phát triển dịch vụ, du lịch; hỗ trợ cải tạo, nâng cấp cơ sở nhà vườn, nhà rường phục vụ lưu trú; hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, truyền nghề; tổ chức các chương trình khảo sát, xây dựng tour du lịch; hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết và đầu tư hạ tầng cơ bản; chính sách hỗ trợ về tài chính tín dụng…

Cụ thể, đối với việc trùng tu, tôn tạo nhà vườn đặc trưng, nhà rường cổ hỗ trợ tối đa từ 600 triệu -  1 tỷ đồng; hỗ trợ chi phí thiết kế cảnh quan, cải tạo sân vườn tối đa 30 triệu đồng/vườn, mua cây giống tối đa 50 triệu/vườn; hỗ trợ cải tạo, sửa chữa phòng gắn liền với nhà chính làm phòng lưu trú, không quá 50 triệu đồng/phòng và tối đa 3 phòng/nhà; hỗ trợ đầu tư hạ tầng cơ bản như đường giao thông nội bộ, bến thuyền, cấp thoát nước, bãi đỗ xe, vệ sinh môi trường, internet… tại cụm điểm tập trung các nhà vườn không quá 5 tỷ đồng/cụm điểm; hỗ trợ 100% lãi suất vay từ 200 - 500 triệu đồng trong thời gian 5 năm cho chủ nhà vay vốn của tổ chức tín dụng để trùng tu nhà chính, cải tạo vườn, tổ chức khai thác phát triển dịch vụ tại nhà…

Chủ quản nhà phải bảo tồn những giá trị kiến trúc đặc trưng tiêu biểu theo hồ sơ thiết kế trùng tu, tôn tạo do cơ quan chức năng thẩm duyệt theo quy định. Hoạt động đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, trùng tu, tôn tạo đảm bảo nguyên tắc bảo tồn, phục hồi, phục chế theo nguyên trạng kiến trúc của các nhà và đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, Thừa Thiên - Huế đã triển khai Đề án "Chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng" giai đoạn 2015 - 2020 và đạt một số kết quả quan trọng như có 55 nhà vườn được trùng tu, tôn tạo. Nhiều nhà vườn trở thành các điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Chính sách hỗ trợ lần này theo hướng tiếp cận mới phù hợp thực tiễn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị đặc trưng nhà vườn, nhà rường cổ xứ Huế.

Đỗ Trưởng (TTXVN)
Thừa Thiên - Huế: Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, du lịch phát huy giá trị di sản, văn hóa
Thừa Thiên - Huế: Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, du lịch phát huy giá trị di sản, văn hóa

Ngày 8/12, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc kỳ họp thứ 5 nhằm thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN