Giơ cao, đánh... không được khẽ!

Vấn đề kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang trở thành một nhiệm vụ trọng tâm và quyết liệt của tháng cuối năm này. Sự quyết liệt được thể hiện bằng nhiều hành động, từ sự vào cuộc của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và quán triệt đến từng người tiêu dùng. Song vẫn có một bộ phận cố tình phớt lờ sự đồng thuận cho mục tiêu chung đó vì lợi ích của cá nhân mình, đó là nhóm những đối tượng đầu cơ, găm hàng, tăng giá vô tội vạ.

Hiện tượng đầu cơ, găm hàng đã trở thành mối đe dọa kinh niên đối với những cơn “bão giá” và càng làm cho “cấp số” của những cơn bão đó nguy hại hơn. Thế nên, việc xác định “phải xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng...” đã trở thành mục tiêu lớn của nhiều bộ, ngành, địa phương trong “cuộc chiến đấu” chống lại những cơn sốt giá hay trào lưu tăng giá.


Chi số giá tiêu dùng tăng cao ảnh hưởng tới đời sống của nhân dân-Ảnh internet



Năm nay, hiển nhiên cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Nhiều chủ thể chức năng và liên quan trong các giải pháp quyết liệt kiểm soát giá cả của mình đều không quên “điểm danh” nhiệm vụ quan trọng là phải xử lý nghiêm hiện tượng góp phần kích giá này.

Việc đưa ra giải pháp xử lý nghiêm hiện tượng đầu cơ, găm hàng là hoàn toàn đúng đắn và chính xác, không có gì phải bàn thêm. Nhưng, điều có lẽ cần bàn chính là làm sao để giải pháp này thực sự phát huy được hiệu quả, thực sự đi vào cuộc sống, chứ không phải chỉ giống như... hô “khẩu hiệu” và giơ thì rất cao, nhưng đánh thì lại... chưa mạnh? Một chính sách, giải pháp ngắn hạn cũng có thể rơi vào tình trạng thiếu khả thi khi không được tính toán kỹ lưỡng, thấu đáo. Có ít nhất ba câu hỏi phải tìm bằng được câu trả lời để đạt tới hai chữ “hiệu quả” ấy.

Thứ nhất, để kiểm soát, kiểm tra được hiện tượng đầu cơ, găm hàng thì phải có một lực lượng quản lý thị trường đủ mạnh, đủ đông ở khắp các thị trường và phải làm việc một cách xả thân lẫn minh bạch. Vậy liệu chúng ta đã chuẩn bị được lực lượng này đúng tiêu chuẩn như trên hay chưa? Trong trường hợp thấy còn yếu, còn thiếu, chưa đủ khả năng quán xuyến thì phải có cơ chế phối hợp, ra quân của các lực lượng khác, nhất là trong những thời điểm “nóng” như thế nào?

Thứ hai, nền tảng luật lệ, chế tài để “xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng...” liệu đã đủ mạnh, có tính hệ thống, thống nhất và rõ ràng để có thể áp dụng trong từng ngành hàng, vụ việc cụ thể? Bởi việc “xử lý nghiêm...” này chỉ có thể có tác dụng khi có nền tảng từ những quy định rõ, nghiêm, chặt... để các đối tượng đầu cơ, găm hàng phải sợ.

Thứ ba, liệu đã có sự bóc tách, công bố thông tin rõ ràng về các vụ việc bị phát hiện đầu cơ, găm hàng tăng giá và các mức xử phạt để thực sự có tính răn đe các đối tượng khác, hay hầu hết đều chỉ được công bố chung, lẫn lộn với việc phát hiện các vụ gian lận thương mại nói chung? Mà nguyên nhân của tình trạng này chính là số vụ phát hiện được về đầu cơ, găm hàng riêng còn quá ít.

Nếu chưa trả lời thấu đáo được ít nhất ba câu hỏi trên, thì có lẽ giải pháp được coi là căn cơ “xử lý nghiêm đối với các trường hợp đầu cơ, găm hàng” sẽ còn thiếu tính khả khi và không có tác dụng cao trong thực tiễn.

Hồng Nga

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN