Giải quyết những thách thức về việc làm

Việt Nam đang từng bước hồi phục sau cuộc khủng hoảng kinh tế nhưng vẫn đang đối mặt với những thách thức về thị trường lao động cũng như việc cân bằng giữa tạo việc làm, phát triển công nghiệp với ổn định kinh tế vĩ mô. Vì vậy, các biện pháp, chính sách để đạt được những chỉ tiêu việc làm dài hạn, tăng thu nhập của lao động đi đối với tăng năng suất cũng như giải quyết những thách thức việc làm trong ngắn hạn và trung hạn là vấn đề đang được các ngành chức năng đặc biệt coi trọng.

Ưu tiên tăng cơ hội việc làm ở nông thôn

Hiện nay, Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển đổi dân số, trong đó số người tham gia thị trường lao động (thanh niên tham gia thị trường lao động trong thập kỷ qua) vẫn có thể bù đắp được tổng số người rời khỏi thị trường lao động (lao động cao tuổi dần nghỉ hưu trong cùng thập kỷ). Xu hướng này sẽ vẫn tiếp diễn, với giả định di cư lao động bằng không cho tới giai đoạn 2030 – 2035. Những người mới tham gia thị trường lao động có thể góp phần vào tăng trưởng kinh tế vì tăng cường các hoạt động kinh tế đòi hỏi nhiều lao động hơn. Nếu số người mới tham gia thị trường lao động bù đắp được số lao động ra khỏi thị trường thì nền kinh tế cần phải tạo thêm việc làm. Ngoài ra, nếu nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, với mục tiêu cụ thể là tái cơ cấu những doanh nghiệp có năng suất thấp thì số lượng việc làm phải tạo ra sẽ lớn hơn nữa.

Nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động nông thôn. Ảnh ( tư liệu ): Đình Huệ - TTXVN


Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Dự báo dân số Việt Nam giai đoạn 2009 – 2049, phương án dự báo tăng trưởng trung bình cho thấy dân số Việt Nam đến năm 2015 đạt 91,6 triệu và năm 2020 là 96,2 triệu người. Bộ này cũng đưa ra một số mức tương ứng cho tốc độ tăng trưởng. Cụ thể, tương ứng ở mức 93,1 triệu người và 98,6 triệu người theo dự báo tăng trưởng cao và 90,1 triệu người và 93,8 triệu người theo dự báo tăng trưởng thấp; và tương ứng ở mức 91,6 triệu và 96,5 triệu người với dự báo tốc độ tăng trưởng không đổi. Theo mức tăng trưởng dân số trung bình, số người tham gia lực lượng lao động trong năm 2015 và 2020 tương ứng theo các phương án cao là 56,8 triệu và 63,2 triệu người, theo phương án trung bình là 55,6 triệu và 61,8 triệu người và theo phương án thấp là 55,1 triệu và 59,7 triệu người với giả định mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm đạt từ 6% đến 8%/năm, tiêu dùng Chính phủ tăng 7%/năm, tỷ lệ nhập khẩu trên cầu nội địa chiếm khoảng 8% và tỷ lệ lạm phát khoảng 7%/năm. Theo đó, dự báo hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam có nhu cầu lao động xấp xỉ 53,3 – 55,8 triệu người vào năm 2015 và 57 – 62,2 triệu lao động vào năm 2020.

Cơ cấu lao động Việt Nam tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, lao động trong ngành nông nghiệp sẽ giảm xuống cả về tỷ trọng và số lượng, trong khi đó số lao động trong ngành thương mại và dịch vụ sẽ tăng lên cả về tỷ trọng và số lượng. Dự báo đến năm 2015, cơ cấu lao động trong ngành nông nghiệp – công nghiệp và dịch vụ lần lượt là 39,4% , 29,6%, 31% và đến năm 2020, cơ cấu này là 30%, 35,6%, 34,4%. Trong 19 ngành được chọn, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp, nhất là lao động ở nông thôn sẽ là nguồn để cung cấp nhân lực cho các ngành khác.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, do thiếu trình độ giáo dục và kỹ năng, phần lớn lao động nông thôn vẫn phải làm những công việc ở nông thôn với kỹ năng thấp. Ngoài ra, việc sử dụng lao động gia đình và thiếu các biện pháp bảo trợ xã hội trong thời kỳ khủng hoảng cho thấy phần lớn lao động khu vực nông thôn được ghi nhận “có việc làm” tuy nhiên thu nhập của họ lại rất thấp. Điều này có thể đẩy trẻ em và thanh niên trước nguy cơ rơi vào tình trạng lao động trẻ em và lao động nguy hiểm, làm cho triển vọng về nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển lâu dài của đất nuớc trở nên xấu đi. Trong bối cảnh dân số trong độ tuổi lao động ở nông thôn gia tăng, điều này cũng đồng nghĩa với việc mức độ có việc làm cũng sẽ tăng lên đơn giản bởi vì đối với người lao động ở những vùng nghèo đói thiếu bảo trợ xã hội, việc làm là lựa chọn duy nhất tạo thu nhập. Do đó, cần phải có nỗ lực chung để tạo ra những cơ hội việc làm có năng suất cao hơn ở khu vực nông thôn, giải quyết vấn đề việc làm dễ bị tổn thương và lao động nghèo.

Giải pháp tạo việc làm bền vững

Các chuyên gia kinh tế nhận định: Việc làm bền vững là trọng tâm của mục tiêu phát triển bền vững, phản ánh sự kết hợp của các chính sách kinh tế, xã hội và môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững và công bằng. Việt Nam đang trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, trong đó có lĩnh vực việc làm với mục tiêu có việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm bền vững cho tất cả mọi người, cả nữ giới và thanh niên. Đây là mục tiêu trung tâm của các chính sách quốc gia có liên quan cũng như các Chiến lược phát triển quốc gia, để đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.

Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, phát triển xã hội bền vững gồm có xóa nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống của con người và việc tạo ra việc làm năng suất. Trong những năm qua, mặc dù Việt Nam đã làm khá tốt công tác giảm nghèo, tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ giảm nghèo trong những năm qua đã giảm và công tác này ngày càng trở nên “tốn kém” ở chỗ cần phải có tăng trưởng cao hơn để giảm mỗi điểm phần trăm đói nghèo. Nhóm người bên ngưỡng sát trên của chuẩn nghèo hiện đông hơn nhóm người sống dưới mức nghèo. Do đó, việc hỗ trợ cho nhóm người “cận nghèo” này không bị tái nghèo càng trở nên quan trọng để đạt được giảm nghèo bền vững và tạo việc làm năng suất là một biện pháp bền vững nhất để đạt được mục tiêu này.

Ngoài ra, việc kìm hãm và làm thay đổi tình trạng bất bình đẳng trong thu nhập cần phải được chú trọng thông qua các chính sách liên quan đến chất lượng tăng trưởng, hệ thống đào tạo và giáo dục, cũng như thực hiện các chế độ chính sách xã hội mới nhằm giải quyết nhu cầu của các nhóm đối tượng đang trong hoặc ngoài độ tuổi lao động. Quan tâm đến vấn đề phân bổ thu nhập sẽ không chỉ ảnh hưởng tích cực đến công bằng xã hội, mà còn góp phần thúc đẩy hiệu quả kinh tế và làm giảm khả năng ảnh hưởng do tác động của các yếu tố bên trong và bên ngoài.

Đỗ Thảo Nguyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN