Giải pháp cấp bách

1. Mặc dù đã được chuẩn bị tâm thế thiếu điện trong mùa khô năm nay, nhưng khi hay tin sau 2 đợt xả nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, mực nước hồ thủy điện Hòa Bình hiện nay thấp hơn so với cùng kỳ năm 2010 tới 20 mét và nhà máy chỉ còn chạy cầm chừng với sản lượng chỉ bằng 1/10 so với cùng kỳ năm trước, mọi người vẫn không khỏi thảng thốt.

Đầu tuần này, Bộ Công Thương cũng đã cụ thể hóa tình hình thiếu điện bằng những con số: Năm nay cả nước sẽ thiếu khoảng 4 tỷ KWh điện, gấp 4 lần so với năm 2010, riêng mùa khô sẽ thiếu khoảng 2 tỷ KWh điện.

2. Để bù đắp lượng điện thiếu hụt đó, ngành điện cũng đã phải giở hết “phép”, từ việc mua điện của nước ngoài đến việc huy động hết công suất các nhà máy nhiệt điện… nhưng quả là “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”… Vì vậy, nhiều nơi đã phải tiến hành cắt điện luân phiên và chắc chắn, từ nay đến tháng 6, thời gian cắt điện sẽ càng ngày càng gay gắt, không chỉ ở nông thôn mà cả ở đô thị. Đó là điều không ai muốn nhưng không thể nào khác.

3. Ai cũng biết trong thời buổi ngày nay, khi sản xuất đã được điện khí hóa, khi mà các tiện nghi của con người ngày càng hiện đại thì việc cắt điện ảnh hưởng lớn đến như thế nào đối với sản xuất và đời sống. Nhưng điện là một loại hàng hóa đặc thù, không phải ở đâu, lúc nào, cứ có tiền là có thể mua và mua bao nhiêu cũng được. Chúng ta cũng không thể một lúc làm ra ngay được điện. Việc xây dựng một nhà máy điện phải mất nhiều năm, thậm chí hàng chục năm.

4. Có một nghịch lý: Mặc dù thiếu trầm trọng nhưng việc sử dụng điện ở nước ta lại rất lãng phí. Cụ thể, tính toán mới nhất của các chuyên gia thuộc Trung tâm Năng lượng Nhật Bản cho thấy, việc sử dụng điện tại Việt Nam lãng phí từ 15-20%, tương đương công suất 1.500-2.800 MW.

Điều đó có nghĩa, mỗi năm chúng ta lãng phí từ 6,5 đến 12,3 tỷ KWh.

Điều đó cũng có nghĩa, chỉ cần chúng ta tiết kiệm được 30 – 50% lượng điện hiện nay bị lãng phí là đã có thể giải quyết cơ bản về tình trạng thiếu điện.

Vì vậy, trong khi chờ đợi phát triển nguồn điện năng mà như trên đã nói, việc xây một nhà máy điện bình thường cũng phải mất nhiều năm, chúng ta có một giải pháp trong tầm tay, mọi người đều có thể thực hiện, mang lại nhiều lợi ích cho cả cá nhân, doanh nghiệp, Nhà nước và xã hội, đó là: TIẾT KIỆM ĐIỆN!

5. Ra khỏi phòng: Tắt điện! Không sử dụng thiết bị: Tắt điện! Sử dụng điện chiếu sáng công cộng, quảng cáo hợp lý và tiết kiệm. Tận dụng nguồn sáng tự nhiên một cách tối đa và khoa học… Và đặc biệt, đừng biến nước ta thành bãi thải công nghiệp khi nhập các máy móc, công nghệ lạc hậu do thế giới thải ra tiêu hao rất nhiều năng lượng… Tất cả những điều ấy, tích tiểu thành đại, không những giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng thiếu điện ngặt nghèo hiện nay mà còn giúp giảm chi tiêu, hạ giá thành sản phẩm, góp phần tích cực thực hiện nhiệm vụ cấp bách hiện nay là kiềm chế lạm phát, bình ổn giá và đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Tuệ Duyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN