Đại biểu Quốc hội thể hiện trách nhiệm cao khi thảo luận sửa đổi Hiến pháp

Ngày 16/11, Quốc hội thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Phiên họp được phát thanh và truyền hình trực tiếp, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và nhân dân cả nước.

 

Thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhân quyền


Luật sư Nguyễn Đình Kim, Trưởng Văn phòng luật sư Tuệ Chương, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh đánh giá: Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận nghiêm túc, thẳng thắn trên tinh thần tập trung trí tuệ và trách nhiệm cao. Dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã bám sát quan điểm, đường lối, định hướng nghiên cứu sửa đổi của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI; thể hiện rõ quy mô phạm vi sửa đổi cả nội dung lẫn cơ cấu, các chương, các điều khoản nhằm thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội; đáp ứng được yêu cầu và phù hợp với tình hình mới của đất nước và đảm bảo tính kế thừa Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992.


Luật sư Nguyễn Đình Kim rất tâm đắc khi dự thảo đã ghi nhận nhiều đổi mới về quyền nhân dân, về tổ chức quyền lực nhà nước, về tôn trọng bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Riêng về quyền con người, dự thảo đã có nhiều đổi mới mạnh mẽ, phù hợp với nguyên tắc quyền con người trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên. Đây là việc thể chế hóa đầy đủ và sâu sắc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực nhân quyền.

 

Trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp


Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh Kon Tum Nguyễn Huỳnh ủng hộ sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhưng vẫn giữ những vấn đề căn bản về tư tưởng, nội dung do Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì biên soạn trong Hiến pháp 1946. Ngoài ra, cần phải trưng cầu ý dân về sửa đổi Hiến pháp. Cùng quan điểm này, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Kon Tum Thái Văn Ngọc cho biết: Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên, Hiến pháp chưa phân định rõ ràng nội dung và các cơ quan thực hiện các quyền này. Ông Thái Văn Ngọc cho rằng cần sửa đổi, bổ sung theo hướng: tách bạch, làm rõ nội dung, chủ thể thực hiện quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp. Cụ thể quyền lập pháp thuộc về Quốc hội, quyền hành pháp thuộc về Chính phủ, quyền tư pháp thuộc về tòa án.

 

Đảm bảo tính độc lập của hệ thống tòa án


Theo luật sư Nguyễn Văn Cường, Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, sửa đổi Hiến pháp cần thống nhất quan điểm: Quyền lực thuộc về nhân dân, Nhà nước nhận sự ủy quyền của nhân dân để thực hiện và đảm bảo quyền lực đó. Vấn đề này phải được ấn định bằng nguyên lý: Quyền của người dân được đảm bảo và hoạt động hiệu quả của thiết chế của Nhà nước thông qua các cách thức để thực hiện sự phân quyền của 3 cơ quan là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Việc sửa đổi lần này cũng cần đảm bảo tính độc lập của hệ thống tòa án.

 

Luật sư nêu thực tế, Chính phủ đang tham gia làm luật quá nhiều, từ đó khiến cho chức năng điều hành bị sao nhãng. Chính quyền cấp Trung ương đến địa phương vẫn đang dành quá nhiều thời gian để giải quyết các khiếu nại tố cáo, trong khi chức năng này lại thuộc về hệ thống tòa án... Do đó, cần xây dựng một Nhà nước mà pháp luật là chuẩn mực của xã hội. Muốn vậy cần thiết lập cơ quan Bảo hiến. Luật sư cũng đồng tình với dự thảo tăng thêm quyền của Chủ tịch nước; tạo cơ chế để giám sát, bảo đảm tính thượng tôn của pháp luật.

 

Nhóm PV

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN