Cơ bản hoàn thành công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử

Trong các ngày từ 9- 13/5, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cùng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh Hà Nam đã có các cuộc tiếp xúc cử tri, thực hiện quyền vận động bầu cử tại 6 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Tại các buổi tiếp xúc cử tri, sau khi nghe đại diện Ủy ban MTTQ tỉnh Hà Nam giới thiệu tóm tắt tiểu sử các ứng cử viên, Phó Chủ tịch nước và những người ứng cử đã phát biểu trước cử tri về chương trình hành động của mình nếu được tín nhiệm bầu vào Quốc hội khóa XIII. Các ứng cử viên đã cam kết không ngừng rèn luyện, nâng cao hơn nữa bản lĩnh chính trị cũng như trình độ chuyên môn; thường xuyên liên hệ chặt chẽ, lắng nghe ý kiến của cử tri và đề xuất với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan về nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân theo quy định của pháp luật; chủ động tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc, bất hợp lý về kinh tế - xã hội của địa phương, kiến nghị với Chính phủ, các cơ quan có thẩm quyền giải quyết kịp thời; tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật quốc gia...

Từ ngày 8-13/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cùng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIII khu vực tỉnh Bắc Giang thuộc đơn vị bầu cử số 2 đã tổ chức 11 buổi gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri của các huyện Việt Yên, Tân Yên và Hiệp Hòa (tỉnh Bắc Giang).

Pano trước Quảng trường Ngân hàng Nhà nước của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Quý Trung - TTXVN


Tại các điểm tiếp xúc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và các ứng cử viên đại biểu Quốc hội đã trình bày trước cử tri chương trình hành động và khẳng định nếu trúng cử sẽ thực hiện tốt các nhiệm vụ của người đại biểu Quốc hội; đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân; thường xuyên gắn bó với cử tri và chịu sự giám sát của cử tri. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã thông tin đến các cử tri một số vấn đề lớn của ngành giáo dục đào tạo nước ta hiện nay; lắng nghe, trao đổi với các cử tri về làm thế nào để nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện tốt việc phổ cập giáo dục bậc học mầm non; trao đổi, giải đáp một số vấn đề liên quan đến đào tạo nghề cho nông dân; chế độ, chính sách cho đội ngũ giáo viên, cán bộ cơ sở; việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa...

Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 ở các tỉnh Phú Thọ, Bắc Ninh đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng cho ngày bầu cử 22/5 tới.

Nét mới của cuộc bầu cử năm nay ở Phú Thọ là số lượng ứng cử viên đều có số dư khá cao để tạo nhiều sự lựa chọn cho cử tri. Tỉnh giảm số lượng ứng cử viên ở các cơ quan quản lý nhà nước, tăng ứng cử viên ở các cơ quan Đảng, đoàn thể, cán bộ kỹ thuật, cán bộ trẻ, phụ nữ, người ngoài Đảng. Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, chương trình hành động của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội và HĐND đều được chuẩn bị khá công phu, sát với thực tế cuộc sống, thể hiện trách nhiệm và trình độ của các ứng cử viên. Cùng với đó, tài liệu, biểu mẫu, con dấu... đã được tỉnh chuyển về các địa phương từ khá sớm. Các lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác bầu cử cũng đã được tổ chức theo phương châm "cầm tay chỉ việc" giúp họ chủ động trong các công việc bầu cử.

Tại tỉnh Bắc Ninh, toàn bộ danh sách trích ngang và tiểu sử tóm tắt những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 đã được niêm yết tại UBND cấp xã và các địa điểm bỏ phiếu theo quy định. UBND cấp xã và các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành việc niêm yết danh sách cử tri. Tỉnh đã chuẩn bị xong và cấp phát các tài liệu, biểu mẫu phục vụ cho bầu cử. Công tác tuyên truyền đang được triển khai sâu rộng, bằng nhiều hình thức phong phú.

Ngày 13/5, ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Trưởng đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát, kiểm tra công tác chuẩn bị cho bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 tại tỉnh Vĩnh Long.

Trong buổi làm việc với Ủy ban bầu cử tỉnh Vĩnh Long, ông Ksor Phước đánh giá: Vĩnh Long đã tổ chức thực hiện đúng các quy trình, thủ tục, đúng luật định các nội dung chuẩn bị bầu cử. Công tác chỉ đạo bầu cử của các cấp ủy Đảng, chính quyền sâu sát; sớm thành lập các tổ chức chỉ đạo và thực hiện chuẩn bị bầu cử và triển khai công tác tập huấn chuyên môn cho cán bộ các cấp, đặc biệt cho tổ bầu cử. Việc niêm yết danh sách ứng cử viên, danh sách cử tri tỉnh đã thực hiện đúng thời gian quy định, đúng quy trình; công khai, dân chủ, minh bạch và đảm bảo công bằng cho các ứng cử viên trong quá trình tiếp xúc cử tri vận động bầu cử. Công tác tuyên truyền bầu cử của tỉnh thực hiện khá đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, đảm bảo cả tuyên truyền trên diện rộng và tuyên truyền chiều sâu, có những mô hình tuyên truyền độc đáo phù hợp cho vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; gây ấn tượng với cử tri trong tỉnh.

Ông Ksor Phước lưu ý trong thời gian từ nay đến ngày bầu cử, Vĩnh Long cần tiếp tục chú trọng đến tuyên truyền về bầu cử đối với các làng nghề, các KCN, các trường cao đẳng, đại học trên địa bàn; nắm vững số cử tri tạm trú (KT2, KT3) trên địa bàn. Công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, an toàn giao thông cần được tăng cường, nhất là các địa bàn trọng điểm.

TTN

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN