Chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ

Các tính phía Nam đang tích cực triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ có khả năng mạnh thêm và ảnh hưởng trực tiếp đến thành phố, nhằm giảm thiểu tối đa các thiệt hại.

 

Dự kiến đường đi của áp thấp nhiệt đới. Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn TW.

 

* TP Hồ Chí Minh: Các sở, ngành, đơn vị thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện đang triển khai các phương án phòng, chống tại đơn vị mình để chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới đang di chuyển vào đất liền.

 

Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố khẩn trương thực hiện phương án đảm bảo an toàn cho người và tàu thuyền hoạt động trên địa bàn; sử dụng tất cả các phương tiện thông tin và truyền thông để thông báo thường xuyên cho các thuyền trưởng, chủ tàu thuyền hoạt động nghề cá, các phương tiện vận tải trên biển và dân cư ven biển biết diễn biến, hướng di chuyển của áp thấp nhiệt đới để chủ động thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; hướng dẫn tàu thuyền neo đậu đúng quy định; kiên quyết không để người ở lại tàu thuyền, các chòi canh...

 

UBND các quận, huyện cũng triển khai phương án chi tiết huy động lực lượng, vật tư, phương tiện giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, bảo vệ các khu vực, công trình trọng điểm; sẵn sàng chuẩn bị cứu hộ, cứu nạn… Riêng huyện Cần Giờ đang chuẩn bị di dời dân xã đảo Thạnh An vào đất liền và các hộ dân có nhà ở đơn sơ, tạm bợ ven sông, biển đến các địa điểm kiên cố an toàn khi có lệnh của UBND thành phố.

 

* Theo dự báo, nếu áp thấp nhiệt đới đổ bộ trực tiếp vào Bạc Liêu thì có 17.202 hộ dân sống ven biển, với hơn 71.000 người bị ảnh hưởng. Bạc Liêu đã huy động hơn 1.100 người và 5.785 phương tiện để chuẩn bị ứng phó đợt áp thấp này. Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh nhận định: Huyện Đông Hải sẽ bị ảnh hưởng nặng nhất do triều cường. Để chủ động ứng phó với triều cường, tỉnh xác định việc triển khai giải pháp phòng chống ở các địa phương là vô cùng cấp bách. Sở Nông nghiệp&Phát triển nông thôn chỉ đạo mở ngay các cống nằm dọc QL1A để tiêu thoát nước, đề phòng bị ngập khi có mưa lớn. Bên cạnh việc vận động nhân dân đắp cao bờ bao ở vùng chuyên rau màu và chuyên tôm ở các xã vùng ven, TP. Bạc Liêu còn tổ chức đắp cao các đê chống ngập ở các cống đầu mối đồng thời, trải bạt và đắp đất bao quanh để chống nước thấm vào các lỗ mối gây vỡ đê; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình kè ven sông Bạc Liêu để hạn chế ngập.

 

Ông Lai Thanh Ẩn, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bạc Liêu cho biết: Tác động kép của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) xuất hiện trùng với đợt triều cường dâng cao đã gây ra những ảnh hưởng ban đầu đối với địa phương này. Theo đó, từ chiều 14 đến rạng sáng 15/11, trên địa bàn xuất hiện mưa nhẹ hạt trên diện rộng; triều cường trong đêm 15 dâng cao +2,00, vượt mức báo động III đã gây ra ngập úng cục bộ tại các cửa biển, vùng trũng làm nhiều nhà cửa, công trình dân sinh, đường giao thông…

 

Theo ghi nhận của ngành chức năng, tình hình thời tiết trên địa bàn còn diễn biến phức tạp, nhất là trên vùng biển Đông. Đến sáng 15/11, Bạc Liêu còn 14 tàu với 129 thuyền viên hoạt động trên biển nhưng 100% phương tiện đã giữ liên lạc và thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, tìm đến nơi trú ẩn an toàn. Tỉnh đã quyết định tạm đóng cửa hơn 320 trường với hơn 168.000 học sinh trên địa bàn được nghỉ học cho đến khi có thống báo mới về ATNĐ; có kế hoạch bố trí lực lượng, phương tiện tại chỗ sẵn sàng sơ tán, di chuyển người, tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm. Tỉnh đã thành lập nhiều đoàn đi kiểm tra các địa phương, khu vực, điểm “nóng” được cảnh báo bị ảnh hưởng nặng, nhằm tìm giải pháp ứng phó kịp thời, giảm thiệt hại thấp nhất cho người dân.

 

* Sáng 15/11, Sở GD – ĐT Bến Tre đã cho học sinh các cấp trên địa bàn tỉnh được nghỉ học nhằm chủ động phòng, chống áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão.

 

UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các ngành có liên quan nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi; các tàu đang khai thác thủy sản gần bờ được các đồn biên phòng bắn pháo hiệu gọi về; các tàu khai thác xa bờ cũng được liên lạc thông báo tọa độ, diễn biến của áp thấp để tìm cách thoát khỏi vùng nguy hiểm. Đối với dân cư trên các cồn, bãi ven biển, chính quyền địa phương có kế hoạch chuẩn bị di dời dân vào bờ khi cần thiết. Các huyện xem xét không cho các bến đò ngang hoạt động. Áp thấp nhiệt đới xảy ra cùng lúc với triều cường nên mức độ gây hại sẽ lớn, UBND tỉnh chỉ đạo các huyện thông báo đến các hộ nuôi trồng thủy sản, vườn cây ăn trái, sản xuất lúa, muối... chủ động gia cố đê bao, kè; phân công người trực, kịp thời phát hiện sạt lở, ngập úng, nhằm nhanh chóng tổ chức ứng cứu, hạn chế thiệt hại.

 

*Tỉnh Hậu Giang đang tích cực chuẩn bị các phương án đối phó với tình hình áp thấp nhiệt đới gần bờ dự kiến sẽ đi qua địa bàn tỉnh từ chiều ngày 15/11. Tỉnh yêu cầu lãnh đạo các sở ngành, huyện, thị tạm dừng ngay các cuộc họp đến khi hết ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới. Ngành Giáo dục - Đào tạo cho học sinh bậc mẫu giáo và tiểu học nghỉ học từ chiều ngày 15 đến hết ngày 16/11. Các ngành, địa phương và nhân dân trong tỉnh cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của áp thấp nhiệt đới, vận động bà con chằng chống nhà cửa, phát quang cây cối xung quanh nhà, củng cố đường dây điện tự kéo cho chắn chắn; nếu có thiên tai cần tìm nơi trú ẩn an toàn; chỉ đạo các bến đò ngang, đò dọc trên kênh, rạch không được hoạt động trong thời gian mưa to gió lớn và ngưng hoạt động từ 13 giờ ngày 15/11.

 

UBND tỉnh cũng chỉ đạo Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ huy lực lượng xung kích, dân quân tự vệ tại chỗ giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống; kiểm tra hệ thống đê bao, vườn cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản, các vùng sạt lở và có nguy cơ sạt lở; di dời dân đến nơi an toàn, cắm biển báo nguy hiểm ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Ban chỉ huy Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCLB-TKCN) tỉnh Hậu Giang yêu cầu nhân dân đề phòng nước dâng cao và không được gieo sạ lúa đông xuân trong thời điểm này.

 

* Trưa 15/11, tại cuộc họp khẩn với các sở, ban ngành và Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão – Tìm kiếm cứu nạn thành phố…, UBND TP. Cần Thơ yêu cầu các đơn vị tập trung chỉ đạo quyết liệt, kịp thời các biện pháp đối phó với áp thấp nhiệt đới gần bờ, mưa, lũ và các đợt triều cường dâng cao trên sông Hậu. Trung tâm Khí tượng thủy văn TP. Cần Thơ theo dõi chặt chẽ và thông báo kịp thời diễn biến tình hình áp thấp nhiệt đới gần bờ, mưa, lũ và triều cường trên các phương tiện thông tin để nhân dân nắm bắt kịp thời và chủ động đối phó. Ngành Giáo dục cần nắm chắc thời điểm áp thấp nhiệt đới gần bờ tràn qua địa bàn để kịp thời bố trí cho học sinh tạm nghỉ học, đảm bảo an toàn cho học sinh. Người dân cần tăng cường quản lý con em không để trẻ bị chết đuối; tổ chức chống nhà cửa, công trình đề phòng giông lốc. Các đơn vị liên quan kiểm tra và sẵn sàng các phương án đảm bảo an toàn đê điều, các công trình đang xây dựng; kiểm tra các bến đò ngang trên sông Hậu, khẩn trương kiểm tra và thực hiện gia cố, tôn cao các tuyến bờ bao ngăn lũ bảo vệ diện tích lúa đông xuân vừa xuống giống. UBND TP. Cần Thơ cũng yêu cầu các cán bộ được phân công theo dõi, ứng phó với áp thấp nhiệt đới không được tắt điện thoại, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.

 

* T ỉnh Kiên Giang nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi, không cho người ở lại trên các tàu cá đã vào neo đậu và lồng bè nuôi cá , chòi canh nuôi trồng thủy sản trên biển; kiểm soát chặt chẽ và tạm ngừng hoạt động tàu thuyền ở các sông lớn , khu vực cửa sông, ven biển để đảm bảo an toàn. Tỉnh chỉ đạo các huyện ven biển, hải đảo theo dõi tình hình thực tế diễn biến của áp thấp nhiệt đới , chuẩn bị phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư khi cần thiết; b ố trí 2 tiểu đoàn 519 và 207, đại đội tăng thiết giáp và 2 huyện Kiên Hải, Phú Quốc, mỗi địa phương một đại đội và một trung đội dân quân tự vệ trực chiến sẵn sàng ứng cứu giúp dân khi tình huống xấu xảy ra.

 

Tỉnh chỉ đạo các ngành tạm ngừng các cuộc họp không cần thiết, tập trung toàn lực triển khai thực hiện các phương án ứng phó theo phương châm 4 tại chỗ, kiên quyết không để thiệt hại về người và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại tài sản do áp thấp nhiệt đới gây ra. Tỉnh chỉ đạo phân công lực lượng có liên quan, nhất là quân sự, biên phòng, công an trực chiến 24/24, cập nhật thông tin chủ động đối phó với áp thấp nhiệt đới.

 

Kiên Giang hiện có 12.000 tàu thuyền hoạt động trên biển Đông, vùng biển Tây Nam . Đến thời điểm này, các địa phương ven biển như: An Biên, An Minh, Kiên Hải, Phú Quốc, thành phố Rạch Giá, thị xã Hà Tiên đã kêu gọi gần 11.000 tàu thuyền đánh bắt hải sản, các tàu hoạt động ngoài biển vào bờ an toàn. Các tàu khách nằm trên địa bàn huyện đảo Kiên Hải đã ngưng hoạt động để phòng tránh áp thấp nhiệt đới.

 

 

Nhóm PV TTXVN tại các địa phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN