Cần quy định trách nhiệm tiếp cận bí mật nhà nước khi đã nghỉ hưu

Theo đại biểu Quốc hội, để nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ bí mật nhà nước, ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm, điều kiện với người được tiếp cận bí mật nhà nước trong thời gian làm nhiệm vụ cũng như khi thôi làm nhiệm vụ và đã nghỉ hưu.

Bí mật nhà nước là tài sản quốc gia

Sáng nay 22/11, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Theo các đại biểu, cần thiết ban hành Luật để đảm bảo an ninh quốc gia, đồng thời để tiếp cận thông tin theo đúng quy định.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Dương Tấn Quân phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa – Vũng Tàu) khẳng định, bí mật nhà nước là tài sản quốc gia. Để nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ bí mật nhà nước, đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm, điều kiện với người được giao nhiệm vụ biên soạn dự thảo luật và người được tiếp cận bí mật nhà nước trong thời gian làm nhiệm vụ cũng như khi thôi làm nhiệm vụ và đã nghỉ hưu. Đồng thời phải có biện pháp xử lý người làm lộ bí mật nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) bày tỏ sự băn khoăn về quy định về thẩm quyền cấp chính quyền địa phương trong việc xác định độ mật và công bố độ mật của một số tài liệu, đặc biệt là tài liệu liên quan phát triển kinh tế, an sinh xã hội như trong dự thảo luật.

Theo đại biểu Nguyễn Bá Sơn, hiện trong các luật chuyên ngành đã có điều khoản riêng và liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế -xã hội, an ninh quốc phòng đều có quy định công bố công khai. Vì vậy, dự thảo luật cần bổ sung là những nội dung đã được luật chuyên ngành quy định là phải công khai thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của luật này. Bên cạnh đó, việc sao chụp bí mật nhà nước chỉ nên giao cho người đứng đầu cơ quan tổ chức thực hiện. 

Theo các đại biểu, dự thảo luật cần bổ sung thêm đối tượng cán bộ, công chức và mọi công dân có nhiệm vụ, trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước. Về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 6 dự thảo luât), nên bổ sung thêm quy định là cấm phát ngôn có nội dung bí mật nhà nước vì thực tế có việc bị lọt thông tin, bí mật nhà nước qua phát ngôn của các cá nhân, cán bộ, công chức.

Cần làm rõ cơ sở nào quy định thời hạn bảo vệ

Theo đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang), hiện nay với công nghệ và kỹ thuật hiện đại thì con người không cần đột nhập vẫn có thể chiếm đoạt bí mật nhà nước. Vì vậy, nơi lưu giữ bảo quản bí mật nhà nước phải được xây dựng, trang bị các thiết bị chống trộm, chống chiếm đoạt bí mật nhà nước, chống cháy nổ và bị tiêu huỷ.
 
Về thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước, dự thảo luật quy định là 30 năm đối với bí mật nhà nước độ Tuyệt mật, 20 năm đối với bí mật nhà nước độ Tối mật, 10 năm đối với bí mật nhà nước độ Mật. 

Nhưng theo đại biểu Âu Thị Mai, thực tế có những tài liệu mật cần bảo vệ lâu dài, thậm chí là vĩnh viễn chứ không chỉ 10-20- 30 năm, vì vậy đề nghị ban soạn thảo cần làm rõ cơ sở nào quy định thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước và thời hạn gia hạn là bao lâu. 

Đại biểu Dương Tấn Quân cũng cho rằng, quy định thời hạn bảo vệ bí mật nhà nước cấp độ tuyệt mật là 30 năm ở lĩnh vực quốc phòng an ninh là ngắn vì trong ngành này có những tài liệu đặc biệt quan trọng, nếu bị lộ lọt sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng lợi ích dân tộc, an ninh quốc gia. Do đó, cần tăng thời gian bảo vệ bí mật nhà nước với lĩnh vực quốc phòng an ninh.

Theo các đại biểu, về các hoạt động tổ chức hội thảo, hội nghị, hội họp có nội dung bí mật nhà nước, dự thảo luật quy định phải tổ chức ở nơi bảo đảm an toàn và đúng đối tượng. Thông tin phổ biến, nghiên cứu, trao đổi phải đúng nội dung được phê duyệt và được bảo vệ theo quy định của luật này. 

Tuy nhiên, thực tế, thời gian qua việc tổ chức hội nghị, hội họp, hội thảo có sử dụng, trao đổi thông tin bí mật nhà nước chưa được kiểm soát chặt chẽ về địa điểm tổ chức, thành phần, đối tượng tham dự, phương tiện thiết bị đảm bảo an toàn dẫn đến nguy cơ bị lộ bí mật nhà nước rất cao. “Vì vậy, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung làm rõ hơn quy định này nhằm hạn chế tối đa việc lộ bí mật nhà nước thông qua các hoạt động hội nghị, hội thảo”, đại biểu Âu Thị Mai đề xuất.

Xuân Phong-Thu Trang/Báo Tin tức
Góp ý hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước
Góp ý hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước

Tại hội thảo góp ý dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, do Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 10/10, các chuyên gia nhấn mạnh, cần quy định chặt chẽ, cụ thể trong luật, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin để bảo vệ các bí mật Nhà nước và tránh lạm dụng luật trong ban hành văn bản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN