03:18 23/03/2011

Thổi hơi ấm vào hờn dỗi

Điều mà tôi không chịu nổi ở vợ là cô ấy hay hờn dỗi. Cái trò cả tuần không thèm quan tâm chồng nói gì, ăn gì, làm gì thường xuyên diễn ra.

Điều mà tôi không chịu nổi ở vợ là cô ấy hay hờn dỗi. Cái trò cả tuần không thèm quan tâm chồng nói gì, ăn gì, làm gì thường xuyên diễn ra.

Những lúc vợ chồng hòa thuận, tôi đã nhiều lần thổ lộ với cô ấy mình chán chường, mệt mỏi thế nào mỗi khi cô ấy làm mình làm mẩy. Cô ấy chỉ cười, ngoan hiền nhận lỗi, rồi đâu lại đóng đấy, thậm chí mức độ và hình thức còn biến ảo khó lường hơn.

Lần gần đây nhất, cô ấy giở chiêu tươi cười với tất cả mọi người, trừ tôi. Tôi có cảm giác mình là người thừa ngay trong ngôi nhà mình…

Nguyễn Đức Thỏa
(Bình Dương, TP HCM)

Anh chị cùng là người Bắc vào Nam lập nghiệp nên tình trạng cô đơn, thừa thãi ngay trong chính ngôi nhà mình mỗi khi vợ chồng có chiến tranh lạnh càng khó chịu đựng và dễ nhận biết.

Anh đã làm được một việc tốt là nhẫn nhịn chịu đựng lúc cô ấy hờn dỗi và lựa lời chia sẻ khi hai vợ chồng vui vẻ, thuận hòa.

Tuy nhiên, chiến lược hạn chế không khí gia đình lạnh lẽo này cần nhiều hơn nữa nỗ lực và sự sáng tạo của anh, nhất là trong tình trạng vợ anh hay giở chiêu bài ngúng nguẩy.

Làm mềm trái tim băng giá


Sẽ rất khó khăn khi một người cố gắng làm lành, một người lại bất hợp tác tuyệt đối. Nhưng trái tim băng giá của người phụ nữ lại dễ tan chảy khi:

- Người chồng ăn năn, hối lỗi: Nhận ra khuyết điểm của mình, biết xin lỗi đúng lúc, có những hành động nhận lỗi chân thành.

- Vòng tay âu yếm và những lời thủ thỉ: Anh sẽ phát bực vì cứ phải ôm một khúc gỗ khá lâu, nhưng khúc gỗ ấy sẽ “động đậy” nếu bạn làm cô ấy quên đi nỗi hờn giận vì anh không ngừng thể hiện tình cảm yêu thương. Nói tóm lại, không ai có thể thờ ơ mãi với sự nồng nhiệt của đối tác.

- Chiều những sở thích đặc biệt của cô ấy: Lúc buồn thì làm việc nhà, đọc sách, lúc chán chường thì nghe nhạc, cáu chồng thì đếm tiền... sẽ giúp cô ấy hạ hỏa nhanh hơn.

Đủ cứng rắn để xoay chuyển tình hình


Tuy nhiên, cô ấy không mặc nhiên được hưởng đặc quyền đặc lợi bắt anh chịu trừng phạt rồi nỗ lực làm lành một chiều.

Đôi khi cũng phải để cô ấy nếm vị đắng chát, khó chịu của cảnh chồng lặng lẽ trong nhà như một cái bóng, không ý kiến, không bình luận.

Đôi khi, cô ấy cần biết giới hạn sức chịu đựng của anh, một hạn mức thời gian cho giận dỗi để tự điều chỉnh bản thân và dừng lại khi chưa quá muộn.

Và ai cũng có một yếu điểm tâm lý, cá tính, anh phát hiện chính xác “gót chân Asin” ấy thì có thể chữa trị 100% căn bệnh thích chiến tranh lạnh này.

Hạn chế bùng phát chiến tranh


Anh chưa chia sẻ những lý do khiến cô ấy giận dỗi. Và chúng tôi thì đã được nhiều bạn đọc kể cho nghe về nỗi khổ có cô vợ trẻ con, hơi chút là làm mình làm mẩy. Cho nên, rất hiểu nguyên nhân bùng phát chiến tranh ở mỗi gia đình sẽ muôn hình vạn trạng.

Anh hãy để ý đến vợ mình hơn một chút để tự điều chỉnh bản thân cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh gia đình, mong muốn của cô ấy.

Cách hạn chế cãi vã, xung đột hiệu quả nhất của mọi gia đình chính là người này đứng ở vị trí của người kia để suy xét, đánh giá vấn đề.


Khi anh hiểu chị ấy, thông cảm cho chị ấy, chị ấy cũng mong muốn đáp lại anh như thế.

Theo TGPN