09:08 10/09/2017

“Thời gian vàng” để đối tượng buôn lậu vận chuyển lượng lớn thuốc lá

Do Bộ Luật hình sự có hiệu lực từ 1/1/2018 nên giai đoạn này đang được coi là “thời gian vàng” để các đối tượng buôn lậu vận chuyển thuốc lá nhập lập với số lượng lớn.

Tòa án nhân dân tối cao vừa có công văn hướng dẫn về việc xử lý các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018). Theo đó, kể từ ngày 1/7/2015 đến ngày 1/1/2018, không xác định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm. Từ đó không xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa theo quy định tại Điều 155 Bộ luật hình sự năm 1999.

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Đồng Tháp cho biết: Nắm bắt được thông tin về hành vi vận chuyển thuốc lá nhập lậu dưới 1.500 bao thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nên đối tượng tăng số lượng thuốc lá nhập lậu lên cho mỗi chuyến so với trước đây (trước đây vận chuyển dưới 500 bao/chuyến thì hiện nay tăng lên dưới 1.500 bao/chuyến).

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp, 6 tháng đầu năm 2017 các lực lượng chức năng chống buôn lậu đã kiểm tra, xử lý 761 vụ (bắt 237 đối tượng) buôn lậu thuốc lá, số lượng thuốc lá nhập lậu bị bắt giữ là 287.994 bao, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2016.

“Tình hình vận chuyển thuốc lá nhập lậu trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thời gian qua vẫn còn diễn ra, nhất là các đối tượng vận chuyển thuốc lá nhập lậu bằng phương tiện xe mô tô 2 bánh. Các đối tượng rất liều lĩnh, điều khiển phương tiện chạy với tốc độ cao để nhanh chóng đưa hàng hóa đến nơi tiêu thụ an toàn, họ bất chấp nguy hiểm đến tính mạng nên các lực lượng chức năng không dám truy đuổi vì sợ ảnh hưởng đến người cùng tham gia giao thông”, cán bộ Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp nói.

Bên cạnh đó, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thuốc là cũng ngày càng tinh vi. Chúng thuê người canh chừng, giám sát mọi hoạt động của các lực lượng chức năng, thay đổi kết cấu bên trong phương tiện để chứa hàng, làm cho lực lượng chức năng nếu quan sát qua thì rất khó phát hiện, mỗi phương tiện đối tượng chứa từ 250 - 350 bao thuốc lá nhập lậu.

Đối tượng vận chuyển thuốc lá nhập lậu đa số là dân nghèo sống khu vực biên giới không có việc làm ổn định, lấy việc vận chuyển thuê để nuôi bản thân và gia đình. Ngoài ra còn có những đối tượng là nông dân nhàn rỗi sau khi kết thúc vụ thu hoạch mùa màng tham gia vận chuyển thuê để kiếm thêm thu nhập.

Ông Vũ Lê Tùng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thuốc lá chi nhánh Sài Gòn kiến nghị: Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chính sách tiêu hủy thuốc lá lậu bị bắt giữ, kiên quyết không cho phép việc tái xuất hay đấu thầu tiêu thụ trong nước vì điều này sẽ tạo ra kẽ hở pháp luật để các đối tượng buôn lậu lợi dụng, hợp pháp hóa việc đưa thuốc lá nhập lậu vào tiêu thụ nội địa tại Việt Nam và phá vỡ các quy định về kiểm soát sản xuất, kinh doanh thuốc lá hiện hành cũng như các cam kết quốc tế.

Còn ông Vũ Văn Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng đề nghị Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Đồng Tháp tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng trên toàn tỉnh quyết liệt triển khai các biện pháp kiểm soát thuốc lá nhập lậu từ biên giới vào nội địa, các điểm bán lẻ... Cùng với đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về tác hại, cũng như hệ lụy của buôn bán vận chuyển thuốc lá lậu đến cư dân biên giới, qua đó giúp cư dân biên giới nhận thực được những tác hại của vấn nạn này từ đó không tiếp tay cho buôn lậu thuốc lá.

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật hình sự năm 2015, theo đó sửa đổi điều 190, 191 theo hướng thuốc lá lậu là hàng cấm, truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 1 năm đến 5 năm đối với các trường hợp vận chuyển từ 1.500 bao đến 3.000 bao; phạt tù từ 5-10 năm đối với các trường hợp vận chuyển từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao và phạt tù tới 15 năm khi buôn bán, vận chuyển 4.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trở lên.

Minh Phương/Báo Tin Tức