09:09 16/09/2012

Thời của những tay vợt có cú giao bóng “sấm sét”

Trong những thập kỷ gần đây, những cú giao bóng trở thành kỹ thuật quan trọng bậc nhất trong quần vợt, nhưng chính việc lạm dụng những pha giao bóng ăn điểm trực tiếp cũng khiến các trận đấu trở nên buồn tẻ.

Giao bóng trong tennis giống như phát súng khởi đầu mỗi trận chiến. Sau mỗi cú phát bóng mạnh mẽ là cả một sự phấn khích về tinh thần mà các tay vợt ngay lập tức có được.


Giao bóng đòi hỏi hội tụ đầy đủ mọi yếu tố: Kỹ thuật, thời điểm, lực đánh, sự chính xác và cả vấn đề tâm lý. Một cú đập vợt khi giao bóng cũng là cách trực tiếp khiêu khích đối thủ của mình. Và bởi thế, nếu nó được thực hiện một cách hoàn hảo thì đối thủ khó có thể chặn được.


Trong những thập kỷ gần đây, những cú giao bóng trở thành kỹ thuật quan trọng bậc nhất trong quần vợt, nhưng chính việc lạm dụng những pha giao bóng ăn điểm trực tiếp cũng khiến các trận đấu trở nên buồn tẻ. Những pha đánh bóng dai dẳng cũng ít dần đi cùng với sự gia tăng về tốc độ và những cú giao bóng ăn điểm trực tiếp.


Ở những trận đấu của các kỳ phùng địch thủ như Novak Djokovic và Rafael Nadal, những tay vợt mà khả năng đánh trả giao bóng hàng đầu thế giới, ngoài những pha bóng giằng co dai dẳng người ta còn được chứng kiến những quả giao bóng đầy tốc độ. Và quần vợt lại thêm phần hấp dẫn.


Nói về giao bóng, không có tay vợt nữ nào giỏi hơn Serena Williams (ảnh). Ngay từ những ngày đầu chập chững làm quen với quần vợt, bố cô đã dạy “ném như một đứa con trai” và lấy ngay Pete Sampras làm hình mẫu. Serena không chỉ có lực phát bóng lớn mà còn có sức bật từ đôi chân. Sau này, rất nhiều tay vợt khác đã phải xem lại các trận thi đấu của Serena để học hỏi kỹ thuật giao bóng của cô.


Chức vô địch Mỹ mở rộng thứ 4 năm nay đã khẳng định được ưu thế mà những cú phát bóng mang lại cho các tay vợt.



Andy Roddick, tay vợt mới tuyên bố giải nghệ ở tuổi 30 cũng là người làm nên sự nghiệp bởi những cú giao bóng. Andy Roddick đã từng vươn lên vị trí số 1 thế giới vào năm 2003 và đặc biệt nổi tiếng với những cú giao bóng có vận tốc lên tới 220-240 km/giờ.


Không “khủng khiếp” như gã khổng lồ Ivo Karlovic nhưng những cú giao bóng của Roddick trong thời kỳ đỉnh cao vẫn là nỗi khiếp sợ của mọi tay vợt khi phải đối đầu với anh. Flat serve nhưng vẫn tạo ra topspin của Roddick vẫn luôn đem lại cho anh những điểm số quan trọng khi nắm quyền giao bóng, thứ vũ khí nhanh nhất để chiến thắng đối thủ.


Anh sở hữu cú giao bóng tốc độ cao thứ 4 trong lịch sử quần vợt và tốc độ cao nhất tại giải Mỹ mở rộng. Tại giải đấu năm nay, anh cũng là người có tỉ lệ giao bóng 1 thắng cao nhất so với bất kỳ đối thủ nào cùng bảng đấu.


Có thể nhờ tài năng thiên bẩm hoặc quá trình khổ luyện nhưng những phân tích của các chuyên gia tennis hàng đầu thế giới đã chỉ ra rằng, sức mạnh trong cú giao bóng của Roddick đến từ chân và thân người (20%), bắp tay (10%), cánh tay (40%), bàn tay (30%) và cộng thêm cả tốc độ đầu vợt.


Lợi thế của các cú giao bóng cũng được thể hiện tại giải đấu Wimbledon năm nay. Huyền thoại Roger Federer chưa bao giờ là tay vợt nhanh nhất nhưng là người chuẩn xác nhất. Trong trận chung kết, khi mái che được đóng lại do trời mưa, khi tốc độ gió không làm ảnh hưởng tới các cú đánh, Federer liên tục phát bóng ăn điểm trực tiếp và giành chiến thắng.


Nhiều chuyên gia cho rằng đây là thứ “quần vợt trong phòng thí nghiệm” bởi mọi điều kiện về gió, về thời tiết đã không còn ảnh hưởng đến kỹ thuật, chiến thuật của các tay vợt.


Về tốc độ giao bóng, tay vợt Croatia Ivo Karlovic đang nắm giữ kỷ lục thế giới với cú phát bóng đạt tốc độ 251km/giờ trong một trận đấu ở giải David Cup năm 2011.



Minh Đăng