08:06 23/08/2012

Thời “cầm đồ” phát đạt ở Italia

Thời buổi khó khăn, Valerio Novelli, một nhân viên soát vé xe buýt ở Rôma (Italia), đành phải tính đến chuyện bán chiếc răng vàng cũ kỹ của mình. “Tôi không thể chịu nổi đến cuối tháng này mà không nợ nần”, người đàn ông 56 tuổi, đang phải gồng mình hỗ trợ cho vợ cũ và con gái, than thở.

Thời buổi khó khăn, Valerio Novelli, một nhân viên soát vé xe buýt ở Rôma (Italia), đành phải tính đến chuyện bán chiếc răng vàng cũ kỹ của mình. “Tôi không thể chịu nổi đến cuối tháng này mà không nợ nần”, người đàn ông 56 tuổi, đang phải gồng mình hỗ trợ cho vợ cũ và con gái, than thở.


 

Các cửa hiệu “Tôi mua vàng” đang mọc lên như nấm khắp Rôma. Ảnh: Internet

 

Tại một đất nước đang oằn mình vì khủng hoảng kinh tế như Italia, mua vàng từ những người đang khó khăn đã trở thành một trong rất ít những ngành kinh doanh phát đạt. Các trung tâm thành phố đang chuyển biến khi những cửa hàng truyền thống nghỉ kinh doanh, và biển hiệu của họ được thay mới bởi dòng chữ “Compro Oro” (Tôi mua vàng).


Công ty tư vấn Eurispes ước tính con số cửa hàng cầm đổ kiểu “Tôi mua vàng” đã tăng gấp 4 lần trong vòng hai năm qua. Tốc độ tăng trưởng của ngành này là “một dấu hiệu rõ ràng cho thấy mức độ khó khăn của người dân đất nước chúng ta”, Chủ tịch Eurispes, Gian Maria Fara nói.


Alexica Messi, một nhân viên 30 tuổi làm việc cho cửa hàng “Oro Change” (Đổi vàng) ở Via Medaglie D’Oro, phía bắc Rôma, cho biết: “Mọi người chưa bao giờ vui vẻ với việc phải bán đồ, nhưng nay thì họ đến đây với đủ thứ - vàng, bạc, đồ cổ, đồ mới. Mỗi ngày, lượng khách hàng đến chỗ chúng tôi đông gấp hai lần so với một năm trước”. Oro Change mở cửa hàng đầu tiên cách đây 5 năm và nay đã có 7 cửa hàng tại Rôma.


Trong khi đó, những người bán lẻ truyền thống ở Italia đang cảm nhận rõ những mất mát do khủng hoảng. Ở trung tâm thủ đô, Massimo Della Rocca, 57 tuổi, điều hành shop quần áo nam giới EDEL kể từ khi được thừa hưởng từ ông nội của mình 30 năm trước, đành tính đến nước bán cửa hàng. “Mọi việc đã bắt đầu xấu đi từ vài năm trước, nhưng nay thì không thể chịu đựng nổi nữa. Doanh số trong mùa hè này đã giảm 25% so với năm ngoái”, Della Rocca tuyệt vọng nói và cho biết, ông vô cùng buồn bởi cửa hàng quần áo làm từ vải truyền thống ở địa phương của ông đã có lịch sử tới 80 năm.

 

Khi “cầm đồ” thay thế nhà băng


Cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi từng tuyên bố rằng, các nhà hàng ở Italia vẫn đông khách và người Italia vẫn đang mua nhiều đồ gia dụng điện tử hơn bao giờ hết. Nhưng trên thực tế, việc các cửa hiệu cầm đồ mọc lên như nấm, với doanh thu hàng năm lên tới 7 tỉ euro, là một dấu hiệu rất rõ cho thấy đời sống của hàng triệu người Italia đã biến đổi tồi tệ.


Nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone đã chìm trong suy thoái suốt một năm qua và đã tăng trưởng ở mức -2,5% trong quý 2 năm nay. Theo ông Gianni Mancuso, một trong 6 nghị sĩ trong tháng trước đã yêu cầu chính phủ phải điều hành ngành cầm đồ chặt chẽ hơn, ước tính có tới 28.000 hiệu cầm đồ “đổi vàng lấy tiền” ở Italia. Gần đây đã xảy ra nhiều vụ bắn giết tại Rôma liên quan đến các chủ hiệu cầm đồ, và quốc hội đang tranh luận về việc ngành này đã bị các băng nhóm mafia kiểm soát.


Ranieri Razzante, chủ tịch tổ chức chống rửa tiền AIRA, cho rằng, ngành cầm đồ đã “chiếm vị trí của các ngân hàng”, trở thành nơi cấp tài chính cho các gia đình Italia do các nhà băng ngày càng ngần ngại cho vay. Các khoản cho vay gia đình đã giảm xuống mức niên hóa là 0,6% trong tháng 6. Theo khảo sát của Eurispes, khoảng 8,5% người Italia đã từng bán đồ ở các hiệu cầm đồ trong năm 2011. Chị Valeria Arcidiancono đã phải bán đi đôi hoa tai vàng - ngọc trai của mình. “Chúng trị giá 1.000 euro, nhưng họ chỉ cầm cho tôi 42 euro, mà chẳng có biên nhận gì cả”, bà mẹ đơn thân 46 tuổi cho biết.


Một số chủ hiệu cầm đồ chỉ hoạt động tích cực trong vài tuần trước khi bán lại giấy phép kinh doanh, gây khó khăn cho việc đối phó với nạn rửa tiền và buôn bán đồ ăn cắp.


Với Gioriga Standoli, thời gian làm việc bốn tháng tại một hiệu cầm đồ ở Via Cesare Baronio đã cho cô cái nhìn sâu sắc về khó khăn do khủng hoảng kinh tế. “Hầu hết là phụ nữ và người già, họ bán bất cứ thứ gì có thể. Trường hợp buồn nhất là một phụ nữ chưa tới 50 tuổi, đang nuôi ba con nhỏ, tới để bán đi chiếc nhẫn cưới, kỷ vật của người chồng quá cố”, Gioriga kể.


Trái ngược với sự phát đạt của các hiệu cầm đồ, các ngành kinh doanh khác đang chật vật tìm cách sống sót. Các cửa hàng truyền thống, nhất là cửa hàng quy mô nhỏ, đang phải đóng cửa với tốc độ báo động, trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng của người Italia trong mùa thu này được dự báo sẽ giảm xuống mức thấp kể từ sau Thế Chiến II.


Hơn 1.500 cửa hiệu nhỏ ở Rôma đã đóng cửa từ đầu năm đến nay, trong đó có những cái tên nổi tiếng như chuỗi cửa hàng bán lẻ Confesercenti. Tháng trước chuỗi cửa hàng thời trang nữ này đã thông báo đóng cửa sau 80 năm hoạt động. “Chúng tôi rơi vào tình cảnh tuyệt vọng”, Chủ tịch Confesercenti, Valter Giammaria, cho biết, và dự báo, nếu viễn cảnh kinh tế không được cải thiện, thêm 5.000 cửa hàng khác tại Rôma sẽ phải đóng cửa từ nay đến cuối năm.


Trong khi đó, các chủ hiệu cầm đồ vẫn đang hài lòng với việc làm ăn của mình. Trong khi các hiệu cầm đồ ở Bắc Âu thường mua bán đồ đạc đã sử dụng, thì ở Italia chủ yếu là vàng. Điều này phản ánh một truyền thống rất lâu đời ở Nam Âu, nơi mọi người thường dùng vàng để làm quà tặng. Các nhà buôn nấu chảy vàng thu được từ các hiệu cầm đồ và bán ra nước ngoài, khiến đây trở thành một trong những ngành xuất khẩu tăng trưởng nhanh nhất của Italia. Lượng vàng bán theo đường chính ngạch tới Thụy Sĩ đã tăng 65% trong năm ngoái, đạt 120 tấn, so với 73 tấn năm 2010 và 64 tấn năm 2009.


Thu Hằng