09:06 05/09/2019

Thời các 'siêu ứng dụng' lên ngôi tại châu Á

Thành công của WeChat đã cổ vũ nhiều công ty trên khắp châu Á xây dựng những app tất cả trong một, dấy lên một cuộc đua “siêu ứng dụng” trong khu vực.

Chú thích ảnh
Lái xe Go-Jek mua hàng cho khách tại một tiệm cà phê ở Jakarta. Go-Jek giờ đây không chỉ là một ứng dụng đặt xe. Ảnh: Reuters

Michael Xu là người đam mê công nghệ. Rất nhanh sau khi về thăm người thân ở Trung Quốc vào năm 2017, nhà phát triển game từ Toronto đã quyết định bay nửa vòng Trái đất một lần nữa, để tìm hiểu các giải pháp xây dựng game cho ứng dụng WeChat nổi tiếng của Trung Quốc.

Nguồn cảm hứng WeChat

“WeChat quá khổng lồ tại Trung Quốc”, Xu nói với phóng viên tờ Nikkei Asian Review trong một cuộc phỏng vấn. Chàng trai người Canada gốc Hoa 28 tuổi đã gây ấn tượng với hết thảy họ hàng khi sử dụng duy nhất một ứng dụng để thao tác mọi việc, từ thanh toán hóa đơn, chat với bạn bè cho tới đặt đồ ăn. “Ông nội 88 tuổi của tôi là người dùng lão làng của WeChat, cũng dùng nó để gọi, chia sẻ ảnh và bài viết với tôi suốt”.

Vì thế khi Xu định “tấn công” vào thị trường video game Trung Quốc từ năm ngoái, động thái đầu tiên của anh là học một khóa lập trình của WeChat ở Thượng Hải. “Mọi người dân Trung Quốc đều luôn sẵn sàng trên WeChat”, Xu nói. “Sẽ tiện hơn nhiều để họ chơi game của chúng tôi ngay trên WeChat, thay vì đề nghị người dùng tải xuống một ứng dụng khác".

Chiến lược của Michael Xu cho thấy sức mạnh tuyệt đối của WeChat, ứng dụng do người khổng lồ internet Tencent Holdings điều hành, với trên 1,1 tỉ người dùng, hầu hết là tại trung Quốc.

Chú thích ảnh
Các siêu ứng dụng ở châu Á và những dịch vụ chính.

Hãy thử tượng tượng tất cả các ứng dụng nổi tiếng của Mỹ như  WhatsApp, Apple Pay, Uber, Facebook, Expedia và nhiều app (ứng dụng) khác, đều được tích hợp chung trong một ứng dụng duy nhất – thì đó chính là WeChat.

Thành công của ứng dụng này đã cổ vũ nhiều công ty trên khắp châu Á xây dựng những app “tất cả trong một”, dấy lên một cuộc đua “siêu ứng dụng” trong khu vực. Tuy vậy, sự tiện dụng cũng có giá của nó. Một số chuyên gia cảnh báo rằng sự gia tăng các siêu ứng dụng như vậy có thể kìm hãm tính cạnh tranh và sự sáng tạo.

Mặc dù không ai thống kê chính xác có bao nhiêu "siêu app" tại châu Á, nhưng chúng đang được sử dụng ở mọi nơi, kể cả những góc hẻo lánh nhất của khu vực. Myanmar, dù mới chỉ mở cửa với internet từ năm 2000, đã được ứng dụng Zalo của Việt Nam tiếp cận mạnh mẽ. Zalo khởi đầu là một công cụ nhắn tin, giờ đây sẽ sớm cho phép người dùng mua sắm và thanh toán trực tuyến. Tại Ấn Độ, “người khổng lồ” Reliance đầu năm nay cũng công bố sẽ tung ra một ứng dụng tích hợp hơn 100 dịch vụ!

Chú thích ảnh
Người dùng sử dụng ứng dụng Zalo tại Myanmar. Ảnh: Reuters

Con đường kinh doanh mới

“Các siêu app đã trở thành một con đường kinh doanh mới ở châu Á”, ông Vishal Harnal, chuyên gia công nghệ Singapore, phát biểu.

Hiện tượng “siêu app” bắt nguồn từ quá trình phát triển ở các nền kinh tế đang nổi. Hàng triệu người dân tại các thị trường mới nổi ở châu Á đã bỏ lỡ kỷ nguyên máy tính cá nhân, nhưng họ đã nhảy vọt thẳng lên kỷ nguyên của smartphone và sử dụng các ứng dụng như là một nhu cầu tự nhiên.

Cùng lúc đó, thị trường ứng dụng trị giá nhiều tỉ đô-la đã tạo ra những cuộc cạnh tranh không liệt. Chỉ riêng tại Trung Quốc đã có trên 4 triệu ứng dụng, theo số liệu của Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin nước này. Các nhà phân tích nói rằng, siêu app giúp các doanh nghiệp thu hút người dùng vào một biển phần mềm, và khóa họ ở lại đó.

Amalia Ayuningtyas, một nhà tư vấn ở Jakarta, là bằng chứng sống cho kiểu kinh doanh này. Ban đầu cô tải xuống Go-Jek, một siêu ứng dụng của Indonesia, chỉ để sử dụng dịch vụ đặt “xe ôm”. Amalia chỉ muốn đi lại “dễ thở” hơn trong thành phố đông nghẹt ô tô vào giờ cao điểm. Nhưng người phụ nữ 27 tuổi nhanh chóng phát hiện ra rằng cô đang “sa” vào một loạt tính năng khác của ứng dụng, xuất phát từ các voucher mà Go-Jek tặng cho khách hàng.

Chú thích ảnh
Quảng cáo các ứng dụng WeChat Pay, Alipay bên ngoài một cửa hiệu đồng hồ tại Hong Kong. Ảnh: Reuters

Hiện tại. Ayuningtyas sử dụng ví điện tử GoPay để thanh toán phí vận chuyển, đặt đồ ăn trên GoFood và gửi các tài liệu qua GoSend. Thỉnh thoảng cô đặt dịch vụ mát-xa qua tính năng GoMassage và tìm người dọn nhà nhờ GoClean. Bất cứ khi nào số dư trong ví còn ít, cô lại nhập thêm tiền bằng tính năng GoPulsa.

“Tôi là một cư dân Go-Jek”, Ayuningtyas nói và cho biết thêm rằng khoảng 20% thu nhập hàng tháng của cô “chạy” vào ứng dụng này.

Tại một hội nghị ở Hong Kong (Trung Quốc), Ajey Gore, Giám đốc phụ trách công nghệ của Go-Jek, cho biết, trung bình nền tảng của ông đang xử lý 2,5 triệu yêu cầu của người dùng ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, nhờ nó tích hợp tới 21 dịch vụ và còn đang tiếp tục mở rộng. “Ngay khi bạn cài ứng dụng này, bạn có thể làm bất cứ điều gì”, ông Gore khẳng định.

Bán các dịch vụ khác nhau trên một nền tảng giúp giảm thiểu chi phí và khiến cho các đối thủ khó chen chân vào hơn. Foodpanda, một công ty chuyên giao đồ ăn lớn có trụ sở tại Đức, đã phải ngừng hoạt động tại Indonesia vào năm 2016 sau khi Go-Jek và hãng đối thủ Grab của Singapore mở rộng hoạt động sang dịch vụ đặt đồ ăn qua thiết bị di động.

Đầu năm nay, Honestbee của Singapore cũng quyết định ngừng dịch vụ giao đồ ăn sau khi xem xét lại chiến lược. Honestbee được cho là đang định bán lại cho Grab hoặc Go-Jek, mặc dù đại diện công ty vẫn từ chối bình luận.

Các nhà đầu tư hiện đang lưu ý diễn biến này trên thị trường. "Dù gì họ cũng không thể trụ nổi trước sự cạnh tranh của WeChat và Alibay”, một nhà đầu tư tài chính ở Bắc Kinh nói, ám chỉ các siêu ứng dụng do hai tập đoàn Tencent và Alibaba phát triển. “Những người khổng lồ đã quá mạnh, họ kiểm soát đường vào của nhiều lĩnh vực, và đang ngày càng mạnh hơn”.

Chú thích ảnh
Tài xế Grab tại Indonesia. Ảnh: CNA

Thường thì các khách hàng, dù muốn hay không cũng bị buộc phải sử dụng một số "siêu app". Tại Hàng Châu, quê nhà của Alipay, một loạt nhà hàng, quán cà phê và siêu thị chỉ chấp nhận dịch vụ thanh toán trực tuyến này. Tương tự, rất ít người hiện còn mang card-visit tới các hội nghị ở Trung Quốc, họ chỉ cần "add" nhau trên WeChat.

Với 2/3 dân số Trung Quốc sử dụng WeChat, ứng dụng này chiếm vị thế độc tôn đến mức trở thành một “phương tiện công cộng” - ông Matthew Brennan, Giám đốc điều hành công ty tư vấn công nghệ China Channel tại Thượng Hải, đối tác phân tích thị trường cho WeChat, nhận xét. “Dùng WeChat giống như bạn dùng điện thoại, nước, gas và điện vậy”, ông Brennan nói.

Mặc dù phổ biến như vậy, WeChat vẫn đang trên đà mở rộng. Tencent đã đưa ra đề nghị khiến nhiều công ty và các nhà phát triển phần mềm khó từ chối: Họ có thể xây dựng mini-app cho WeChat với chi phí rẻ hơn và nhanh hơn một app thông thường.

“Thường phải mất một tuần để tạo ra một ứng dụng thông thường với một đội ngũ đầy đủ” - Dounan Hu, giám đốc trường lập trình Le Wagon ở Thượng Hải, cho biết - “Nhưng với các chương trình mini, chỉ một, hai người cũng có thể làm xong trong một ngày”.

Tháng 11 năm ngoái, nhà sáng lập Tencent, Pony Ma cho biết, có trên 1 triệu mini-app đã được triển khai trên WeChat chỉ từ năm 2017. Alipay, nơi bắt đầu sử dụng nền tảng mini-app từ năm 2018, cho biết họ đã thu hút trên 100.000 mini-app trong bốn tháng đầu tiên, tức là bổ sung 850 mini-app mỗi ngày.

Jeffrey Towson, giáo sư về đầu tư tại Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc) đã ví các siêu ứng dụng như những bất động sản giá trị. “Ai cũng cần đến các ứng dụng. Nếu anh muốn bán thứ gì đó, anh có thể đề nghị người dùng tải app lên điện thoại, rồi trông đợi may mắn. Hoặc chỉ cần cài một mini-app trên WeChat. Chúng là một cánh cửa hiệu quả mở ra cuộc sống số”.

Thu Hằng/Báo Tin tức