06:19 10/06/2012

Thoát nghèo nhờ nuôi dê lai

Với giá thị trường khoảng 120.000 đồng/kg cùng với mỗi con dê giống có giá khoảng 1,3 đến 1,5 triệu đồng, mỗi năm đình ông Phúc Văn Chính thu nhập gần 50 - 60 triệu đồng.

Năm 2009, Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang đã triển khai dự án nuôi dê lai tập trung và phân tán. Sau 4 năm thực hiện, đến nay đàn dê đã được cải tạo, nhiều gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thay đổi tập quán chăn nuôi theo lối quảng canh, thả rong của nông dân.

Là một tỉnh miền núi có nhiều lợi thế về đồng cỏ, nghề nuôi dê ở Tuyên Quang hình thành từ lâu, nhưng mới chỉ dừng lại ở phương thức nuôi quảng canh, chăn thả tự do. Mặt khác, giống dê chủ yếu ở đây là giống dê cỏ, tuy có đặc tính là mắn đẻ, thời gian mang thai ngắn, thích ứng tốt với điều kiện miền núi nhưng năng suất và hiệu quả kinh tế lại thấp.

Gia đình ông Phúc Văn Chính xã Năng Khả, huyện Na Hang trước đây, kinh tế gia đình chỉ trong chờ vào 6 sào ruộng một vụ, đời sống gặp rất nhiều khó khăn. Cuối năm 2009, ông may mắn được nhận 20 con dê cái và 2 con dê đực, được hỗ trợ thức ăn tinh cho dê lai, các giống cỏ, 6 triệu đồng làm chuồng trại, đồng thời, được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi và chăm sóc dê từ dự án nuôi dê lai tập trung.

Sau 4 năm thực hiện dự án, kinh tế gia đình ông đã dần ổn định, chuyện thiếu đói vào những ngày tháng giáp hạt không còn xảy ra. Ông Chính tâm sự, dê lai được chăn nuôi theo đúng kỹ thuật rất nhanh lớn, khả năng sinh sản tốt.

Với giá thị trường hiện ổn định khoảng 120.000 đồng/kg cùng với mỗi con dê giống có giá khoảng 1,3 đến 1,5 triệu đồng, mỗi năm đình ông thu nhập gần 50 - 60 triệu đồng. Ngoài ra ông còn kết hợp nuôi trâu, bò để phát triển kinh tế. Trang trại của ông, giờ đã có 5 con trâu, 6 con bò và hơn 20 con dê, mỗi năm cho thu nhập cả trăm triệu đồng.

Dự án nuôi dê lai tập trung và phân tán được Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang triển khai từ năm 2009 đến năm 2010 với tổng số vốn trên 1 tỷ đồng.

Ông Nhữ Ngọc Dưỡng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Nà Hang cho biết, sau khi dự án được triển khai, người nuôi dê ở huyện Na Hang và Chiêm Hoá đã nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành cả về vật chất lẫn kỹ thuật. Đến nay, nhiều hộ biết trồng cỏ để nuôi dê, biết bổ sung thức ăn tinh, cách phòng trị một số bệnh thông thường như: tiêu chảy, lở mép, chướng hơi...

Sự chuyển biến tích cực trong nhận thức người chăn nuôi đã thúc đẩy đàn dê lai phát triển một cách nhanh chóng. Số lượng đàn dê tăng nhanh, tỷ lệ dê lai (Bách Thảo, Beetal) trong đàn tăng từ 45-50%.

Mô hình nuôi dê lai đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế tích cực cho nhiều hộ chăn nuôi, giúp họ thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.



Nguyễn Văn Tý