11:08 05/11/2012

Thoát nghèo nhờ được hỗ trợ vốn vay

Cùng với nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên dành cho miền núi, những năm qua Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng đến việc hỗ trợ vốn vay cho đồng bào các dân tộc. Nhờ được Ngân hàng Chính sách Xã hội cho vay vốn kịp thời và hỗ trợ phương thức sản xuất, chăn nuôi mà hàng ngàn hộ nghèo là người dân tộc thiểu số ở Bắc Kạn đã vượt qua khó khăn, vươn lên ổn định cuộc sống.

 

Cơ hội thoát nghèo


Những năm trước, gia đình ông Triệu Văn Trong ở thôn Bản Váng 1, xã Địa Linh, huyện Ba Bể, có hoàn cảnh rất khó khăn. Nhà chỉ có ít đất sản xuất, cả gia đình ông làm lụng quanh năm cũng chỉ đủ sống qua ngày. Do thuộc diện hộ nghèo, ông được Hội nông dân xã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) Huyện Ba Bể vay 5 triệu đồng vốn ưu đãi để mua 1 con trâu về nuôi. Đến năm 2010, gia đình ông cũng đã có 3 con trâu. Ông Trong bán bớt 1 con trâu, trả hết tiền vay đến hạn cho ngân hàng và tiếp tục vay thêm 10 triệu đồng để mua thêm cây giống và nuôi thêm 2 con heo nái. Ông Trong hồ hởi nói: “Nhờ có Ngân hàng CSXH Huyện cho vay vốn ưu đãi, tôi mới có điều kiện mở mang sản xuất, thoát được cảnh nghèo và nuôi các con khôn lớn”.


 

Người dân đến trả nợ và vay vốn tại điểm giao dịch ngân hàng CSXH xã Địa Linh.

 

Bà Trương Thị Tuyết, thôn Bản Váng 1 cũng là một trong những hộ sử dụng vốn vay hiệu quả. 3 năm trước, bà vay 5 triệu đồng để trồng mận, một loại cây rất thích hợp với điều kiện đất đai tại Ba Bể. Đến nay, cây mận đã cho quả và thu hoạch. Năm 2010, gia đình bà thu được 9 triệu đồng chỉ từ 20 cây mận. Vui mừng trước kết quả này, sau khi trả nợ xong, bà quyết định vay thêm 20 triệu đồng nữa để trồng thêm, mở rộng vườn mận. Không chỉ riêng gia đình bà, rất nhiều hộ dân ở xã Địa Linh đã thoát nghèo từ những vốn vay hiệu quả này.

 

Đưa đồng vốn đến tận tay

 

Ông Tống Văn Mạnh - Phó Giám đốc phụ trách Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Bể, cho biết: “Chúng tôi đã đơn giản hóa thủ tục cho hộ nghèo vay vốn, giảm giấy tờ và sự rườm rà, phiền hà không cần thiết. Phối hợp tốt với chính quyền địa phương để thực hiện phương thức ủy thác cho vay tín chấp thông qua Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Chính các tổ chức này bằng uy tín của mình cùng với chính quyền địa phương đã lập hồ sơ đứng ra tín chấp với ngân hàng cho hội viên vay vốn. Điều đáng ghi nhận ở đây nữa chính là sự tham gia của các đoàn thể đã giúp nguồn vốn vay đến với đồng bào đúng đối tượng và vốn vay được sử dụng đúng mục đích".


Đến nay, Ngân hàng CSXH phối hợp với các hội, đoàn thể xây dựng được 232 tổ tiết kiệm và vay vốn ở tất cả các thôn, làng, tổ dân phố. Việc xác định tiêu chuẩn hộ nghèo được vay vốn do các tổ bình xét theo tiêu chí dưới sự giám sát của các tổ chức chính trị xã hội tại địa phương, sau đó lập danh sách chuyển lên Ban Xóa đói Giảm nghèo của xã xác nhận, gửi ngân hàng xem xét. Cán bộ tín dụng của Ngân hàng CSXH sẽ xuống điểm giao dịch tại xã để lập hồ sơ cho vay. Hộ nghèo vay vốn thực hiện nhận tiền vốn, trả tiền lãi ngay tại điểm giao dịch Ngân hàng CSXH ở xã, thị trấn.


Hộ nghèo khi làm thủ tục vay vốn, tất cả các hồ sơ, thủ tục vay vốn, Ngân hàng CSXH không thu một khoản lệ phí nào. Nhờ đó, họ giảm được chi phí để dành toàn bộ vốn tập trung cho phát triển sản xuất, chăn nuôi. Bà Lý Thị Lành - Tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn phụ nữ thôn Bản Váng 1, xã Địa Linh chia sẻ: “Cơ chế, thủ tục vay vốn gọn nhẹ. Lại được giao dịch tại xã, nên rất thuận tiện. Trong thôn đã có 43 hộ phụ nữ được vay vốn ưu đãi, trong đó đã có trên 10 chị thoát nghèo”.


Nhờ có sự quản lý giám sát chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể và ngân hàng nên đa số đồng bào đã sử dụng vốn đúng mục đích. Hiệu quả vốn vay ngày càng rõ, vì thế đồng bào ngày càng tin tưởng vào các nguồn vốn. Từ làm ăn nhỏ lẻ đồng bào đã phát triển với quy mô lớn nên thu được lợi nhuận kinh tế cao hơn.

 

Bài và ảnh: Minh Phúc