06:22 26/06/2015

Thoát cảnh 'vải đỏ đường, dân đỏ mắt'

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nên việc tiêu thụ vải thiều niên vụ năm 2015 diễn ra rất thuận lợi, tránh được tình trạng “vải đỏ đường, dân đỏ mắt”.

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp nên việc tiêu thụ vải thiều niên vụ năm 2015 diễn ra rất thuận lợi, tránh được tình trạng “vải đỏ đường, dân đỏ mắt”.

Vải được thu mua phân loại để đóng thùng xốp tại huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) để chuyển đi tiêu thụ.


Sở Công Thương Bắc Giang cho biết, nhờ thời tiết tương đối thuận lợi vải thiều được mùa, sản lượng ước đạt hơn 180.000 tấn. Thời gian thu hoạch vải thiều niên vụ năm nay đúng vào thời điểm một số mặt hàng nông sản của các địa phương miền Trung và miền Nam gặp khó khăn trong việc tiêu thụ đã làm dấy lên lo ngại trái vải thiều khó tránh được số phận "long đong" giống như hành tím (Sóc Trăng) và dưa hấu (Quảng Nam). Tuy nhiên, rút kinh nghiệm từ những năm trước, ngay từ đầu mùa vải 2015, tỉnh Bắc Giang đã chủ động phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng một số ngành, địa phương liên quan triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy tiêu thụ vải thiều. 

Nếu trước đây Bắc Giang thụ động trông chờ vào các thương lái Trung Quốc thì năm nay đã chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ mới. UBND tỉnh Bắc Giang đã thực hiện những chuyến đi đến nhiều địa phương trong cả nước đẩy mạnh xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ nội địa thông qua các kênh bán lẻ, chợ đầu mối, hệ thống siêu thị lớn như Metro, Coop.Mark, Hapro và Big C. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là cách làm đúng bởi đối với loại nông sản có tính thời vụ cao như vải thiều thì thị trường tiêu thụ nội địa đóng vai trò cực kỳ quan trọng, trong bối cảnh chưa được sở hữu nhiều công nghệ cao bảo quản sau thu hoạch.

Bên cạnh đó, Bắc Giang còn chủ động duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống như Trung Quốc, các nước ASEAN như Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore... đồng thời lên kế hoạch quyết tâm chinh phục những thị trường khó tính như Mỹ, Pháp, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Với những bước đi cụ thể và hợp lý nên tin vui dồn dập đến với người trồng vải: Thị trường tiêu thụ trong nước được mở rộng, vải thiều xuất khẩu sang Trung Quốc không còn cảnh hàng đoàn xe xếp hàng nối đuôi nhau chờ thông quan, đặc biệt vải thiều đã có mặt tại nhiều thị trường khó tính và được người tiêu dùng đón nhận.

Để quả vải thiều được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng như hiện tại, theo ông Nguyễn Văn Khái, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Giang, trong những năm qua tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các viện nghiên cứu, nhà khoa học mở hàng trăm lớp tập huấn cho bà con về quy trình sản xuất vải thiều sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và Global GAP. Người dân trồng vải đã được học tập, nghiên cứu về quy trình kỹ thuật chăm sóc vải thiều từ giai đoạn ra hoa, đậu quả đến khi thu hoạch. Rõ ràng, trong câu chuyện thành công của quả vải đã có sự liên kết khá chặt chẽ giữa “4 nhà” (nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông).

Ông Bùi Văn Hạnh cho rằng, kinh nghiệm tiêu thụ vải thiều cho thấy, nếu được sự quan tâm, chỉ đạo tích cực từ Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự phối hợp đồng bộ giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp, nông dân... thì kết quả sẽ đạt như mong đợi. Vì vậy, rất cần Bộ Công Thương đứng ra làm “nhạc trưởng” kết nối các tỉnh lại với nhau để tiêu thụ vải thiều cũng như các mặt hàng nông sản khác. Còn ở thị trường nước ngoài thì rất cần sự giúp sức của các tham tán thương mại trong việc thông tin cho doanh nghiệp về thị trường xuất khẩu.

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, thời gian tới Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục chỉ đạo các địa phương mở rộng diện tích canh tác nông nghiệp theo mô hình quả vải. Đặc biệt sẽ đẩy mạnh việc phối hợp với các doanh nghiệp để đảm bảo thu hoạch, chế biến phù hợp với nhu cầu thị trường.
Dương Trí