10:23 16/10/2015

Thoái vốn nhà nước: Ưu tiên bán doanh nghiệp có lãi

Nhìn vào danh sách các doanh nghiệp Chính phủ cho phép Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn và giữ lại trong lần này có thể thấy, Chính phủ muốn “bán các doanh nghiệp tốt” trong khi “giữ lại các doanh nghiệp ở tốp trung bình”.


Bước đi cần thiết để tiếp tục tái cơ cấu kinh tế

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận xét: Việc Nhà nước thoái vốn cả ở những doanh nghiệp làm ăn yếu kém lẫn các doanh nghiệp thuộc các ngành làm ăn có hiệu quả như bia rượu, nước giải khát, sữa, viễn thông... là bước đi cần thiết của quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế.

FPT là một trong những doanh nghiệp Nhà nước sẽ thoái hết vốn. Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN

“Việc thoái vốn ở những doanh nghiệp làm ăn có lãi sẽ giúp khu vực Nhà nước tập trung vào đúng những lĩnh vực cần phải đầu tư, chứ không phải chỉ căn cứ vào lãi hay lỗ. Từ yêu cầu thoái vốn lần này cần xác lập lại vai trò, đầu tư vốn của Nhà nước, đó là chỉ tập trung vào những lĩnh vực mà các khu vực kinh tế khác không muốn hay không thể làm được”, ông Ánh nhấn mạnh.

Khi Nhà nước rút vốn ra và nhà đầu tư khác tham gia vào thì câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp đó sau này có làm ăn tốt hay không. Chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng, câu trả lời là chưa chắc vì đó là câu chuyện của thị trường. Tuy nhiên, vẫn cần phải đẩy nhanh việc thoái vốn để nền kinh tế vận hành hiệu quả hơn. “Sự phân biệt đối xử doanh nghiệp nhà nước và ngoài khu vực nhà nước là có. Bởi khi Nhà nước còn nắm giữ vốn tại doanh nghiệp thì phải ưu đãi cho nó. Ở đây có vấn đề là khi Nhà nước rút vốn ra thì doanh nghiệp đó sẽ phải vận hành trên một nền tảng bình đẳng hơn, kể cả về mặt cạnh tranh, ưu đãi, tiếp cận thị trường. Do đó, việc thoái vốn đó là tốt và phải làm, cần đẩy nhanh”, ông Ánh chỉ rõ.

Ông Nhữ Đình Hòa, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt cũng có góc nhìn rất tích cực xung quanh động thái Chính phủ cho phép SCIC thoái vốn tại 10 doanh nghiệp và giữ lại 9 doanh nghiệp khác vào thời điểm này: “Nhìn chung, khi Nhà nước thoái vốn tại các doanh nghiệp này sẽ tạo cơ hội sở hữu và tham gia vào hoạt động quản trị lớn hơn cho các nhà đầu tư tổ chức khác, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Mức độ sâu sát và kinh nghiệm điều hành tại từng lĩnh vực chuyên biệt của các nhà đầu tư mới sẽ giúp các doanh nghiệp này nâng cao hiệu quả hoạt động và tăng trưởng tốt hơn. Khi hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp được củng cố thì tất nhiên sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế”.

Đối với riêng trường hợp của Vinamlik, ông Nhữ Đình Hòa cũng cho rằng đây là thời điểm thoái vốn thích hợp: “Hiện tại, bối cảnh cạnh tranh của thị trường sữa đã khác với trước đây là ngày càng có thêm sự tham gia của cả nhà đầu tư trong và ngoài nước và tính cạnh tranh đa dạng hơn. Nói cách khác là miếng bánh thị phần đang dần bị chia cho nhiều đối tượng hơn. Để giúp Vinamlik có thể giữ được thị phần trong nước và nhìn xa hơn là mở rộng thị trường xuất khẩu, sẽ cần sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với lợi thế về kinh nghiệm và chiến lược phát triển và nếu xét trên góc độ này thì cũng là điều tốt mang lại sự phát triển cho Vinamilk”.

Hài hòa lợi ích doanh nghiệp và nền kinh tế

Với các tỷ lệ mà Nhà nước đang nắm giữ rất lớn tại các doanh nghiệp, điều mà dư luận quan tâm hiện nay là lộ trình thoái vốn như thế nào, bán cho ai và giá bán để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất.

Theo ông Nhữ Đình Hòa, để không tạo hiệu ứng tiêu cực đến thị trường, như sức cầu, phương án tốt nhất là SCIC nên phối hợp với doanh nghiệp để tìm các nhà đầu tư chiến lược có khả năng tài chính vững chắc, bề dày kinh nghiệm và cùng hoạt động trong các lĩnh vực tương ứng. Tất nhiên, khi bán cho những nhà đầu tư đó, đa phần sẽ thông qua hình thức giao dịch thỏa thuận, không làm ảnh hưởng đến cung cầu của các giao dịch khớp lệnh trên sàn chứng khoán.

Thêm một vấn đề nữa là danh sách mở room cho các ngành nghề có điều kiện đối với sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài cần được Bộ Kế hoạch & Đầu tư sớm hoàn thiện để tạo cơ chế tham gia cho khối ngoại và các công ty đa quốc gia. Hiện cổ phiếu của các doanh nghiệp niêm yết như VNM, FPT, BMP đều đã kịch trần của giới hạn sở hữu nước ngoài được phép và nhìn chung để bán được những khối lượng lớn như thế thì phải thu hút thêm lực cầu của các nhà đầu tư nước ngoài thì thị trường mới có thể hấp thụ hết được.

“Sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức, đặc biệt là các nhà đầu tư chiến lược có khả năng tài chính vững mạnh, kinh nghiệm điều hành và định hướng phát triển trong các lĩnh vực kinh doanh chuyên biệt của mỗi doanh nghiệp, sẽ quyết định đến tính hiệu quả trong quyết sách này của Chính phủ. Không chỉ liên quan đến yếu tố lợi nhuận, Chính phủ cần phải cân đối nhiều bài toán khác để đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp và nền kinh tế”, ông Nhữ Đình Hòa nhấn mạnh.

Tuy nhiên, văn bản của Chính phủ về việc thoái vốn lại không đặt ra thời hạn thoái vốn đối với những doanh nghiệp này nên nhiều chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về tiến độ và lộ trình thoái vốn. “Đây đều là những doanh nghiệp mang lại lợi nhuận lớn cho Nhà nước, nên việc thoái vốn toàn bộ không phải là điều dễ dàng, nếu không có một lộ trình cụ thể”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm.

“Phải có thứ tự ưu tiên thoái vốn của doanh nghiệp nào trước, doanh nghiệp nào sau. Chính phủ cũng cần cho dư luận biết lộ trình cụ thể, bán giá bao nhiêu, nhắm đối tượng nào, ngoài nước và trong nước, bán trên sàn nào. Cần phải có chương trình cụ thể để người dân biết được chứ không phải đưa ra chủ trương bắt SCIS thoái vốn ở tất cả doanh nghiệp”, ông Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị.
Thu Hường - N.Quang