09:06 15/09/2016

Thoái vốn Nhà nước phải hiệu quả

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp đã chia sẻ với báo giới chiều 14/9 về tình hình bán vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp lớn cũng như giải pháp để thúc đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Thưa ông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo quyết liệt chủ trương tiếp tục bán vốn Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), Tổng công ty cổ phần Bia rượu nước giải khát Hà Nội (Habeco); chủ trương bán cổ phần của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) tại 10 công ty, đặc biệt Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) đang được giới đầu tư quan tâm. Ông có thể cho biết thông tin mới nhất về quá trình thực hiện đến nay ra sao?

+ Đối với 10 doanh nghiệp của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), SCIC đã được giao nhiệm vụ và đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện.Theo đó, sẽ bắt đầu tiến hành bán vốn của Vinamilk trong năm nay. Còn lại 9 doanh nghiệp khác cũng thực hiện trong năm nay và đầu năm 2017. Năm nay không bán được thì Chủ tịch SCIC coi như không hoàn thành nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao. Đối với phương án bán vốn cụ thể tại Vinamilk, phía SCIC đang xây dựng phương án cụ thể để báo cáo Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên tôi cho rằng:Đây là quá trình phải làm cẩn thận để tránh ảnh hưởng tới thị trường bởi có thể nhà đầu tư sẽ tập trung hết vào Vinamilk.

Vinamilk là thương hiệu có giá trị bởi khả năng quản trị tốt cũng như luôn đổi mới, sáng tạo. Hiện tại, thương hiệu này không chỉ ở Việt Nam mà là tầm khu vực.

Vì vậy doanh nghiệp này được xem “nhạy cảm” trên thị trường nên khi tiến hành bán vốn phải tránh mọi vấn đề gây bất ổn trên thị trường. Doanh nghiệp này có quy mô rất lớn (hơn 100.000 tỷ đồng), thoái vốn đồng loạt sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp còn lại nên phải làm cẩn trọng. Việc bán ra thị trường có thể không chỉ thực hiện một lần mà phải nhiều lần.

Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ giám sát SCIC để đảm bảo tránh gây biến động thị trường chứng khoán, đảm bảo tuân thủ đúng pháp luật, công khai, minh bạch, thị trường, cạnh tranh; đảm bảo cao nhất quyền lợi của Nhà nước và cả các cổ đông. Lần đầu tiên bán hàng tốt, lớn phải thăm dò chứ không thể có món hàng ngon bán hết, cần phải thận trọng. Tôi tin, SCIC sẽ lựa chọn ra phương án hiệu quả.Với khối lượng vốn lớn như trên thì cần thiết phải kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài. “Bông hoa đẹp mà bán giá rẻ thì không được”.

Bộ Tài chính đóng vai trò như thế nào trong quá trình thực hiện thoái vốn Sabeco, Habeco?

Sabeco, Habeco chưa bàn giao về SCIC, Bộ Công thương vẫn là cơ quan đại diện chủ sở hữu theo pháp luật hiện hành nên thoái vốn các doanh nghiệp này Bộ Tài chính chỉ là cơ quan tham mưu, hỗ trợ và thực hiện giám sát theo chức năng. Nếu quá trình giám sát thấy vướng mắc, Bộ Tài chính sẽ có trách nhiệm cảnh báo.

Thưa ông, nguồn thoái vốn sẽ được sử dụng ra sao?

Một phần sẽ được thực hiện tái đầu tư cho doanh nghiệp Nhà nước còn lại theo Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước. Một phần còn lại sẽ sử dụng để chi cho đầu tư phát triển xây dựng các công trình trọng điểm, an sinh xã hội ví dụ như: Bệnh viện trọng điểm các tuyến; chi hỗ trợ chương trình nông thôn, chống biến đổi khí hậu,... Tôi cho rằng, trong tình hình ngân sách nhà nước hạn chế, có thêm nguồn chi đầu tư phát triển này là cần thiết. Các nội dung chi này là nhiệm vụ của nhà nước khi mà các doanh nghiệp không mặn mà vì không sinh lời do là các công trình cộng đồng, xã hội.

Đến nay tiến trình cổ phần hóa vẫn còn chậm. Lý do tại sao, thưa ông?

Trong 8 tháng đầu năm 2016, đã cổ phần hóa được hơn 40 doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc cổ phần hóa chậm nguyên nhân khách quan là do thị trường chứng khoán vốn chịu tác động thế giới cũng như khó khăn nội tại nên nhu cầu và dòng vốn hạn chế, không bán được như mong muốn. Song, quan trọng nhất vẫn là nguyên nhân chủ quan, trong đó có việc các bộ ngành đã quyết liệt chưa?
 
Tuy nhiên tôi cho rằng: Số lượng cổ phần hóa đến nay không còn nhiều, hầu hết tập trung vào các doanh nghiệp lớn thì tiến độ triển khai đến thời điểm hiện nay là vẫn "chấp nhận được". Vấn đề quan trọng cần quan tâm trong giai đoạn hiện tại là chất lượng của việc cổ phần hóa và hiệu quả đổi mới quản trị doanh nghiệp sau quá trình này.

Theo tôi, một số điểm quan trọng của công tác cổ phần hóa trong giai đoạn này là: Trước hết sẽ tiến hành cổ phần hóa và thoái vốn ở các doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả đúng như Nghị quyết của Đảng. Việc này cần phải được triển khai hiệu quả để tìm được những nhà đầu tư, người mua phát huy được giá trị của vốn Nhà nước, thu về nhiều nhất có thể để tái đầu tư.

Bên cạnh đó, trong quá trình cổ phần hóa, việc thận trọng, tránh làm bằng mọi giá, tránh thất thoát được đặt lên hàng đầu theo Nghị quyết của Bộ Chính trị. Với sự thận trọng đó, cơ quan quản lý cũng đang nhận thấy vẫn đề định giá doanh nghiệp của các đơn vị tư vấn vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã giao Kiểm toán Nhà nước tiếp tục rà soát, kiểm toán lại để xác định rõ giá trị doanh nghiệp và cũng nhằm đánh giá chất lượng của công ty tư vấn để đảm bảo tính đúng, tính đủ, tính chính xác trong hoạt động này. Giải pháp này sẽ tạo thêm niềm tin cho các nhà đầu tư khi tiếp cận những thông tin về doanh nghiệp.

Cuối năm 2015, Chính phủ đã yêu cầu phía SCIC "chọn thời gian thích hợp" để thoái hết vốn Nhà nước tại 10 doanh nghiệp là: Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng Công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang, Công ty cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong, Công ty cổ phần Hạ tầng và Bất động sản Việt Nam, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Sa Giang, Công ty cổ phần FPT, Công ty cổ phần Viễn thông FPT. Trong số trên, riêng tại Vinamilk, tỷ lệ vốn Nhà nước đang nắm giữ là 45,1%.


Minh Phương - T. Dương (thực hiện)