03:21 03/03/2020

Thỏa thuận ngừng bắn hết hiệu lực, Taliban lại tấn công lực lượng Chính phủ Afghanistan

Nhiều giờ sau khi một thỏa thuận ngừng bắn một phần hết hiệu lực, phiến quân Taliban đã thực hiện nhiều vụ tấn công nhằm vào các doanh trại quân đội của Chính phủ Afghanistan, phủ bóng đen lên triển vọng đàm phán hòa bình giữa chính quyền Kabul và phiến quân.

Chú thích ảnh
Lực lượng an ninh Afghanistan tham gia chiến dịch truy quét phiến quân Taliban tại tỉnh Kunduz ngày 4/2/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Một quan chức quốc phòng Afghanistan cho biết đêm 2/3, Taliban đã tấn công các lực lượng chính phủ ở 13 trên tổng số 34 tỉnh. Vụ tấn công ở tỉnh Kandahar, miền Nam Afghanistan, đã khiến 2 binh lính thiệt mạng. Trong khi đó, giới chức tỉnh Logar, gần thủ đô Kabul, cho biết 5 binh lính đã thiệt mạng trong vụ tấn công của Taliban tại đây.

Theo thỏa thuận mới được Mỹ và Taliban ký kết tại Doha (Qatar) hôm 29/2 vừa qua, các vòng đàm phán nội bộ Afghanistan dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 10/3. Tuy nhiên, mâu thuẫn về vấn đề trao đổi tù binh đã khiến triển vọng đàm phán trở nên mù mịt.

Thỏa thuận bao gồm một cam kết rằng Taliban phải trả tự do cho tối đa 1.000 tù nhân và Chính phủ Afghanistan trả tự do cho khoảng 5.000 phiến quân. Trong khi phía phiến quân coi như đây là điều kiện tiên quyết để tiến hành đàm phán thì Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani lại từ chối trao đổi tù binh trước khi các vòng đàm phán bắt đầu.

Mâu thuẫn này báo hiệu chặng đường đàm phán khó khăn trước mắt và quyết định của Taliban chấm dứt thỏa thuận ngừng bắn một phần hôm 2/3 lại càng làm tình hình thêm phức tạp.

Việc Taliban chấm dứt lệnh ngừng bắn một phần, vốn có hiệu lực từ ngày 22/2, đã dập tắt hy vọng mới về khả năng khôi phục cuộc sống hòa bình cho người dân Afghanistan sau 18 năm nội chiến. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng động thái trên không hề bất ngờ khi cả hai bên bên lâu nay luôn tận dụng mọi cơ hội để có lợi thế trước đối phương.

Vanda Felbab-Brown, thành viên cấp cao của Viện Brookings, cho rằng hiển nhiên là bạo lực sẽ gia tăng như thường lệ. Chuyên gia này không ngạc nhiên khi Tổng thống Ghani "ngần ngại" về việc trả tự do cho các phiến quân vì đây là một trong không nhiều những lợi thế đàm phán mà ông đang nắm trong tay.

Chuyên gia phân tích Ahmad Saeedi cho rằng việc Taliban gia tăng các cuộc tấn công đã phản ánh phiến quân tin rằng cần phải giữ chiến trường căng thẳng để có thể giành thắng lợi trên bàn đàm phán, giống như những gì đã làm trong các vòng đàm phán với Mỹ.

Dù Taliban luôn tuyên bố "giành chiến thắng" sau khi ký kết thỏa thuận với Mỹ nhưng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo khẳng định những diễn biến trên thực địa mới phản ánh những chi tiết của thỏa thuận mà Mỹ nhận định là "vẫn tốt cho tới thời điểm này". Theo các điều khoản thỏa thuận Mỹ- Taliban, các lực lượng nước ngoài sẽ rút khỏi Afghanistan trong vòng 14 tháng, với sự đảm bảo an ninh của Taliban và một cam kết rằng phiến quân sẽ đàm phán với chính phủ.

Lê Ánh (TTXVN)